Khi bộ phim La La Land kết thúc, không một ai trong rạp vỗ tay. Nhưng tất cả đều nán lại cho đến tận khi những nốt nhạc cuối cùng vang lên và tấm màn chiếu bóng khổng lồ tối om như mực. Tôi lặng lẽ đứng dậy ra về, xung quanh tôi người ta cũng im lặng dìu nhau ra khỏi rạp. Tôi biết, mỗi người đều đang chìm trong suy nghĩ riêng của mình về Mia, về Sebastian, về đoạn tình yêu dang dở của họ trong La La Land.
Đây là một bộ phim buồn, nhưng lại rất đời.
Thì ra, chúng tôi đều là những người trẻ, có một trái tim khao khát cháy bỏng yêu và được yêu, nhưng sự nghiệp còn quá nhiều dang dở, tất cả vẫn đang loay hoay để được chứng minh bản thân mình.
Có lẽ chính vì sự đồng cảm ấy mà La La Land đã khéo léo lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả.
Có thể những thước phim đầu rất lãng mạn. Nó kể cho chúng ta nghe về một tình yêu đầy say mê, những buổi hẹn hò như mộng. Ai chẳng đã từng nghĩ đến việc được hôn người yêu trong rạp chiếu bóng, bay xuyên qua dải ngân hà và khiêu vũ trên những vì sao. Nó khiến tôi mỉm cười và trong lòng rộn ràng những thanh âm của hạnh phúc.
Thế nhưng, ở nửa sau của bộ phim, cái hiện thực mới bày ra thật rõ nét. Mia hay Seb hay tôi, đều biết rõ một điều rằng cuộc sống luôn có những sự ưu tiên không thể nào phá bỏ. Đến một cột mốc nhất định, chúng ta không thể sống như những ngôi sao đi lạc trong một thành phố rộng lớn, chúng ta buộc phải tìm ra thứ ưu tiên của mình.
Chúng ta buộc phải lựa chọn giữa tình yêu và sự nghiệp. Thậm chí, chúng ta còn phải học cách hy sinh để đạt được mục đích. Trong những năm tháng tuổi trẻ, khi chúng ta chẳng có gì trong tay, chúng ta chẳng thể nào có đủ khả năng nắm giữ trọn vẹn cả tình yêu lẫn sự nghiệp, dù chúng ta rất muốn.
Tôi đã biết vì sao La La Land lại nhận được nhiều lời khen ngợi đến thế. Vì nó thật quá. Nó lột tả đúng cái chông chênh của những người trẻ khi phải đứng giữa hai lựa chọn khó khăn:
Hoa hồng hay bánh mỳ? Tình yêu hay sự nghiệp?
Không còn thời gian ăn với nhau một bữa cơm tử tế, không còn những tin nhắn gửi đi và nhận về, ngay cả đến việc được nghe thấy giọng nói của nhau hàng ngày cũng trở thành một ước mơ xa xỉ. Khi quyết định đánh đổi tình yêu với sự nghiệp, chúng ta chẳng còn biết làm thế nào ngoài việc phải cố gắng hết sức cho nó. Để ổn định, để thực hiện được giấc mơ.
Và Mia thì sao. Cô gái trẻ cũng chẳng để vuột mất cơ hội đến Paris của mình. Diễn xuất là đam mê, là ước mơ, là lẽ sống của cô. Mia cũng đánh đổi tình yêu với Seb để bắt đầu xây những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp của mình.
Quyết định chọn lựa như thế nào chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Nếu bạn chọn đúng theo sự ưu tiên của bạn, sẽ là tiếc nuối cho người còn lại. Nhưng nếu bạn buông bỏ sự nghiệp để theo đuổi tình yêu, thì lại là đau đớn cho chính mình. Sự hy sinh vì người kia đôi khi không đem lại hạnh phúc cho bạn như bạn vẫn nghĩ. Sau tất cả, chỉ cần bạn không hối hận về lựa chọn của mình là bạn đã rất hạnh phúc rồi.
Khi cuộc đời ép chúng ta phải đưa ra những quyết định khó khăn như thế, thì cũng là lúc nó giúp chúng ta tìm ra được bản ngã của mình để sống thực tế hơn.
Mia đã chọn từ bỏ vĩnh viễn. 5 năm sau cô gái trẻ thực sự thành công, trở thành một diễn viên nổi tiếng, và người đàn ông bên cô lúc này không phải là Seb. Mia không chọn quay lại. Nhưng Seb thì có. Chính anh đã đuổi theo sự nghiệp trước Mia, nhưng cũng chính anh là người chờ Mia từng ấy năm. Chàng nghệ sĩ chơi nhạc Jazz khiến tôi xót xa và tiếc nuối khi câu chuyện cuộc đời họ được kể lại theo một cách khác qua những phím đàn réo rắt của anh.
Cuộc đời chúng ta cũng vậy, giá như chúng ta có thể gặp nhau khi sự nghiệp đã thành, chẳng có gì ép được chúng ta phải chọn tình yêu hay công việc. Nhưng làm gì có nhiều giá như đến thế. Chỉ là chúng ta có chọn “quay lại” thời điểm bắt đầu hay không mà thôi.
Đó gọi là tiếc nuối.
Theo Trí Thức Trẻ