- Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ kỳ vọng cho năm mới 2015 với tư cách một đảng viên, một người dân rằng Đại hội Đảng sắp tới sẽ chắt lọc được những bài học cơ bản. Đó là bài học được lòng dân và bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

>> Ông Vũ Khoan: VN không phải nước nhược tiểu

VietNamNet giới thiệu phần cuối cuộc đối thoại trực tuyến với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan ngày 30/12. Cuộc trực tuyến do VietNamNet và báo Thế giới & Việt Nam phối hợp tổ chức.

Cái “đuôi” của 2014

- Là một nhà ngoại giao kỳ cựu, một người có nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu chiến lược, ông dự báo ra sao về môi trường an ninh, chính trị khu vực và thế giới trong năm tới? Trong một môi trường như vậy, những thách thức nào sẽ đặt ra cho Việt Nam?

Sự phát triển trên thế giới vận hành theo quy luật. Các vấn đề thường xuất hiện từ những hiện tượng nhỏ. Quan trọng là mình có nắm bắt được hay không. Không có gì xuất hiện bất ngờ và biến mất bất ngờ. Năm này tác động tới năm kia. Cái “đuôi” của năm 2014 sẽ kéo dài tới năm 2015.

Về kinh tế, nhiều khả năng kinh tế thế giới chưa thể bật dậy mạnh. Các dự báo cho thấy tốc độ tăng trưởng sẽ giảm. Hãy kiểm lại các đầu tàu. Kinh tế Nga đang chật vật. Kinh tế châu Âu ì ạch. Kinh tế Nhật Bản lúc đầu cũng khơi dậy được một số “tia sáng” nhưng cuối năm cũng khó khăn. Do đó, ông Shinzo Abe (Thủ tướng Nhật) phải tổ chức lại bầu cử để thăm dò ý kiến của người dân trước khi tung ra gói kích cầu mới. Kinh tế Mỹ quý IV tốt lên rất nhiều, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Người ta kỳ vọng kinh tế mới nổi (nhóm BRICS). Tuy nhiên BRICS không phải là “phao cứu hộ” cho nền kinh tế thế giới. Nhìn chung, chúng ta sẽ đón đợi một nền kinh tế thế giới bất an trong năm 2015.

Tình hình Trung Cận Đông, vốn đã kéo dài từ suốt sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, nên không thể giải quyết một sớm một chiều. Tình hình Trung Cận Đông ổn định về cơ bản sẽ không thể đạt được.

Tình hình xung đột Ukraine cũng chưa thể giải quyết sớm được. Ở đây tập trung nhiều mâu thuẫn, đó là mâu thuẫn nội tại của Ukraine, giữa Nga và Ukraine, giữa phương Tây – Nga - Ukraine, cũng như mâu thuẫn trong quá khứ và hiện tại. Những khó khăn kinh tế của Ukraine cũng rất nan giải.

Chính trị thế giới năm 2015 có thể manh nha một vài điểm sáng, nhưng một nền ổn định thực sự sẽ khó có thể đạt được. Nói chung, chúng ta sẽ phải đón đợi năm 2015 tiếp tục là một năm bất ổn, bất định.

  {keywords}
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: Phạm Hải

 

Hành động thiết thực dân mới tin

- Vậy theo ông, trong thế giới biến động và một năm bất định, Việt Nam cần làm cụ thể những gì?

Việt Nam cần đứng trên đôi chân của chính mình. Về kinh tế, chúng ta khó khăn từ 2008 kéo dài đến nay. Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá kinh tế Việt Nam phục hồi nhưng “chưa thật vững chắc”. Chúng ta cần nỗ lực để chiều hướng ấy vững chắc.

Thứ nhất, trước mắt, theo tôi, đối với một số vấn đề nổi cộm, chúng ta cần xử lý cho tốt: thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ xấu... Những vấn đề bên trong, chúng ta phải làm cho nó vững vàng.

