Là giáo viên nhiều năm gắn bó với hoạt động hướng nghiệp cho học sinh, cô Hằng (giáo viên môn Hóa học) nói luôn suy nghĩ làm thế nào để giúp các em sớm xác định được nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân góp phần xây dựng kinh tế địa phương và có thể bám trụ, làm giàu ngay trên mảnh đất thân thương của mình.
Cô Hằng và 2 học trò |
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án hồng xiêm sấy gió cô Hằng cho biết: “Trong một lần dẫn học sinh đi tham quan cơ sở hồng treo sấy gió của thành phố, tôi nhận thấy đây là sản phẩm mang lại nhiều thành công người dân Lâm Đồng. Nhưng hồng chỉ có một mùa nên sản lượng chưa cao, thời gian còn lại nhà xưởng phơi hồng để trống. Trong khi đó trái hồng xiêm có đặc tính tương tự quả Hồng, được trồng quanh năm lại chưa được khai thác theo mô hình sấy gió”.
Ba cô trò bắt đầu học hỏi kinh nghiệm từ những cơ sở sấy hồng và thực hiện dự án. “Thời gian đầu mới bắt tay vào làm gặp nhóm gặp nhiều khó khăn, nản lòng vì trái hồng xiêm thường gặp vấn đề như quả mốc, hư, chua, màu sắc kém bắt mắt… Nhiều khi làm xong một mẻ đến công đoạn cuối cùng chỉ vì không đủ nhiệt độ lại bị hỏng nên rủi ro khá cao”, bạn Ngọc Anh - một thành viên trong nhóm cho biết.
Với niềm say mê, bền bỉ cùng sự động viên của mọi người, sau nhiều lần thất bại nhóm đã hoàn thiện quy trình sản xuất mất khoảng 15 ngày, tùy vào nhiệt độ và độ ẩm không khí. Bên cạnh đó, cô Hằng bật mí vào ngày thứ 7 của quy trình, từng trái hồng xiêm sẽ được mát-xa giúp cho dịch mật trong quả tiết ra đều, có vị ngọt thơm và màu sắc bắt mắt.
Theo quy trình hồng treo gió của Nhật Bản, sau khi gọt vỏ quả hồng sẽ được ngâm trong dung dịch rượu có nồng độ cồn 30-35% trong 2-3 phút hoặc phun rượu lên trên bề mặt để chống nấm mốc. Tuy nhiên cô Hằng cho hay cách làm này chưa thực sự đem lại hiệu quả cao, việc phun cồn sẽ làm đen bề mặt quả gây ảnh hưởng đến hương vị và màu sắc.
Sau nhiều lần thử nghiệm, ba cô trò đã tìm ra phương pháp bảo quản bằng cách xông khói lưu huỳnh (loại dùng trong xử lý thực phẩm được Bộ Y tế cho phép) với công thức được tính toán để không xuất hiện dư lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đây chính là công đoạn quan trọng để trái hồng xiêm sấy gió có màu sắc đẹp, được bảo quản tốt hơn khi độ ẩm tăng cao.
Những trái hồng xiêm sấy gió thành công đầu tiên, được ba cô trò đưa đi kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng. Dự án của nhóm đã để lại nhiều ấn tượng trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ XIII năm học 2020-2021 và vào tới vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức.
Kết hợp du lịch trải nghiệm
“Bên cạnh ấp ủ dự định phát triển cơ sở hồng xiêm sấy gió để cải thiện kinh tế cho người nông dân tỉnh Lâm Đồng. Chúng tôi muốn kể câu chuyện sản phẩm của mình kết hợp với du lịch trải nghiệm ở địa phương. Khách đến tham quan vườn hồng xiêm được chứng kiến quá trình ngâm ủ phân vi sinh để canh tác, có thể hái trái chín ăn tại vườn, mua trái tươi về làm quà cho người thân và trải nghiệm các công đoạn của quá trình sản xuất hồng xiêm treo gió”, cô Hằng chia sẻ thêm.
Qua mô hình kết hợp trên, ba cô trò hy vọng có thể đa dạng hóa nguồn thu, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương gắn với du lịch sinh thái và xây dựng một nền nông nghiệp sạch, bền vững. Bên cạnh đó mô hình đưa đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị về quy trình trồng trọt, canh tác, thu hoạch và sản xuất hồng xiêm treo gió.
Bạn Bảo Trâm cho biết: “Hồng xiêm tại địa phương em sản xuất chủ yếu để tiêu dùng trực tiếp trong nước hoặc xuất sang Trung Quốc, giá bán hồng xiêm dao động từ 7.000-15.000/kg nên rất ít hộ trồng. Mấy năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguồn bao tiêu nông sản không ổn định, hồng xiêm được mùa nhưng mất giá”.
Chính vì vậy ba cô trò mong muốn dự án không dừng lại ở mô hình mà sẽ được nghiên cứu tối ưu quy trình và nguyên vật liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao để áp dụng vào thực tế. Trước mắt nhóm sẽ tiếp tục tìm cách để giải quyết vấn đề nấm mốc của trái hồng xiêm khi sấy gió, cũng như gạt bỏ nỗi lo về cách bảo quản để người tiêu dùng an tâm sử dụng.
Ngọc Linh
Ảnh:NVCC
Sáng chế 100 nghìn đồng của học trò Hà Tĩnh giúp thầy cô đỡ vất vả
Thấy thầy cô vất vả với khâu chụp ảnh bài thi để chấm trắc nghiệm, nhóm học sinh lớp 11A Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã lên ý tưởng chế tạo Giá chấm trắc nghiệm bán tự động. Sản phẩm được các giáo viên đánh giá cao về hiệu quả.
Robot lặn sâu 50m dưới biển giá 15 triệu của cậu học trò tỉnh lẻ
Khởi nguồn từ cửa hàng sửa chữa xe máy của bố mẹ, cậu học trò Trần Viết Lân (Phú Yên) trở nên nổi tiếng đam mê khoa học ở tỉnh Phú Yên với hàng loạt giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia từ năm học lớp 8.