- Những chính sách điều hành tích cực từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong năm 2014 cũng như quyết tâm của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong năm mới 2015 đã và đang mang lại những dấu hiệu tích cực. Công chúng và cộng đồng doanh nghiệp đang có góc nhìn lạc quan đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam sau nhiều năm ngành này gặp khó khăn vì khủng hoảng kinh tế.

Chiến lược thiết lập "kỷ cương tài chính" và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Tuy nợ xấu vẫn là vấn đề đáng lo ngại của nền kinh tế trong năm 2015, song không thể phủ nhận nỗ lực của NHNN cũng như toàn hệ thống các ngân hàng thương mại trong việc kiên quyết xử lý nợ xấu ở năm vừa qua.

Theo các số liệu công bố từ NHNN, tính đến tháng 11/2014, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng là 3,8%, tỷ lệ nợ xấu theo kết quả phân loại của NHNN, dựa trên thông tin tín dụng của Trung tâm Thông tin tín dụng (NHNN) là 5,3%. Bên cạnh đó, theo báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu đã giảm đáng kể.

Ngành ngân hàng cũng đã cam kết trong "Đề án xử lý nợ xấu" đã ban hành, đến hết năm 2015 sẽ đưa nợ xấu về dưới 3%. Trong phát biểu đầu năm của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thì cùng với việc bản thân các ngân hàng tự xử lý nợ xấu dưới sự giám sát của NHNN thì bên cạnh đó, "NHNN cũng sẽ nỗ lực nâng cao khả năng hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). NHNN đã trình Chính phủ, hy vọng ngay sau Tết Nguyên đán, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới sửa đổi Nghị định 53 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động VAMC, tạo môi trường thông thoáng hơn cho hoạt động của Công ty này".

Trong buổi trao đổi mới nhất với VietNamNet, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tái khẳng định về cam kết xử lý tái cấu trúc từ 7 đến 8 ngân hàng có hoạt động yếu kém, các biện pháp mà người đứng đầu NHNN triển khai đã được lập kế hoạch, phương án chiến lược kỹ lưỡng trong nhiều năm trước đây. Các ngân hàng nằm trong diện bắt buộc bị tái cơ cấu cũng được NHNN giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo mọi quyền lợi của người dân, sự phục hồi và tăng trưởng trở lại cho các ngân hàng sau quá trình tái cấu trúc.... "Các phương án xử lý ngân hàng yếu kém có thể tương đối mạnh tay vì chúng tôi muốn thiết lập kỷ cương tài chính trong hoạt động ngân hàng. Một khi kỷ cương tài chính được thiết lập, các ngân hàng sẽ hoạt động ổn định và bền vững, thực sự trở thành những định chế tài chính vững mạnh phục vụ cho xã hội và nền kinh tế. Đặc biệt, các biện pháp thiết lập kỷ cương tài chính không chỉ tác động đến việc hoạt động quản lý Nhà nước, mà quan trọng hơn, các biện pháp này sẽ giúp đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các nhà đầu tư ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển và cải thiện góc nhìn của cộng đồng quốc tế" - Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

{keywords}

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: "Dù thế nào đi nữa, chắn chắn NHNN sẽ không để một ngân hàng nào phá sản".

Công cuộc tái cơ cấu toàn ngành ngân hàng cũng đã được NHNN triển khai quyết liệt, thể hiện ở những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong năm 2014 và M&A sắp diễn ra trong năm nay. Theo như Thống đốc Nguyễn Văn Bình thì công cuộc đầy tính tích cực này đã giúp cho toàn hệ thống ngân hàng có sự ổn định hơn làm tiền đề ổn định chính sách tiền tệ nói riêng cũng như ổn định kinh tế vĩ mô nói chung trong thời gian qua.