Thứ hai, cần tập trung làm tốt những việc dài hơi hơn và phải làm trong năm 2015, đó là chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng (2016), Đại hội này sẽ quyết định bước đi của nước ta ít nhất trong năm năm tới. Chúng ta cần chuẩn bị tốt, xác định trúng vấn đề, đưa ra giải pháp thỏa đáng để đất nước ra khỏi khó khăn. Bên cạnh đó, cần nỗ lực củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhưng muốn có điều đó phải hành động thiết thực, mạnh mẽ chữ không chỉ nói bằng lời để người dân tin vào quyết sách của chúng ta, nhất là trong công tác xây dựng Đảng trước ngưỡng cửa Đại hội.

Thứ ba, trong mọi hoàn cảnh, nhà nước và nhân dân phải luôn tập trung tối đa cho việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ bằng những biện pháp thích hợp, đặc biệt là sử dụng sức mạnh ngoại giao.

Thứ tư, năm 2015, chúng ta hội nhập sâu rộng hơn với một số thỏa thuận FTA sẽ ra đời với các đối tác, ngoài ra còn có TPP, nếu chúng ta không chuẩn bị tốt thì cơ hội chậm đến, thách thức lại nhiều và nguy hiểm.

Hy vọng Việt Nam sẽ có những quyết sách xử lý được các vấn đề đó.

Hãy lo việc trong nhà là chính

- Thưa ông, năm 2015 một loạt hiệp định thương mại tư do của Việt Nam sẽ được ký kết, TPP cũng sẽ kết thúc, nhiều độc giả đặt câu hỏi là về hoạt động kinh tế đối ngoại thì ta hoạt động rất tích cực nhưng trong nước chúng ta vẫn còn đang loay hoay bàn chuyện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tại sao nhiều năm như vậy chúng ta vẫn cứ bàn về vấn đề này?

Thực ra mô hình phát triển là một khái niệm phức tạp, không chỉ tập trung trong vài ba việc. Nền kinh tế chuyển biến theo nền kinh tế thế giới, vừa rồi chúng ta cũng vướng nhiều chuyện như lạm phát cao, quy mô mất ổn định từ 2008, phải tập trung vào “chữa vết thương”, rồi sóng nổi trên biển Đông. Hơn nữa, trong nước cũng có nhiều vấn đề phải xử lý, xây dựng, chỉnh đốn Đảng cho nên cái tâm sức, nguồn lực đổ vào đổi mới chưa tương xứng, chưa đạt yêu cầu tái cấu trúc.

Vì vậy năm 2015 sẽ tập trung nguồn lực nhiều hơn, tập trung vào 3 khâu đột phá là đổi mới thể chế, nâng cao nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng. Hiện nay, tôi thấy “Gen ngoại” lên cao hơn “Gen nội” thể hiện qua việc tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 150 tỷ USD nhưng hơn 70% là doanh nghiệp FDI. Ngoài ra chúng ta cũng còn nhiều việc phải làm trên cả lĩnh vực cụ thể như đổi mới toàn diện và cơ bản giáo dục, ngân hàng, tài khóa, tiền tệ. Chúng ta không nên sốt ruột, quan trọng là phải làm được cái đúng, cái trúng.

  {keywords}
Nhà báo Việt Lâm, nhà báo Minh Nguyệt và nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại cuộc trực tuyến. Ảnh: Phạm Hải

 

- Chọn “cái trúng” theo ông là cái nào?

Theo tôi, cái trúng cuối cùng là làm sao cho nền kinh tế có năng suất, có hiệu quả, như vậy sẽ là đúng hướng.

- Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành năm 2015, ông có thông điệp gì gửi tới doanh nghiệp cũng như người dân Việt Nam?

Qua kinh nghiệm cá nhân từ việc tham gia ký BTA với Mỹ, việc Việt Nam gia nhập WTO, ASEAN, tham gia AFTA, tôi rút ra thông điệp: Hãy lo việc trong nhà là chính, rồi nắm bắt những cái dòng chảy của bên ngoài, lợi dụng những gì tốt nhất cho mình, nhận biết những điều gây hại cho mình mà tránh.

Ở trong nước, có hai đối tượng cần phải chuẩn bị. Về phía Nhà nước, phải có cơ chế, chính sách, thể chế để giúp các doanh nghiệp tận dụng những cơ hội, xử lý thách thức nảy sinh.

