Thanh Hóa có 11 huyện miền núi và 4 huyện giáp ranh có xã và thị trấn miền núi, 2 huyện và thị xã có thôn miền núi. Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có dân số trên 1 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 60%.
Một trong những Chương trình MTQG dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được tỉnh Thanh Hóa quyết liệt thực hiện, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719).
Tuy nhiên đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ giải ngân các nguồn vốn đã được phân bổ, nên việc thực hiện chương trình này vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2021-2023 tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh thực hiện Chương trình 1719 là hơn 1.154 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương thực hiện năm 2022 là 394,483 tỷ đồng và đã thực hiện phân bổ cho UBND các huyện, các đơn vị, chủ dự án thành phần là 394,293 tỷ đồng, đạt 99,99% kế hoạch vốn giao. Vốn ngân sách Trung ương thực hiện năm 2023 là 759,892 tỷ đồng và đã thực hiện phân bổ cho UBND các huyện, các đơn vị, chủ dự án thành phần là 703,001 tỷ đồng, đạt 92,5% kế hoạch vốn giao. Tuy nhiên, 10 tháng năm 2023, tiến độ giải ngân vốn giao thực hiện năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023 là 100,847 tỷ đồng, đạt 39,88%; vốn giao thực hiện năm 2023 đã giải ngân 102,334 tỷ đồng, đạt 14,56% kế hoạch vốn đã phân bổ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn của các dự án, tiểu dự án của Chương trình 1719 còn thấp. Chương trình 1719 có nhiều nội dung mới, nhiều chính sách tích hợp với cơ chế khác nhau và nhiều tổ chức tham gia cùng thực hiện nên gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung từ Trung ương đến cơ sở; trong khi công tác dân tộc là lĩnh vực tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, nhạy cảm, phức tạp. Quy định, cơ chế, chính sách về Chương trình 1719 được Trung ương ban hành chậm và còn thiếu, chưa đồng bộ; một số nội dung quy định, hướng dẫn vẫn còn chưa rõ, nên tỉnh gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngoài ra, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa kiên quyết, thiếu cụ thể trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Công tác phối kết hợp giữa các ngành với các huyện trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chương trình, dự án có nơi, có lúc chưa thường xuyên, trách nhiệm chưa cao. Các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình 1719 thực hiện trong các năm 2022, 2023 là dự án khởi công mới, cần nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư, do đó ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư.
Từ những bất cập trên khiến tiến độ giải ngân vốn của Chương trình 1719 đang diễn ra rất chậm. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, các ngành và các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Từ đó đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn bất cập phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, có những giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, từng bước đưa chính sách đi vào cuộc sống.