- Là một trong số những dự án đầu tiên và hiếm hoi được triển khai theo phương thức xã hội hóa của Hà Nội từ những năm đầu thập niên 90, Dự án Khu đô thị An Dương do Công ty Phát triển Đầu tư và Xây dựng IDC (sau này đổi tên thành Công ty TNHH Xây dựng IDC) làm chủ đầu tư, chủ dự án. Thế nhưng, gần 30 năm qua, dự án này vẫn “treo lửng lơ”. Hậu quả là, Công ty IDC cũng “treo lửng lơ” 26 năm, phải hoạt động thoi thóp vì đã dồn hết vốn liếng, tài sản vào dự án mà không có mặt bằng sạch để triển khai. Kéo theo nó là số phận của hơn 70 hộ dân giữa trung tâm Hà Nội, phải sống “nhảy dù” trên chính mảnh đất hợp pháp của mình.
TIN BÀI KHÁC
Giám đốc công ty IDC (trụ sở tại số 93 phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, HN), ông Lê Quốc Khánh năm nay đã ngoài 60 tuổi. Thế nhưng, những mỏi mệt do lo nghĩ sau một khoảng thời gian quá dài – 26 năm trời đi tìm “hướng ra” cho “câu chuyện không lối thoát” khi IDC “vướng” vào dự án này, khiến ông Khánh già trước tuổi.
Giám đốc công ty IDC, ông Lê Quốc Khánh, sau gần 3 thập kỷ loay hoay tháo gỡ cho dự án. |
Thời điểm bắt đầu ý tưởng xây dựng một khu đô thị tư nhân theo tiêu chuẩn kiểu mẫu, hiện đại, khi đó ông Khánh mới ngoài 30 tuổi – khoảng thời gian sung sức nhất của một đời người, với những khát vọng, sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm…
Theo đó, dự án mà IDC theo đuổi đã hoàn tất nửa chặng đường (đã được các cơ quan chức năng cấp giấy phép, quyết định đầu tư xây dựng; đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính với nhà nước và chỉ… chờ triển khai!!!): dự án san lấp hồ An Dương (phường Yên Phụ), tiếp đó là xây nhà thương mại để bán, trong đó có 30% là nhà giành cho các đối tượng thu nhập thấp.
Dự án được ký kết theo Hợp đồng kinh tế số 124/HĐ ngày 26/1/1992, sau đó được điều chỉnh tại các QĐ số 1876/QĐ-UB ngày 06/5/1997; QĐ số 914/QĐ-TTg ngày 28/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với sự thay đổi của pháp luật hiện hành.
Theo các QĐ này, IDC được giao 13.970m2 đất tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ để thực hiện Dự án khu nhà ở và văn phòng làm việc. Trong tổng diện tích này bao gồm: 8.400m2 đất do UBND quận Tây Hồ quản lý; 5.570m2 đất do UBND phường Yên Phụ và các hộ dân quản lý.
IDC đã lên phương án xây dựng: 6.529m2 xây dựng nhà ở kinh doanh; 989m2 xây dựng 30 căn hộ bán cho người thu nhập thấp (theo QĐ 1876 của UBND TP.Hà Nội); 5.441m2 dành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chiếm gần 40% quỹ đất.
Theo ông Khánh, IDC đã thiết kế hồ sơ xây dựng thành bốn khu liên hoàn (A-B-C-D), có khoảng không cho các khu, không gian trồng cây xanh, đường lưu thông trước cửa nhà dân… để tạo thành một KĐT thực sự kiểu mẫu và khác biệt, đảm bảo tính mỹ quan đô thị và không để “lạc mốt”,
“Rót” vào dự án này, IDC đã huy động thêm 77 “cổ đông” cùng tham góp vốn, với rất nhiều kỳ vọng được trông chờ.
“Vị trí của KĐT An Dương rất đẹp: nằm ở trung tâm Thủ đô, cách đường Thanh niên, Hồ Tây, hồ Trúc Bạch 01km; phía sau là sông Hồng. Vị trí đắc địa đó cho phép xây dựng một KĐT kiểu mẫu, và thực tế, IDC đã thiết kế thi công, đảm bảo kiến trúc “đi trước”, vượt xa tư duy kiến trúc ở thời điểm đó vài chục năm tầm nhìn. Nếu thành công dự án này, IDC sẽ tiếp tục triển khai và “nhân bản” thêm nhiều KĐT kiểu mẫu như KĐT An Dương” – ông Khánh khẳng định.
Ông Lê Quốc Khánh tại khu dự án chậm tiến độ |
Theo lịch sử: thời điểm trước năm 1990, dải đất thuộc hồ An Dương (diện tích 8.400m2) bị hoang hóa từ lâu, thuộc quyền quản lý của UBND quận Ba Đình (sau đó thuộc quận Tây Hồ), là nơi chứa rác thải và đổ rác của các hộ dân khu vực quanh hồ, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết thực trạng này, UBND quận Ba Đình đã đề nghị TP. Hà Nội cho phép quận được sử dụng dải đất hồ này, san lấp tạo mặt bằng, xây dựng nhà ở thấp tầng, theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” từ nguồn vốn tự huy động của các tổ chức, cá nhân và nhân dân cùng thực hiện dự án.
Ngày 4/6/1990, QĐ cùng giấy cấp phép sử dụng đất số 2705/UB/XDCB, Hà Nội chấp thuận để quận Ba Đình được phép san lấp hồ An Dương, kèm theo quy hoạch được phê duyệt tỷ lệ 1/500.
Từ chủ trương này, IDC xây dựng phương án làm chủ đầu tư thực hiện dự án, có trách nhiệm trích nộp 20% lợi nhuận vào ngân sách quận Ba Đình.
Về chủ trương lấp hồ để thực hiện dự án, trước đó, UBND quận Ba Đình có hợp đồng kinh tế số 165 với Tổ hợp tác tiên tiến xã Dị Nâu để cho đơn vị này san lấp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Dị Nậu không thực hiện được, Cty IDC của ông Lê Quốc Khánh phải tiếp tục thực hiện thay. IDC đã phải hoàn trả một khối lượng kinh phí không nhỏ cho phần san lấp mà Dị Nậu đã thực hiện, kể cả việc phải giải quyết tranh chấp khiếu kiện của người dân trong khu vực Dị Nậu thực hiện san lấp.
“Thời điểm đó, quyết tâm của IDC là làm đến cùng dự án KĐT An Dương, nên mặc dù thiếu kinh phí do IDC phải tự bỏ vốn hoàn toàn, chúng tôi cũng cố gắng, nỗ lực vượt qua. Thế nhưng, phần kinh phí san lấp hồ, dù đã được cơ quan chức năng của Hà Nội quyết toán, có quyết định hoàn trả cho IDC, nhưng gần 30 năm qua, IDC vẫn chưa nhận được. Ở thời điểm những năm đầu thập niên 90, đó là một số tiền khổng lồ” – lời ông Khánh.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án thành dự án treo lơ lửng qua hai thế kỷ, và khiến IDC rơi vào “ngõ cụt”!
Bài 2: Vì sao dự án treo qua hai thế kỷ?
Thái Bình