Gần như 100% dân La Pán Tẩn sống vào cây thuốc phiện. Hút thuốc phiện và uống rượu gần như là nguồn vui gần như duy nhất, mụ mị, mông muội. Trẻ con sinh ra lăn lóc gầm nhà, từ bé đã làm quen với hương thuốc phiện.

Kỳ 1: Tết ở 'bản góa phụ'

Chủ tịch xã La Pán Tẩn, Giàng Chứ Ly, là người địa phương có thâm niên làm công tác quản lý ở địa bàn, từ cán bộ đến Bí thư Đảng ủy rồi Chủ tịch xã. Ông nói tiếng Kinh khá tốt và cởi mở, thân thiện. Ít ai nghĩ, đây là người đứng đầu của một xã được mệnh danh là "cấm địa bàn đèn", "thủ phủ ma túy" lừng lẫy một thời.

Những năm 1980 - 1990, Mù Cang Chải được coi là một trong những lãnh địa ma túy lớn nhất miền Bắc. Trong đó, La Pán Tẩn dẫn đầu về diện tích trồng cây thuốc phiện (anh túc) và số người nghiện bàn đèn.

Thuốc phiện không chỉ là nguồn "kinh tế" chính, mà còn là sản phẩm cực phổ biến được sử dụng, tiêu thụ và phân định sự giàu có, thành công của từng hộ gia đình. Thuốc phiện được làm sính lễ, thuốc phiện để làm nhà cưới vợ, thuốc phiện để quy đổi ra gạo, muối, bạc, vải... Gần như 100% dân La Pán Tẩn sống vào cây thuốc phiện. Hút thuốc phiện và uống rượu gần như là nguồn vui gần như duy nhất, mụ mị, mông muội. Trẻ con sinh ra lăn lóc gầm nhà, từ bé đã làm quen với hương thuốc phiện.

Từ những năm 1990, chính quyền địa phương phải bắt đầu áp dụng những biện pháp cả cứng và mềm để loại bỏ cây thuốc phiện. Chủ tịch Giàng Chứ Ly nói, với người Mông, chính sách chủ yếu là vận động, can thiệp dần dần chứ không thể áp đặt những biện pháp cứng được.

Có một thời, nơi này ngập tràn cây thuốc phiện

Phiến đá có hình chạm khắc ruộng bậc thang được tìm thấy trên độ cao 1,500 mét ở bản Háng Chua Sai, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải. Theo Thào A Trư, cán bộ văn hoá - du lịch xã, tảng đá có từ rất lâu rồi, người dân tin đây là một  "bản thiết kế" của người xưa tạo ra ruộng bậc thang.

Lúc đầu, cán bộ được cử vào thôn bản, gặp những trưởng bản, già làng có uy tín vận động thuyết phục. Sau đó kiểm kê những diện tích các hộ trồng cây anh túc, số người nghiện... Hoạt động mua bán bị cấm đầu tiên, nhưng việc sử dụng thuốc phiện vẫn được cho phép theo cách giảm dần diện tích trồng trong 3 năm đầu. Hộ nào có nhiều người nghiện nặng vẫn được trồng để sử dụng. Những người nghiện ít và chưa nghiện được thuyết phục, cảnh báo tránh xa. Những người tổ chức, kinh doanh bị quản chế chặt chẽ...

Lúc đầu, cán bộ vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân, nhưng dần người dân cũng nhận thức được. Công cuộc loại trừ cây thuốc phiện ở La Pán Tẩn kéo dài hơn 20 năm, bị triệt hạ rồi tái trồng.. chính thức đến năm 2010 vừa rồi cây thuốc phiện mới được loại trừ hoàn toàn.

Thoát khỏi màn khói mờ đặc, mộng mị của thuốc phiện, dân La Pán Tẩn lại đối mặt với sự đói nghèo. Mặt hàng kinh tế chính ở địa phương hiện nay chủ yếu là ngô, lúa nương, thảo quả và táo mèo. Nhưng những mùa màng thành công cũng chỉ giúp người dân khỏi đói, nhưng không thể thoát nghèo.

Vợ chồng Hảng A Náng, nạn nhân sống sót trong vụ lở đất
Theo Chủ tịch Giàng Chứ Ly, 90% dân ở La Pán Tẩn bị xếp hộ nghèo, có mức thu nhập 300kg thóc/năm = 2,8 triệu đồng/năm. Trong khi số người nghiện, những người lớn tuổi đã dùng ma túy vài chục năm không thể cai ở địa bàn khá nhiều, càng làm bộ mặt kinh tế địa phương thêm u ám.

Huyện Mù Cang Chải và xã La Pán Tẩn luôn có mặt trong những danh sách hỗ trợ cứu đói. Toàn huyện có 50.000 người, 91% là dân tộc Mông. Xã La Pán Tẩn có 655 hộ, có 502 hộ nghèo.

Ngoài lịch sử thoát ra từ ma tuý, La Pán Tẩn thuộc vùng địa hình cao, hiểm trở, kinh tể chủ yếu chỉ trông vào làm nương rẫy thủ công. Người dân được tiếp cận với thị trường còn hạn hẹp nên cơ hội thoát nghèo vẫn là thách thức lớn.

Bị sự đói nghèo bủa vây, người dân La Pán Tẩn cố gắng xoay xở mọi cách để lo cuộc sống. Hảng A Náng, nạn nhân sống sót trong vụ lở đất nói người dân trong bản ai cũng biết đi mót quặng khi trời mưa là vô cùng nguy hiểm, nhưng dân bản vẫn liều mạng.

Để có mỗi cân quặng mót được 20.000 - 30.000 đồng, nhiều khi dân bản phải cắt rừng xuyên đêm, ngụp lặn ở những khe núi chực lở. Công việc mót quặng đã diễn ra vài năm, thu hút từ người già cả đến trẻ con tham gia.

Con trai nạn nhân Lý A Sinh, 8 tuổi, cũng từng tham gia mót quặng. Cậu bé may mắn không tham gia cùng cha trong buổi sáng đó, giờ đã được đưa về Làng S.O.S Phú Thọ.

Sàng lọc quặng mới đi mót được
Sau sự kiện ấy, thi thoảng vẫn có người dân liều chết vào hiện trường cũ mót quặng. Hôm chúng tôi đến, một chị phụ nữ đang sàng lọc món quặng vụn mới được mót về, hỏi chị có sợ không. Chị chỉ im lặng.

Những năm gần đây, kỳ quan ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải ngày càng nổi tiếng. Khách du lịch tìm về tham quan nhiều. La Pán Tẩn được đầu tư đường bê-tông vào bản. Nếu không có vụ sạt lở, Lễ hội Ruộng bậc thang lần thứ hai đã được tổ chức.

Chủ tịch Giàng Chứ Ly chia sẻ địa phương trông đợi rất nhiều vào cơ hội khai thác du lịch. Hy vọng thị trường theo chân du khách tìm đến địa phương để người dân có cơ hội tiếp cận.

"Không chỉ để quảng bá kỳ quan của địa phương, mà đây là hy vọng duy nhất để La Pán Tẩn thoát nghèo", vị chủ tịch thành thực.

Hoàng Hường