Tôi là một tên cuồng công nghệ, hay nói chính xác hơn thì phải là cuồng điện thoại. Từ cái thời mà người ta vẫn lần mò bấm bàn phím T9 trên feature phone cho tới khi màn hình vô cực đã trở nên phổ biến, tôi chưa bao giờ bỏ qua thông tin về những chiếc điện thoại nổi bật từ các thương hiệu như Sony, Samsung, Apple hay HTC.
Nhưng, có một sự thật là dù có mê đến đâu thì tôi cũng chưa bao giờ có hứng thú với những chiếc iPhone và nền tảng iOS. Đúng là chúng đẹp, mượt, “xịn” chẳng kém gì những quảng cáo mà Apple tung ra, nhưng chúng cũng luôn có một (vài) điều gì đó khiến tôi cảm thấy không hề vừa lòng. Nếu phải kể ra thì chắc phải kể tới sự “tù túng” của nền tảng iOS - điều mà Android vốn chẳng mấy khi gặp phải.
Không chỉ vậy, điện thoại Android bây giờ cũng ngày càng tốt hơn. Ngay cả những thương hiệu từ Trung Quốc, phát triển sau hàng chục năm cũng có thể tạo ra smartphone với chất lượng ngang tầm thế giới. Vậy là tôi lại càng không có lý do nào để chuyển sang iPhone.
Cho tới iPhone X.
Thực ra tôi cũng không hẳn là thích chiếc máy này. Nó chỉ khiến tôi tò mò vì có nhiều thứ hay ho hơn những thế hệ trước, từ kiểu thiết kế “kì dị” với cụm camera lồi nằm dọc, màn hình tràn viền nhưng lại có “tai thỏ” và nhất là thứ mà Apple gọi là FaceID vốn được sinh ra để thay thế cảm biến vân tay hiện đã phổ cập tới cả điện thoại giá rẻ rồi.
Cũng may mắn là ngay dịp Tết vừa rồi, tôi lại có cơ hội được cầm iPhone X trên tay vào trải nghiệm trong hơn một tuần nghỉ lễ. Cảm giác lúc đó cũng khá hứng thú, vì nó là iPhone X mà, có phải cái điện thoại “cùi bắp” nào đâu.
Những trải nghiệm đầu tiên về máy hầu hết là rất tốt, từ hiệu năng hoạt động cho tới những tính năng mới. Nhưng, đi kèm với đó cũng là không ít dấu hỏi to đùng khiến tôi tự hỏi, “chiếc iPhone người ta luôn ca ngợi lại như thế nào sao?”.
Tất nhiên, bài viết này hoàn toàn dựa trên những ý kiến vô cùng chủ quan của cá nhân tôi. Nếu đang rảnh thì bạn có thể thử ngó qua danh sách (không ngắn cho lắm) phía dưới, tổng hợp lại vài điều mà tôi thấy thích và không thích về chiếc siêu phẩm “vạn người mê” này xem nào.
Thích #1 - FaceID
Dù đã nghe không ít lời chê bai về hiệu quả và tính an toàn của FaceID, tôi vẫn rất hài lòng với cách mà FaceID hoạt động. Đây có lẽ là một trong số ít những tính năng vẫn mang theo phong cách “cứ thế mà dùng thôi” của Apple từ nhiều năm trước.
Nếu so về độ tiện lợi, FaceID có lẽ sẽ vượt trội hơn hẳn TouchID phần lớn thời gian sử dụng, vì chúng ta chỉ cần đưa máy lên nhìn là đã mở được khóa, không cần di chuyển ngón tay làm gì cho mỏi cả. Điều quan trọng nhất, đáng khen nhất chính là ở tốc độ mở khóa rất nhanh chóng, không rườm rà, không cần đưa mặt lên trực diện với camera và cả khi che đi một phần khuôn mặt hay đeo thêm kính, nuôi râu… cũng mở được máy. Đây chính là thứ tôi thấy “đáng tiền” nhất về FaceID và cũng rất hy vọng công nghệ này sẽ được đầu tư phát triển nhiều hơn nữa.
Về khoản bảo mật, tôi chưa bị “hack” FaceID lần nào trong khoảng thời gian trải nghiệm, kể cả khi thử cho máy “học” khuôn mặt của người trông giống tôi nhất - mẹ tôi thì FaceID vẫn chỉ chịu mở khóa khi tôi nhìn vào màn hình. Điều này thực ra cũng hơi mang tính “hên xui”, vì dù sao thì đô bảo mật của FaceID cũng đã được chứng minh là không cao bằng TouchID rồi.
