Nơi rẻo cao thuộc xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) vẫn còn nghèo đễn nỗi trong các đám tang không có vải đỏ để bọc quan tài. Điều kỳ lạ là lối ứng xử trong đám tang, rất ít tiếng khóc.

“Mục sở thị” đám tang ở Khâu Pầu

Đến chợ phiên Bảo Lạc chúng tôi luôn bị cuốn hút bởi trang phục của đồng bào Mông, Lô Lô, Dao… Sẵn có tính tò mò, trong quán rượu tôi bạo miệng hỏi về đám tang của người H’Mông, bà chủ liền bật mí: “Đám ma của người H’Mông lạ lắm, họ cứ vui như hội ấy, các cháu tìm hiểu thì sẽ rõ”.

{keywords}

Quan tài chị Lâu Thị Dù nằm trơ trọi trên cây chuối.

Theo lời chỉ dẫn của bà chủ quán, xe chúng tôi chuyển bánh trên những con đường phẳng lỳ vì được Nhà nước đầu tư. Đâu đó vẫn có tiếng nhạc ngựa của người dân thồ hàng xuống chợ. Lên đến đỉnh núi, nhìn qua làn sương mờ ảo là các ngôi nhà sàn nằm chênh vênh trên sườn đồi, bản Khâu Pầu, xã Hồng Trị hiện rõ khi ánh bình minh lóe lên. Tại đây, chúng tôi nghe rõ tiếng trống đám tang vọng ra từ trong bản.

Hỏi thăm nhà Trưởng bản, một người nói: “Cứ tìm đến nhà văn hóa là gặp Trưởng bản thôi. Hôm nay họp nên Thào A Tú ở đó từ sáng”. Đến đây, chúng tôi gặp Trưởng bản và công an viên đang trực ở phía trong. Qua trò chuyện, anh Lý A Ngài (công an viên) chia sẻ: “Ở đây bà con còn nghèo, tổ chức đám tang cũng đơn giản lắm. Nhiều hộ không có vải để bọc quan tài đâu. Đám ma ở đây còn có nhiều cái lạ lắm, lát nữa tôi sẽ dẫn các anh đi xem”.

{keywords}

Bản Khâu Pầu với những ngôi nhà nằm chênh vênh trên sườn đồi.


Theo Trưởng bản Thào A Tú, cả bản có 50 hộ dân mà đã có đến 26 hộ nghèo. Quanh năm bà con chỉ ăn mèn mén (một loại lương thực làm từ ngô), hoặc bán ngô để đong gạo. Chính vì cuộc sống thiếu thốn, dân trí còn thấp nên việc tổ chức đám tang ở đây cũng khác lạ so với miền xuôi. Cũng bởi có nhiều nét lạ lẫm nên khi được anh công an viên gợi mở, chúng tôi liền nhận lời ngay.

Qua lời kể của A Ngài, chúng tôi được biết gia đình có tang cũng là một trong những hộ nghèo ở bản. Chồng là Mã A Sùng, còn vợ (người quá cố) là chị Lâu Thị Dù. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Dù là do ung thư đường ruột. Đi theo Lý A Ngài vào nhà là không khí vui tươi. Do là nhà nghèo nên bên trong cũng trống trải, song họ vẫn có rượu uống và cười nói rôm rả bên nhau. Nhìn sơ qua đám tang, quả đúng như lời mà Lý A Ngài vừa kể.

Cái nghèo cộng thêm sự lạnh lẽo của gió núi khiến cho những người tham gia đám tang thường lấy rượu ngô để “giải” buồn. Ngồi xuống ghế, anh Lý A Ngài bảo: “Đấy nhà báo thấy không, bà con bản Mông chúng tôi ở trên đây còn khổ lắm. Chỉ mong sao Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đời sống của đồng bào”. Quan sát thấy quan tài của chị Dù là không có vải bọc. Sự trơ trọi của hòm gỗ khiến cho chúng tôi luôn cảm thấy chạnh lòng.

Để kê hai đầu quan tài, gia đình chặt cây chuối rồi đặt vào cho khỏi nghiêng. Phía trên quan tài là cành cây rừng cùng những mảnh giấy xanh đỏ. Cũng chẳng biết đồng bào họ đặt những thứ đó lên phía trên quan tài để làm gì? Sự nghèo nàn của gia đình đến nỗi cũng chẳng có bát hương cho khách thắp nhang. Ở khắp các góc nhà chỉ thấy can và chai rượu nằm lích kích. Ngồi được một lúc thì gia đình bắt đầu rót rượu mời chúng tôi…

“Rượu tang” uống vui như hội

Theo gia chủ, vì ngô là cây trồng chủ lực nên rượu nơi đây luôn thơm lừng. Bởi vậy mà trong đám tang chỉ cần có rượu uống là vui rồi. Chính vì rượu gắn liền với cuộc sống nên ai đã tham gia đám tang là phải uống bằng say, nếu không say thì gia chủ sẽ nghĩ khách không nhiệt tình. Cũng bởi lẽ đó mà khi chúng tôi đến nhà, họ đã đặt sẵn một chai rượu trên bàn.

