- Lời yêu cầu của Thủ tướng "các địa phương không được về Hà Nội chúc Tết" đang được kỳ vọng mang lại hình ảnh mới mẻ về một Chính phủ liêm chính. 

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 29/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương không được về Hà Nội chúc tết, tặng quà cho Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng mà hãy dành thời gian chủ động tập trung chăm lo Tết cho nhân dân. 

Yêu cầu này ngay lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt.

Bởi, giữa bao bộn bề của những tháng cuối năm, lời yêu cầu của Thủ tướng đang được kỳ vọng mang lại hình ảnh mới về một Chính phủ liêm chính.

{keywords}
Đường phố Hà Nội ngày giáp Tết. Ảnh: Phạm Hải

Hết cảnh sấp sấp, ngửa ngửa

Cảnh kẹt xe những ngày giáp tết, không biết từ bao giờ đã trở thành chuyện bình thường đối với người Hà Nội. 

Chỉ có điều kẹt xe không chỉ bởi “cuối năm có nhiều công trình dự án thi công nước rút, cũng không chỉ bởi người buôn bán đông, sinh viên đi học, người dân đi thăm thân…” như âm thanh vẫn phát ra hằng ngày từ những cái loa tại các nút giao thông trọng điểm của thủ đô, mà còn bởi vô số những chiếc xe mang biển số các tỉnh đổ về, mà đích đến không đâu khác là trụ sở các cơ quan trung ương và nhà riêng quan chức một số bộ ngành.

Càng gần Tết, những chiếc xe kiểu này càng hối hả, chiếc nào cũng sấp sấp ngửa ngửa, chạy ngang dọc khắp phố phường Hà Nội với lễ mễ quà cáp đi Tết cấp trên.

Chuyện đã thành lệ! Một cái lệ bất thành văn mà dẫu muốn hay không, phàm là cấp dưới, năm hết Tết đến, chưa “đi Tết” cấp trên thì chưa xong việc, ăn Tết không ngon!

Ngày Tết thăm nhau, tặng nhau cân trà hộp mứt, âu cũng là nét đẹp truyền thống của người Việt. Nhưng một khi nét văn hóa này đã bị biến tướng, là vỏ bọc mỹ miều cho những toan tính, vụ lợi, là chuyện “bà đưa chân giò ông thò chai rượu”… thì chuyện biếu xén, quà cáp ngày Tết thực sự đã trở thành một thứ tệ nạn.

Điều ấy ai cũng biết. Đảng biết, Chính phủ biết và người dân thì lại càng biết nhiều hơn.

Cũng từng có nhiều chỉ thị của Đảng ngăn cấm tình trạng sử dụng công quỹ để biếu xén, quà cáp trong các dịp Tết. Tuy nhiên, chỉ thị có đường đi của chỉ thị, ô tô có đường đi riêng của ô tô. Nên mỗi dịp cuối năm, đường phố Thủ đô vẫn cứ nườm nượp xe các tỉnh về Trung ương chúc Tết.

Chính phủ sạch

Nhưng lần này thì khác. Không văn bản, không chỉ thị. Bằng một thái độ thẳng thắn, chân thành nhưng hết sức quyết liệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu “ngay trong Tết nguyên đán này, các địa phương không về Hà Nội chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Ở các địa phương cũng vậy. Chính phủ phải làm gương”.

Tin bài liên quan: 

Chính phủ liêm chính phải là Chính phủ sạch. Đó là lời cam kết trước Quốc hội, trước cử tri và hơn hết là với danh dự cá nhân một đảng viên, một cán bộ cao cấp của Chính phủ. 

Đã hứa là phải làm. Làm không chỉ để thực hiện nghị quyết Trung ương 4 mà quan trọng hơn là để tạo niềm tin với dân về một chính phủ không tham nhũng. 

Quà biếu ngày Tết là nét đẹp văn hóa. Nhưng một khi món quà Tết đã biến chứng, đã có “mùi” trao đổi thì chuyện “cho - nhận” sẽ là bàn chân đầu tiên thò vào cái ngạch cửa của tham nhũng.

Vì thế, không thể một mình Thủ tướng, mà phải là sự đồng tâm hiệp lực, là sự đều tay của tất cả các thành viên Chính phủ. Bởi làm được điều đó mới mong giữ được tiếng thơm cho Chính phủ liêm chính.

Để lệnh cấm không bị biến tướng

Thủ tướng đã cấm các tỉnh về Hà Nội chúc Tết và yêu cầu ở các địa phương cũng triển khai nghiêm túc việc này.

Tuy nhiên, quà Tết, phong bao phong bì có chảy về Hà Nội hay không lại là do ý thức chấp hành của lãnh đạo các địa phương. Bởi đây không phải lần đầu những lệnh cấm kiểu này được ban hành.

Không khéo, người Hà Nội chưa kịp mừng dịp Tết này không còn cảnh kẹt xe vì ô tô các tỉnh đổ về thì lại phải bực mình vì sự gia tăng tần suất di chuyển của những chiếc xe đưa quà của các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh.

Cấm tặng quà Tết là Thủ tướng muốn tạo ra hình ảnh đẹp về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, vì dân.

Quyết tâm ấy rất đáng được trân trọng vì thể hiện nhất quán tinh thần hành động của bộ máy hành chính mà ông là người đứng đầu. Tuy nhiên, một khi sự vận động của bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương còn mang nặng tính ban phát, xin-cho thì mối ân tình, quan hệ qua lại, trên dưới vẫn còn đất sống. Mà ân huệ càng nhiều thì quà cáp càng to, phong bì phong bao càng dày.

Từ chối hay nhận quà là do thái độ và bản lĩnh của mỗi người. Nếu cương quyết ngay từ đầu, người ta cũng chỉ dám đến một lần, hai lần, lần thứ ba sẽ không dám đến nữa. Nhưng từ chối mà cửa vẫn mở, vẫn lấp la lấp lửng thì lần này không được, lần sau họ lại đến. Mà đến lần sau, ai cũng hiểu là quà sẽ to hơn lần trước. 

Bạn có đồng quan điểm với tác giả? Bài viết, ý kiến gửi về [email protected]. Bài viết phù hợp sẽ được xem xét đăng tải. 

Huệ Anh