Vài năm trở lại đây, dọc theo tuyến đường Cà Mau – U Minh (đoạn 2 đầu kênh Khai Hoang, thuộc xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) có hàng chục bãi tập kết cừ tràm mà người dân quen miệng gọi là chợ tràm.
Cây tràm vốn là loại cây quen thuộc và hình ảnh những tán rừng tràm bạt ngàn được xem là một nét đặc trưng của xứ U Minh Hạ. Qua thời gian, nay loại cây truyền thống này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân sống dưới tán rừng. Cây tràm là vật liệu dùng trong các công trình xây dựng hiện nay. Để thuận tiện cho việc vận chuyển, mua bán, người dân dần hình thành khu vực tập kết tràm trong đất rừng U Minh Hạ.
Do nhu cầu trao đổi vận chuyển hàng hóa, hàng chục bãi tập kết cừ tràm đã được hình thành. |
Chợ tràm thu hút hàng chục thương lái đến mua bán tràm mỗi ngày. |
Tại chợ tràm U Minh Hạ, hoạt động mua bán diễn ra quanh năm. Mỗi ngày có hàng trăm thương lái đến thu mua, vận chuyển cừ tràm đi tiêu thụ khắp các tỉnh ĐBSCL và TP HCM.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phan Văn Nguyện (48 tuổi, ngụ xã Nguyễn Phích) cho hay, gia đình ông không đất sản xuất. Sau thời gian tích góp, vợ chồng ông thuê được 0,3ha đất nuôi tôm. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn khi con tôm không mang lại hiệu quả như mong muốn. Gánh nặng cơm áo, gạo tiền đã đưa ông đến với nghề vác cừ tràm thuê cho các điểm tập kết.
Cừ tràm được đưa lên chợ tràm U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. |
Sau đó được phân loại và sắp xếp cừ tràm theo chuẩn nhất định. |
"Tôi làm nghề vác cừ tràm thuê được gần 3 năm nay. Mỗi ngày trung bình tôi và những người làm nghề kiếm được khoảng 300.000 đồng, đủ trang trải cho cuộc sống", ông Nguyện chia sẻ.
Theo nhiều người làm nghề vác tràm thuê tại chợ tràm, đa số những người đi làm đều mang theo cơm để tiết kiệm chi phí. Tuy công việc vất vả nhưng đây là nghề có thu nhập khá ổn đối với những hộ không đất sản xuất hoặc lúc nông nhàn.
1 nhóm lao động khác phụ trách việc đưa cây lên bờ, phân loại, chặt đọt và đưa cừ tràm lên xe hoặc xuống tàu của thương lái đổ về thu mua |
Thông thường, sau khi thu mua tràm, chủ các điểm tập kết sẽ cho người vào chặt, vận chuyển cây tràm ra chợ tràm U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Sau đó, 1 nhóm khác phụ trách việc đưa cây lên bờ, phân loại, chặt đọt và đưa cừ tràm lên xe hoặc xuống tàu của thương lái đổ về thu mua. Hiện, giá tràm giao động từ 28.000 -35.000 đồng/cây (tùy loại).
Mỗi lao động làm thuê tại chợ tràm có thể kiếm khoảng 300.000 đồng/ngày. |
Đa số lao động đem theo cơm ăn để tiết kiệm. |
Theo ông Nguyễn Hồng Biên - Phó Chủ tịch xã Nguyễn Phích, huyện U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau thu nhập chính của người dân trên địa bàn đa phần phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trồng tràm và keo lai. Toàn xã có hơn 2.000ha rừng tràm và khoảng 20 điểm tập kết cừ tràm.
"Những năm gần đây, nhờ cây tràm có giá trị kinh tế, đời sống người dân trên địa bàn ngày càng được cải thiện. Ngoài ra, các điểm tập kết cừ tràm hình thành cũng góp phần giải quyết việc làm, đem lại nguồn thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương", ông Biên cho biết.
(Theo Dân Việt)