Tâm lý tích cực đó lan tỏa từ bản báo cáo cho đến nhiều khách mời là đại biểu quốc hội, các nhà kinh tế, các nhà nghiên cứu…
Có lẽ, xin không trích dẫn các phát biểu vì nhiều tờ báo đã tường thuật khá đầy đủ. Nhưng để phác họa tâm lý đó, xin nêu những dữ liệu mà dường như tất cả đều đồng thuận.
Trước hết, tâm lý lạc quan được thể hiện ở ngay hai kịch bản tăng trưởng cho năm nay.
Ở kịch bản cao, tăng trưởng quý 4 sẽ đạt mức mức 7.4% như quý 3, làm tăng trưởng cả năm 2024 sẽ đạt mục tiêu 7%.
Còn ở kịch bản thấp, tăng trưởng quý 4 sẽ dưới mức 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động quanh mức 6.84%.
Như vậy, dù kịch bản nào thì tốc độ tăng trưởng đều rất cao cho năm “bản lề” 2024 vì nếu tăng trưởng không đạt được mục tiêu năm nay sẽ ảnh hưởng tới những năm sau.
Minh họa cho những nhận định như vậy là hàng loạt con số. Chẳng hạn, tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4.4% cùng kỳ năm ngoái.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn so với dự kiến, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024.
Bên cạnh đó, công nghiệp phục hồi ngoạn mục, vốn FDI thực hiện đạt mức cao kỷ lục, du lịch phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt…
Và còn nhiều số liệu tích cực khác.
Sau thời kỳ Covid-19, tình trạng “sợ trách nhiệm” của bộ máy và đặc biệt nhiều biến động trên thế giới, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trồi sụt suốt mấy năm qua mà trồi ít hơn sụt. Vì vậy, những số liệu tích cực như vậy hứa hẹn triển vọng khá tươi sáng.
Bên cạnh đó, sau bài báo “Tăng trưởng của Việt Nam nhanh như tên lửa” mới đây, có nhiều độc giả quan tâm và muốn tôi giải thích rõ hơn.
Tôi chỉ là nhà báo nên phải nhờ đến các chuyên gia kinh tế, những người có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực số liệu, để phục vụ thêm độc giả.
Trước hết, các chuyên gia này cho rằng, phục hồi sản xuất công nghiệp là động lực chính cho phục hồi tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm nay. Điều này thể hiện rõ trên tương quan giữa Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) và chỉ số Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (VA).
Trong giai đoạn 2016-2019, IPP tăng 1,11 điểm phần trăm thì tạo 1 điểm phần trăm tăng VA; thời kỳ 2020-2021, IPP tăng 1,05 điểm phần trăm tạo ra VA tăng 1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, quan hệ này là 0,94 điểm phần trăm và 1 điểm phần trăm. Nói đơn giản, tốc độ tăng VA lớn hơn tốc độ tăng IPP, điều chưa từng có trong các giai đoạn so sánh.
Như vậy, sự gia tăng hiệu quả rõ ràng VA là nguyên nhân chủ yếu phục hồi tăng trưởng công nghiệp.
Thêm nữa, nền kinh tế tăng trưởng không còn nhờ vào thâm dụng vốn như trước đây. Tăng trưởng đầu tư xã hội chỉ bằng 1/3-1/2 so với trước, tăng trưởng đầu tư tư nhân còn thấp hơn, giải ngân đầu tư công vẫn thấp và gần như không tăng so với năm ngoái.
Bằng chứng trong giai đoạn 2012-2019, đầu tư xã hội tăng 1,42 điểm phần trăm tạo ra 1 điểm phần trăm tăng trưởng. Từ năm 2022 đến nay, tỷ số này là 1,14%/1%. Trong 9 tháng đầu năm nay, GDP tăng 6,82%, cao hơn tốc độ tăng 6,8% của đầu tư xã hội.
Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đã cải thiện vượt bậc về chất lượng và hiệu quả vì có sức chống chịu rất lớn trước thiên tai và bất ổn trên thế giới.
Nói ngắn gọn, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô rất tốt, thậm chí tốt hơn trước thời Covid-19. Triển vọng kinh tế chắc chắn đặt dấu ấn lên đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tới đây.
Vấn đề còn lại, làm sao để những yếu tố vĩ mô tích cực đó tác động vào các thị trường như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và nhất là sức mua của nền kinh tế.