Thích FaceID là thế nhưng tôi vẫn khá nhớ chiếc cảm biến vân tay quen thuộc. Tôi, cũng như bao người Việt khác, di chuyển bằng xe máy và che kín mặt bằng kính với khẩu trang mỗi khi ra đường. Lúc này thì rõ ràng FaceID không thể hoạt động nữa mà lại chẳng có TouchID để dùng, cách duy nhất để mở khóa là nhập passcode - thứ mà chắc ai cũng đã chán ngấy chẳng muốn phải dùng đến nữa.
Thích #2 - Nút Home mới
Đây chẳng phải trải nghiệm gì quá mới mẻ, nó chỉ khác đi so với cách mà người ta đã quen dùng trên các đời iPhone trước. Thay vì bấm nút Home thì giờ mọi thứ đều phụ thuộc cách chúng ta vuốt cạnh dưới.
Với cá nhân tôi thì nút Home mới giống như một sự “giải phóng” vậy. Nó không còn những gò bó vật lý như trước, thao tác vuốt rất tự nhiên và còn được hỗ trợ bởi bộ rung với cảm giác rất thực.
Thành thật mà nói, Apple đã đi sau Blackberry và nhiều nền tảng khác về thao tác cử chỉ, nhưng cuối cùng thì họ vẫn là nhà sản xuất làm đúng cách nhất, tạo ra trải nghiệm ổn nhất tôi từng thấy.
Thích #3 - Hàng tá ứng dụng hay ho
Những bộ ứng dụng chụp ảnh độc quyền chắc chắn sẽ là thứ mà tôi cực kì nhớ khi quay trở lại với Android. Là một người trẻ “năng động” trong thời đại số thì check-in là thủ tục mà tôi luôn nghiêm chỉnh “chấp hành”. Ăn cũng chụp, uống cũng chụp, đi chơi càng phải chụp. Thế những chỉ iPhone mới được dùng những ứng dụng chỉnh sửa ảnh hay ho như kiểu Huji hay LD hay bộ app Analog “chất như nước cất”.
Sau iPhone X, tôi đã thực sự chán nản khi quay trở lại với chiếc điện thoại Android của mình mà không thể nào tìm thấy những ứng dụng chụp ảnh này. Vậy là cuộc sống lại tiếp tục gắn bó với những cái tên quen thuộc như VSCO, Snapseed mà giờ đã chẳng còn điều gì thú vị hay khác biệt.
Thích #4 - Animoji
Animoji chỉ là một tính năng nhỏ xíu, “vô dụng” mà Apple đưa lên iPhone X để quảng bá cho hệ thống nhận diện khuôn mặt. Tưởng chừng nhạt nhẽo là vậy nhưng nó lại có tính giải trí rất cao. Cứ lúc nào rảnh rang không có gì làm, tôi lại mở Tin Nhắn ra rồi “làm trò” trước mặt chiếc điện thoại không biết chán. Thỉnh thoảng hứng lên thì quay luôn một đoạn video rồi gửi cho lũ bạn đang ăn Tết ở cách xa hàng trăm cây số cho đỡ nhớ.
Thích #5 - Nền tảng ARkit
Tôi không phải là một game thủ di động. Tôi không mấy hứng thú với những tựa game đình đám như kiểu Liên Quân Mobile. Tôi chỉ thích chơi những trò nhẹ nhàng thư giãn dạng như xếp hình hay giải đố. Khi dùng iPhone X thì tôi có thêm sở thích mới - chơi game Thực tế Tăng cường.
Thực ra thì ngay khi Apple công bố ARKit, tôi đã muốn có một chiếc iPhone để thử công nghệ này. Nó vượt trội hoàn toàn so với những ứng dụng AR di động trước đó, kể cả dự án Tango mà Google dày công nghiên cứu hàng năm trời.
Một trong số những game AR thú vị nhất mà tôi thấy là trò nuôi rồng ảo này. Nó có tên là AR Dragon và có cách chơi y hệt những trò nuôi thú ảo trước đây. Nhưng, việc được nhìn thấy chú rồng ngay trong phòng mình và cứ ngày một lớn dần theo kích thước thực thì lại rất “hiếm có khó tìm”.
Và tất nhiên, hiện mới chỉ iPhone là được trải nghiệm công nghệ AR tốt đến vậy. Google và dự án ARCore sẽ phải chạy thật nhanh để bắt kịp đấy.