Về phía bản thân các doanh nghiệp, tôi thấy các doanh nghiệp thường hiểu rất ít về những cam kết kinh tế quốc tế. Vì vậy, Nhà nước cần thông báo, hướng dẫn cho doanh nghiệp biết. Các cơ quan hữu quan cần ngăn chặn những điều gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Chấp nhận luật chơi thị trường chứ không thể khư khư cái riêng

- Ông nói doanh nghiệp không được tham gia vào quá trình đàm phán vì đó là luật chơi. Có điều gì mâu thuẫn ở đây không? Theo quan sát của chúng tôi, các doanh nghiệp của Mỹ đấu tranh rất dữ dội vì quyền lợi của họ, “lobby” liên tục ngay trong khi quá trình đàm phán đang diễn ra. Phải chăng vì họ là nước lớn nên họ được làm thế?

Không phải vì họ đã là nước lớn mà vì họ là nền kinh tế thị trường lâu rồi, còn Việt Nam chỉ mới 5-7 năm nay thôi. Không nên so sánh về thực lực và mức độ tham gia doanh nghiệp giữa Mỹ và chúng ta vào lúc này. Chúng ta phải chấp nhận và trả giá trong giai đoạn đầu của thời kỳ hội nhập, xây dựng kinh tế thị trường. Chúng ta phải chấp nhận luật chơi của thị trường chứ không thể khư khư những cái riêng của mình.

Tất nhiên, có những cái chúng ta nhận ra nhưng chưa làm, có cái mình nhận biết hoặc đã làm nhưng chưa tốt. Còn về tham khảo doanh nghiệp, kinh nghiệm của tôi khi đàm phán với Mỹ, họ (nhà đàm phán Mỹ) bảo rằng khi khó họ sẽ đi hỏi doanh nghiệp nhưng chưa chắc họ đã hỏi đâu nhé! Phải nói thêm rằng ở Mỹ đã có hành lang pháp lý cho công việc “lobby”, còn Việt Nam chưa có cơ chế, dễ bị lợi dụng. Ta cũng nên tiến tới xây dựng luật về vận động hành lang để hoạt động này diễn ra đúng luật.

- Dưới góc nhìn của một nhà ngoại giao kỳ cựu, theo ông, đâu sẽ là những trọng tâm chính của đối ngoại Việt Nam trong năm 2015?

Tôi nghĩ rằng có một số vấn đề chúng ta phải “chăm lo”.

Thứ nhất, chúng ta phải triển khai nghị quyết 22 về hội nhập và thực sự đưa nó vào cuộc sống. Chúng ta phải làm sao để 6 FTA Việt Nam đang đàm phán phục vụ cho đất nước.

Thứ hai, đối ngoại của ta phải cố gắng để góp phần làm tốt bảo vệ chủ quyền trên biển bằng con đường hòa bình, đưa đàm phán vào thực chất.

Thứ ba, Bộ Ngoại giao phải có những đóng góp vào đại hội 12 để đưa ra những đường lối chiến lược; cuối cùng là đối ngoại ta trong 2015 cần phải tập trung nâng cao vị thế quốc tế của chúng ta trên trường quốc tế.

Phụ thuộc hay lệ thuộc?

- Liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền, độc giả có câu hỏi trong chuyến thăm Việt Nam vừa kết thúc ngày 27/12, ông Du Chính Thanh nói rằng ông ấy kỳ vọng Việt Nam sẽ đưa quan hệ Việt - Trung đi đúng hướng. Theo ông, quan hệ như thế nào là đi đúng hướng?

Hợp tác đúng hướng là hợp tác chân thành vì lợi ích chung. Chỉ có chân thành là đi đúng hướng. Không có chân thành thì không đi đúng hướng. Theo tôi, rất cần phải có là hợp tác xây dựng, tôn trọng lẫn nhau, hai bên có điều kiện thuận lợi để phát triển. Tôi mong rằng Trung Quốc sẽ có việc làm phù hợp với lời nói.

- Vậy ông dự đoán như thế nào về quan hệ Việt - Trung 2015 và tình hình Biển Đông kỳ vọng có yên bình hơn hay không?

