Dạy học theo năng lực tức là học sinh có thể có năng lực ở môn này, không có năng lực ở môn khác là điều hết sức bình thường, không thể ép các em học giỏi các môn mà các em không có năng lực.
Cần quan tâm phát triển phẩm chất của các em, tức là chú trọng dạy các em nên người tốt, có ích cho xã hội, có thái độ đúng đắn, phê phán, bài trừ cái xấu, phát huy, lan tỏa điều tốt đẹp.
Hiện nay, chương trình học chưa cân đối giữa dạy chữ và dạy người, môn Giáo dục công dân rất quan trọng nhưng chưa được chú trọng đúng mức, số tiết/tuần lại không đủ để chuyển tải những bài học về đạo đức, cuộc sống, pháp luật.
Dạy chữ cũng quan trọng nhưng dạy học sinh “nên người” còn quan trọng hơn nhiều lần, rất cần trong giai đoạn hiện nay.
Dạy học sinh “nên người” không chỉ là nhiệm vụ của hiệu trưởng hay giáo viên chủ nhiệm mà còn là nhiệm vụ chung của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và toàn xã hội.
Mỗi giáo viên khi đến tiết dạy phải tích hợp, lồng ghép các bài học về cuộc sống, bài học về đạo đức, đối nhân xử thế… Học sinh học hơn 10 môn, mỗi tiết học là một bài học cuộc sống tốt đẹp… thì đương nhiên các em sẽ tiến bộ và dần dần thay đổi, trở thành người tốt trong tương lai.
Giáo viên cũng không cần nói nhiều, chỉ cần thể hiện mình là tấm gương mẫu mực, tận tụy, hết lòng vì học sinh, khi đó học sinh sẽ chuyển mình và phấn đấu trở thành người tốt hơn.
Tôi đang là giáo viên đứng lớp, giáo viên chủ nhiệm. Thường xuyên trong tiết dạy hoặc tiết sinh hoạt chủ nhiệm, ngoại khóa… tôi lồng ghép các bài học thật về đời, về sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ, anh hùng dân tộc, các mẩu chuyện thật về các tấm gương thiện nguyện…, giáo dục học sinh hướng đến điều tốt đẹp, giúp phân biệt, đúng sai.
Đối với môn Vật lý 8 mà tôi đang giảng dạy, ở chủ đề Cơ học, khi dạy về chuyển động, tôi thường lồng ghép dạy các em sống chậm, sống chân thật, cố gắng hết mình trong học tập, biết yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, có tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng chuyển động tiến lên phía trước…
Các bài Áp suất chất lỏng, khi dạy tôi lồng ghép dạy kỹ năng sống, phòng chống đuối nước, dạy các em tránh những người có tiêu cực trong cuộc sống, không được từ bỏ mạng sống của mình vì bất cứ lý do gì, giúp các em có lối sống tích cực hơn, có ích cho xã hội…
Ở chủ đề năng suất tỏa nhiệt của nhiên liệu, động cơ nhiệt..., tôi dạy học sinh biết bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên…
Không cần cầu kỳ, chỉ cần thật tâm, tận tụy và hết lòng vì học sinh thì học sinh sẽ nghe theo và hướng thiện một cách thực chất nhất.
Đối với nhà trường, các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt ngoại khóa, trải nghiệm… nên lồng ghép các bài học do diễn giả có tiếng, có thể mời đại diện Đảng ủy, chính quyền... cho các em hiểu biết kiến thức về pháp luật, cuộc sống…
Cũng có thể tổ chức các buổi tọa đàm cho học sinh được hỏi, đáp, giải tỏa những bức xúc căng thẳng trong cuộc sống, học tập… Trong nhà trường nên thêm biên chế tư vấn học đường.
Các buổi dạy học sinh tiết kiệm, trồng trọt, chăn nuôi, khởi nghiệp, học kỳ quân đội… nên được tăng cường để học sinh nắm bắt và vận dụng trong cuộc sống, tương lai.
Tạo được không khí cởi mở, chân tình, học sinh hiểu biết pháp luật, biết đối nhân xử thế, biết được các kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó… thì khi đó không những đạt được mục tiêu về phẩm chất mà học sinh sẽ có thái độ sống, học tập tốt hơn, sớm trở thành người tốt, có ích cho xã hội hơn.
Bác Hồ đã dạy "Có tài mà không có đức là người vô dụng". Bởi vậy, để giúp cho các em học sinh tự lĩnh hội, tự trải nghiệm, hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ thì giáo dục bằng tình cảm chân thành bao giờ cũng hơn sự áp đặt từ ý chí.
Các em cần được uốn nắn, nhắc nhở, định hướng, giáo dục nhân cách… ngay từ những chuyện nhỏ. Đó có thể bắt đầu từ những việc hàng ngày xung quanh các em, những bài học ngoài sách giáo khoa. Đó là những câu chuyện người thật, việc thật, những bài học nhẹ nhàng về tính tôn sư trọng đạo, tình nghĩa gia đình, ơn thầy cô, cha mẹ, ông bà…
Hoài Ân
Những năm vừa qua, đặc biệt là thời gian gần đây, những biểu hiện lệch lạc về hành vi, đạo đức trong học sinh, giáo viên và cả phụ huynh thể hiện ngày càng nhiều. Xã hội đã dần nhận ra kết quả học tập hay điểm các cuộc thi cao ngất ngưởng dù đem lại sự tự hào và được coi trọng trong nhà trường nhưng thực ra không có giá trị bền vững, không đem lại cho học sinh những phẩm chất, kỹ năng cần thiết trong "trường đời" sau này. Trong khi đó, đạo đức, tình yêu thương, sự trung thực, khả năng sáng tạo, phản biện và nhiều kỹ năng mềm khác lại thực sự thiếu vắng trong môi trường học đường hiện nay. Ban Giáo dục Báo VietNamNet xin được mở diễn đàn "Dạy ‘làm người’ trong trường học", mong nhận được những ý kiến đóng góp của độc giả, nhằm giúp cho trẻ khi đến trường không chỉ thu nhận được kiến thức mà còn học được cách sống tự lập, đối nhân xử thế, cách làm việc chung... trong đời sống trưởng thành sau này. Ý kiến đóng góp xin gửi về [email protected] . Xin chân thành cảm ơn! |