Không thích #1 - Pin “không thể cùi hơn”
Thứ đáng ghét đầu tiên về iPhone X chính là pin. Quá “cùi” so với tưởng tượng.
Chẳng rõ có phải chiếc iPhone X tôi đang dùng bị lỗi không, nhưng trong những ngày trải nghiệm máy thì việc “ôm sạc” là điều mà tôi buộc phải làm quen.
Cũng chỉ là những nhu cầu như bình thường, từ lướt Facebook, check Instagram, đọc báo mạng, rồi chụp vài con ảnh sống ảo…, nhưng ngày nào tôi cũng phải sạc iPhone X từ 2 - 3 lần thì mới đủ. Kể cả có đón “bình minh” lúc 10 giờ sáng thì tôi vẫn phải loay hoay tìm củ sạc để cắm từ khoảng 3 - 4 giờ chiều nếu không muốn máy “chết đứng” vào đầu giờ tối.
Thật kì lạ, sau cả chục năm, Apple vẫn chẳng thèm quan tâm tới thời lượng pin của máy sao? Rõ ràng là tính năng có hay đến đâu, công nghệ có vượt trội đến mấy thì khi hết pin, máy cũng chỉ biến thành cục chặn giấy đắt tiền thôi mà?
Không thích #2 - Lỗi vặt
Đúng là cái thời mà iPhone “ổn định” đã biến mất rồi thì phải. Ngay cả trên chiếc flagship mới nhất, mạnh mẽ nhất như iPhone X mà nền tảng iOS vẫn còn dính cả tá lỗi khó hiểu.
Trong khoảng hơn 1 tuần này, tôi gặp lỗi đơ ứng dụng cũng phải vài lần mà phần lớn là ở những cái tên phổ biến như Instagram hay Facebook. Sau đó thì tới lượt Messenger mà nguyên do chính là ở phần “tai thỏ” chưa được tối ưu tốt.
Mỗi khi tìm kiếm bạn bè để chuyển tiếp một tin nhắn nào đó, thanh soạn thảo và hai phím nút bấm phía trên sẽ bị đẩy lên trên, nằm dưới các biểu tượng sóng, pin... và không thể thao tác được. Cách duy nhất để tiếp tục dùng Messenger là xóa hẳn nó khỏi thanh đa nhiệm và truy cập lại từ màn hình chủ.
Một lỗi khác là đơ icon ứng dụng. Tôi không có thời gian để tìm hiểu xem lỗi này có phổ biến không vì nó cũng không ảnh hưởng nhiều lắm, nhưng nghĩ cho cùng, một sản phẩm giá nghìn đô với chất lượng được hứa hẹn là tuyệt hảo mà lại dính một lỗi ngớ ngẩn thế này thì thật sự không ổn chút nào.
À thì tất nhiên, điện thoại nào cũng có gì đó bất cập, nhưng vấn đề ở chỗ, tôi gần như chưa dùng chiếc smartphone Android nào mà lại vừa nhiều lỗi vặt, vừa xảy ra quá thường xuyên như trên iPhone X. Có khi nào nền tảng iOS giờ đây đã không còn "thần thánh" như người ta nghĩ nữa?
Không thích #3 - Control Center
Cái tên Control Center - Trung tâm Điều khiển - khiến tôi thấy nó thật sự khập khiễng. Không như bảng cài đặt nhanh của Android, Control Center trên iPhone vẫn còn quá sơ sài, ít tùy chọn và cũng chẳng tiện lợi cho lắm. Nó không cho phép tôi bật tắt nhanh GPS, Auto-Sync hay đơn giản là mở menu Wifi để kết nối với mạng mới. Tôi luôn phải tự tay mở Cài đặt và tìm đến các tùy chọn này hoặc nhờ cô Siri mở hộ bằng khẩu lệnh ít nhất là vài lần mỗi ngày.
Vậy cuối cùng là sao?
Thật kì lạ là kể cả khi tôi thích nhiều hơn ghét thì tôi vẫn chắc chắn là sẽ không đổi sang sử dụng bất kì chiếc iPhone nào, ít nhất là trong tương lai gần sắp tới. Lý do thì cũng rất đơn giản - tôi đã quá quen với các thiết bị Android. Chúng vẫn luôn là đủ tốt với nhu cầu cá nhân trong khi lại có lợi thế hơn cả về khả năng tùy biến.
Tóm lại là, iPhone X ạ, “em rất tốt nhưng anh rất tiếc”, “chúng ta không thuộc về nhau” mất rồi.
Theo GenK