Theo lời giới thiệu của A Ngài, chúng tôi tiếp tục uống rượu với con gái lớn của Trưởng bản. Trong trang phục Mông truyền thống, cô gái đon đả bước ra với vẻ e thẹn để mời rượu, bên cạnh là hai cô gái khác.

{keywords}

Niềm vui của người nhà khi được mời rượu khách.


Do không nói được tiếng Mông nhưng qua nét mặt, chúng tôi vẫn hiểu ý cô gái bắt phải uống cùng chén. Để thể hiện mình là chủ nhà, cô gái nâng chén lên rồi uống cạn. Uống xong hai cô bên cạnh nói điều gì đó bằng tiếng Mông rất khó hiểu. Cô gái bắt chúng tôi phải uống chung chén mà trước đó đã uống. Không ngần ngại, tôi nâng chén rượu theo đúng cách mà người Mông vẫn thường uống. Tưởng rằng uống xong thì chúng tôi sẽ ra về. Tuy nhiên rất nhiều ánh mắt nhìn chằm chằm vào chúng tôi tỏ vẻ không bằng lòng.

Theo A Ngài, do là phong tục có từ hàng trăm năm nay nên ít ai đến đám tang lại từ chối rượu. Rượu uống đến nỗi phải ngủ gục thì mới vui vì đó là phong tục tập quán. Vẫn biết đồng bào nghèo, dân trí còn thấp, “hủ tục” đang còn ở đâu đó, song họ luôn lấy rượu là thứ để chia sẻ niềm vui. Cũng bởi nguyên do đó mà đám tang ở đây toàn là tiếng cười, hầu như ai cũng có hơi men nồng nặc. Ngắt lời A Ngài, hai cô gái lại rót rượu mời, chúng tôi đã ngà ngà say nhưng vẫn không thể miễn cưỡng.

Rót tràn chén rượu, hai cô gái Mông cười tít mắt rồi uống cạn. Chúng tôi xin phép ra khỏi nhà nhưng trong lòng không khỏi ngỡ ngàng trước thái độ ứng xử của bà con dân bản với cái chết của chị Lâu Thị Dù. Họ vui đùa, có người nhảy múa tưng bừng ngay cạnh cỗ quan tài như thể đang trong ngày hội.

Băn khoăn không hiểu vì sao người đến dự đám tang mà lại vui vẻ, tưng bừng như thế? Đang chưa có câu trả lời thì có một già làng bước ra cười khà, rồi chầm chậm nói bằng chất giọng chắc nịch: “Cái bụng chị Dù tốt. Nó thương chồng, thương con, thương dân bản. Ai cũng quý mến nó. Nó chết vì bệnh nên cũng chẳng phải chạy chữa lâu. Tao còn không kịp mời thầy mo về. Trăm đời nay, nghìn đời nay, người Mông vẫn vậy. Cái chết với bọn tao không phải là hết. Ăn ở như chị Dù, chết sẽ được lên gặp Giàng. Rồi sang kiếp mới khỏe mạnh, sung sướng. Nếu mến chị Dù thì đám tang nó phải thật vui. Mày là khách, hôm nay đến đây đúng ngày, mày cũng phải cười thật nhiều vào. Người sống cười hộ người chết mà”.

Tợp một ngụm rượu, lão tiếp tục tâm tình: “Đây là các cô gái bản, thấy ưng các bụng của mày nên mới mời rượu. Tao nghe trên đài, ti vi người ta bảo phong tục uống rượu trong đám tang của bọn tao là “hủ tục”, nếp nghĩ của bọn tao không hợp nếp sống mới, phải thay đổi, tao thấy buồn lắm. Tao không hiểu biết nhiều, nhưng theo tao, đã là văn hóa, phong tục thì phải đa dạng và có truyền thống. Vì tục lệ uống rượu của bọn tao có từ nghìn năm nay rồi nếu bỏ thì nghe kỳ lạ quá!”. Nói xong lão nhìn xa xăm vào đám trai bản đang đánh trống, múa khèn ở trong nhà.

Theo quan niệm của người Mông, tiếng khèn là sợi dây vô hình kết nối những linh hồn. Trong suốt quãng thời gian chúng tôi trò chuyện, ngay cạnh quan tài chị Dù, đám trai bản vẫn thay nhau múa khèn, thi thố tài năng trước các cô gái bản. Tiếng khèn lúc rộn ràng hoan ca, lúc “hổn hển như lời của nước mây” làm chín hồng đôi má của những thiếu nữ Mông. Tiếng khèn vang từ quả núi này sang quả núi kia, vang xa hơn tiếng con nước suối đập vào vách đá, xa hơn tiếng vó ngựa nện lưng trời...

“Đám tang của người Mông là ngày hội vui. Cái chết của chị Dù là cái cớ để bọn trẻ nên vợ nên chồng rồi sinh con đẻ cái. Thế thôi, cuộc đời vẫn trôi”. Lão già vừa chiêm nghiệm vừa phóng tầm mắt nhìn đám mây trắng đang bảng lảng trôi trên đỉnh trời, nơi sẽ chôn cất Dù. Chúng tôi xin phép gia đình nhưng các cô gái vẫn kéo tay lại và mang rượu ra tận ngõ bắt uống thêm chén cuối cùng trước khi chia tay.

(Theo PLO)