Điều này không phụ thuộc ở chúng ta. Chúng ta hy vọng Trung Quốc rút ra các bài học từ sự kiện 2014, để xem điều gì có lợi cho bản thân Trung Quốc, phải cân nhắc đến uy tín, lòng tin của người dân khu vực, của người dân Việt Nam. Về Biển Đông, tôi hy vọng tình hình sẽ yên ổn.

- Câu hỏi của độc giả Trần Thị Bích Hà: Thưa ông, Việt Nam có một vị trí liền kề với Trung Quốc, có quá trình lịch sử gắn kết lâu dài, có nhiều điểm tương đồng về chính trị, kinh tế, văn hóa… Giờ đây khi Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên, theo tôi, nguy cơ phụ thuộc là rất lớn đối với Việt Nam. Theo quan điểm của ông, Việt Nam cần làm gì để tồn tại độc lập và phát triển bên cạnh Trung Quốc?

Theo tôi, phụ thuộc nên hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất, “phụ thuộc lẫn nhau”, nước nọ cần nước kia chứ không chỉ có một chiều. Đây là một thực tế khách quan trên thế giới, và thực sự nó diễn ra đúng như vậy. Chẳng hạn Trung Quốc cần mua gạo, cao su của Việt Nam và ngược lại với những thứ mà Trung Quốc có thể cung cấp. Cái này là tùy thuộc, bổ sung lẫn nhau theo nhu cầu.

Nghĩa thứ hai, “hoàn toàn phụ thuộc”, tức “lệ thuộc lẫn nhau”, dẫn đến nguy cơ để một bên điều hành bên kia. Ở đây, tôi nói sâu hơn về “lệ thuộc”. Để tránh nỗi lo ấy, bất kỳ quốc gia nào cũng phải tự đứng trên đôi chân của mình, chủ động trong điều phối quan hệ trong từng lĩnh vực cụ thể.

Ví dụ nền kinh tế gia công của Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn, phải nhập nhiều nguyên vật liệu, chủ yếu là Trung Quốc vì gần và rẻ. Vì thế phải tìm ra giải pháp để hạn chế việc lệ thuộc vào bên ngoài về nguồn cung cấp.

Mặt khác, tránh lệ thuộc, phụ thuộc không có nghĩa là đứng biệt lập mà cần có sự khôn ngoan. Muốn làm ăn có lãi, có lời mà vẫn tự chủ thì phải tính toán kỹ càng, mặt hàng nào ta tự lo được, lo chỗ nào; mặt hàng nào cần mua, mua chỗ nào. Cái hạn chế của mình là mình tính sai, mua cái chỗ không đúng, giá không hời, đó là lỗi của mình. Lệ thuộc hay không là do mình quyết định.

{keywords}
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Lệ thuộc nước khác hay không là do chính ta quyết định. Ảnh: Phạm Hải

 

Bài học lòng dân

- Năm mới 2015 đã đến. Đây cũng là năm bản lề, ngay trước thềm Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XII. Ông có kỳ vọng gì?

Năm 2015, nước ta có nhiều sự kiện, mỗi sự kiện chúng ta đều rút ra được nhiều bài học. Đại hội phải chắt lọc được những bài học cơ bản từ những sự kiện đã qua.

Đó là những bài học gì?

Thứ nhất, là bài học phải được lòng dân. Đây là bài học rất cơ bản, trong đối nội lẫn đối ngoại, dựa vào nhân dân sẽ thành công.

Thứ hai, là bài học sức mạnh của mình phải kết hợp với sức mạnh của thời đại, phải chắt lọc được tinh hoa của nhân loại để không thua chị kém em, đúc kết được những bài học thực tiễn của 5 năm qua, đưa ra quyết sách thật chuẩn để thời gian tới đỡ khó khăn hơn thời gian qua.

Đó là những kỳ vọng của tôi trong 2015 cũng là kỳ vọng của một đảng viên đối với Đảng.

Xin cảm ơn nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã dành thời gian tham dự đối thoại trực tuyến, xin cảm ơn độc giả của Vietnamnet và Thế giới&Việt Nam đã quan tâm theo dõi chương trình!

  • VietNamNet