Việc NHNN mua lại Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) với giá cổ phiếu 0 đồng là một dẫn chứng rõ nhất cho thấy sự quyết liệt của NHNN trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. "Điểm hay nhất đó là quá trình tái cơ cấu của NHNN đang được người dân nhìn nhận đúng, các NH thương mại ủng hộ tuyệt đối. Tuy nhiên, phải biết "liệu cơm mà gắp mắm", giải quyết từng phần để tránh "già néo đứt dây, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống ngân hàng. Làm công việc này người quản lý cần có trái tim phải rực lửa nhưng cần giữ một cái đầu lạnh. Kiên quyết không đượcnóng vội, nếu không mọi thứ có thể sẽ thành công cốc. Dù thế nào đi nữa, chắn chắn NHNN sẽ không để một ngân hàng nào phá sản" - Thống đốc khẳng định bằng một thái độ chân thành.

Điểm sáng trong điều chỉnh tỷ giá và tăng trưởng tín dụng

Ổn định tỷ giá được coi là điểm sáng và thành công của NHNN trong năm 2014. Theo phân tích của nhiều chuyên gia tài chính khẳng định: tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản hiện nay đang rất ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, niềm tin vào VNĐ được củng cố, chính sách chống đôla hóa nền kinh tế đã thực sự phát huy tác dụng, bên cạnh đó, NHNN tiếp tục bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục so với nhiều năm trước đây.

{keywords}

Nhiều thương vụ M&A ngân hàng tiếp tục hứa hẹn tạo ra tích cực đối với toàn hệ thống ngân hàng trong năm 2015.

Cụ thể, tình trạng đô la hóa tiếp tục giảm (tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt khoảng 11,6%, giảm so với mức khoảng 12,4% của cuối năm 2012-2013). Mặt bằng lãi suất cũng đã giảm từ 1,5 - 2%/năm so với cuối năm 2013, tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Việc Thống đốc NHNN kêu gọi các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên về mức không quá 10%/năm đang nhận được sự ủng hộ của hàng loạt ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2015, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá tăng lên 1% để hỗ trợ các doanh nghiệp có được sự chủ động trong các hoạt động cũng như phương án kinh doanh, hỗ trợ cho xuất khẩu.

Về tăng trưởng tín dụng, cuối năm 2014, ngành ngân hàng đã đạt được mục tiêu 14,16%. Thống đốc NHNN cũng khẳng định các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm 2015 ở mức 13 - 15%, cao hơn mức 12 - 14% của năm 2014 là hoàn toàn khả thi.

Có thể nói, những chính sách đúng đắn của NHNN mà người đứng đầu điều hành là Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã giúp cho toàn hệ thống ngân hàng năm 2014 có được những hoạt động cũng như chuyển biến tích cực nói riêng và giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô nước ta nói chung. Trong năm 2015 này, các ngân hàng đang trông chờ và đặt niềm tin rất lớn vào sự điều hành của NHNN với những hứa hẹn đầy khả quan. Kinh tế đất nước thực sự đang phục hồi sau những năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Chính sách tín dụng tam nông đang cứu nông dân

Không chỉ chú trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp, theo tìm hiểu của PV, NHNN hiện đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất bằng giảm lãi suất huy động, làm cơ sở để các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn (NNNT); xuất khẩu; DNNVV; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phổ biến ở mức 7-8%/năm - thấp hơn lãi suất cho vay các lĩnh vực khác khoảng 2-3%/năm. Đây là những nội dung công tác được NHNN và hệ thống TCTD quyết liệt thực hiện trong thời gian qua. Cụ thể, NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã ký liên tịch với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cùng tham gia tổ chức thực hiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng... của người dân, tạo điều kiện để tăng gia sản xuất. Đặc biệt, việc đáp ứng vốn đầy đủ kịp thời đã hạn chế tình trạng vay vốn qua trung gian và vay nặng lãi ở nông thôn. Những chính sách thiết thực này đang thực sự là "cứu cánh" cho người nông dân, góp phần ổn định cho cuộc sống của hàng chục triệu người nông dân, ổn định giá trị hàng nông sản trong thị trường quốc tế.


Tường Minh - Trang Phạm