- Tôi cũng là mẹ của hai con trai, cũng là một người con dâu và là “con gái một” của bố mẹ tôi, nên tôi nghĩ cần phải tạo điều kiện để các con mình được vui vẻ khi sum họp, dù đó là bên nội hay bên ngoại.


Đọc bài chia sẻ “Tâm sự đắng lòng của một bà mẹ chồng mất Tết vì con dâu” của bạn Phạm Thị Nhài khiến tôi cũng cảm thấy đắng lòng vì những suy nghĩ của độc giả.

Tôi cũng 60 tuổi, dân Hà Nội trên 10 đời, đọc xong bài này tôi chỉ mong đó là bài viết giả dụ mà không có trong thực tế. Việc con trai bà lấy vợ quê, xin ăn tết quê vợ có gì phải ầm ĩ nhỉ? Bà là giáo viên đã về hưu mà phong kiến đến lạ, 3 cô con gái bà chắc cũng khổ vì bà.

Tôi thấy thương cho cô con dâu, thương cả mấy đứa con bà. Đặc biệt là cậu con trai, chỉ vì mỗi năm ăn tết một quê mà bà cho rằng bất hiếu. Lẽ ra một giáo viên dạy văn như bà phải hiểu đó mới là đứa con hiếu thảo chứ?

Bà thử nghĩ xem, cả năm con dâu ở với nhà chồng, thỉnh thoảng về thăm bố mẹ đẻ. Như thế là cô con dâu quá tốt nết, bà nên mừng mới phải. Nó có hiếu với bố mẹ đẻ thì mới mong có hiếu với mình được.

Lẽ nào bà không nghĩ cho ông bà thông gia khi con dâu nói "Bố mẹ con chỉ có một mình con..."? Bà là giáo viên dạy văn mà tâm hồn bà sắt đá, ích kỉ quá. Mình chọn vui vầy để thông gia của mình héo mòn vì thương con nhớ cháu như vậy có nên không? Bà không thương con trai mà chỉ làm khổ con trai phải lựa chọn mẹ và vợ.

{keywords}

Mình thương dâu thì dâu thương lại. Các bà mẹ chồng đừng độc quyền chiếm hết mà làm dâu con khó xử. Ảnh minh họa

Người làm mẹ chồng như chúng ta phải nhớ rằng con dâu là một phần cuộc sống của con trai mình, người sẽ thay chúng ta chăm lo cho con trai mình từng bữa ăn giấc ngủ, sinh ra những đứa cháu để mình vui với tuổi già và nối dõi. Là người cùng chồng lập nghiệp, chăm lo cho hậu duệ nhà chồng. Vậy nên hãy bỏ ngay ý nghĩ muốn con dâu chỉ là công cụ để phục vụ, như thế ích kỉ lắm.

Bà nói bà nuôi con vất vả cực nhọc, thì cũng phải đặt mình vào vị trí thông gia để nghĩ. Họ cũng như bà, sinh ra cô con gái rồi vất vả nuôi nấng, chăm lo ăn học nhưng nào có được nhờ cậy gì (phần này con trai bà và gia đình bà đã được hưởng đúng không?). Vậy mà một năm có mấy ngày tết con nó muốn về với nhà đẻ, bà còn cấm đoán.

Như tôi may mắn có con dâu gần, nhưng tết năm nào tôi cũng sắp sếp lịch như thế này: Sáng 30 con dâu về mẹ đẻ, chiều 30 dâu về nhà mình. Mùng 1 dâu ở nhà mình. Mùng 2 dâu về nhà mẹ đẻ có mẹ chồng theo sang chúc tết thông gia. Mình thương dâu thì dâu thương lại. Mình đẻ con thương con bao nhiêu thì mẹ của con dâu cũng thương con mình bấy nhiêu. Các bà mẹ chồng đừng độc quyền chiếm hết mà làm dâu con khó xử.

Hai năm nay, các con tôi cứ 30 hoặc mùng 1 Tết là ra sân bay... đi du lịch. Chúng tôi ủng hộ các cháu vì nghĩ cả năm con cái đã lao động mệt nhọc, nay có mấy ngày Tết thì cũng tạo điều kiện cho chúng thoải mái, miễn sao là các cháu vẫn giữ được đạo Hiếu với cha mẹ. Cuộc sống được mấy chút mà cứ cân đo đong đếm chuyện ăn Tết nơi này, nơi kia. Gía trị của cuộc sống này là ở niềm hạnh phúc và tự do của mỗi người.

Con nào cũng là con, nếu là người hiểu biết hãy bảo các con mình phải biết đối xử 2 bên sao cho phải đạo. Cô con dâu của bà nói mỗi năm ăn tết một nơi, như thế là quá hợp lý rồi. Nghĩ thoáng hơn, đối tốt với con dâu cũng là để con gái mình được hưởng phúc. Là bậc cha mẹ, chúng ta phải là người cổ vũ cho bình đẳng nam nữ. Mong bà tỉnh táo thay đổi từ cái tết này.

Độc giả Nguyễn Thanh Mai (Đống Đa, Hà Nội)