Địa thế của Sài Gòn thời còn là Gia Định Thành, khoảng 150 năm trước, hẳn là rất đẹp và kỳ thú. Dựa vào địa hình còn lại ngày nay ta hoàn toàn có thể suy đoán bằng cách thử tưởng tượng: Một thương nhân phương Tây, vừa đến Viễn Đông để tìm mua gia vị, đứng ở một con thuyền trên sông Sài Gòn, quãng bến Bạch Đằng ngày nay.

Nếu nhìn về tả ngạn tức Thủ Thiêm (Quận 2 ngày nay), ông ta sẽ thấy một vùng đầm lầy bằng phẳng đến hút tầm mắt. Còn nếu nhìn ngược lại phía hữu ngạn, tức Quận 1 ngày nay, trước mắt ông ta là một triền đồi bắt đầu cao dần từ bờ song, rồi thăm thẳm vươn xa về phía sau. Trên đó là những cánh rừng già bạt ngàn gỗ quý, chim muông của đại ngàn Đồng Nai nối dài lên đến tận cao nguyên Lâm Viên.

Thật thế, thử đi theo tầm nhìn đó bằng xe đạp (đi xe đạp mới cảm nhận được độ dốc), tức lần theo các con đường xuất phát từ bến Bạch Đằng (Quận 1), như Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Pasteur, hay Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bạn sẽ cảm thấy hơi thở hổn hển của mình, khi leo lên những con dốc.

Nếu bắt đầu từ Bến Bạch Đằng, theo đường Đồng Khởi, bạn sẽ phải leo dốc cao dần lên đến đỉnh đồi là vị trí của Nhà Thờ Đức Bà, nối dài từ đây là đường Duy Tân.

Nếu theo đường Hai Bà Trưng, con dốc cứ thế kéo dài hết Quận 1, qua Phú Nhuận, đến Bình Thạnh, rồi Gò Vấp. (Cái tên Gò Vấp càng cho thấy bản chất địa hình trung du nguyên thuỷ của vùng đất này.)

Nếu đi theo trục Pasteur - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bạn sẽ đi xuyên qua những cánh rừng cổ thụ mà dấu vết còn tồn tại đến ngày nay - đó là các hàng cây ở Quận 1, rồi một vạt rừng cao vút bao bọc Dinh Thống Nhất -, rồi tiến vào Quận 3 với các con phố. Bạn sẽ thấy, bên những hàng cây xanh um là các biệt thự lẫn khuất dưới các vòm cây cổ thụ xưa cũ...

Bạn đã tin tôi chưa? Rõ ràng, từ nguyên thuỷ, đây là một thành phổ nhỏ trên triền đồi nhìn xuồng dòng sông Sài Gòn - Đồng Nai hùng vỹ. Triền đồi đó lại dựa lưng vào một hệ thống rừng xanh trù phú, có nơi là điểm cuối của một dãy Trường Sơn phía xa.

Một góc Sài Gòn xưa. Ảnh tư liệu Dương Minh Long.

Quay lại với góc tưởng tượng ban đầu, ta sẽ thấy con dốc đường Đồng Khởi cao vút lên từ bến song, và ở cuối đường toạ lạc một Thánh Đường đỏ thắm. Hay ngược lại, đứng ở vị trí Thánh Đường ấy nhìn xuống hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai hùng vỹ uốn lượn ra phía xa xa là bờ biển Cần Giờ. Núi - rừng - sông - biển chỉ trong một tầm nhìn...

Ở Việt Nam có không ít đô thị Việt nằm bên dòng sông, nhưng hiếm có nơi nào sơn thuỷ hữu tình như vậy.

Tuy nhiên, đặc biệt hơn cả địa hình là vị thế địa-kinh tế và địa-văn hoá.

Đây trước hết là một "thành phố ngã ba đường" (một khái niệm địa lý quan trọng do UNESCO gợi ý), là nơi hội tụ của nhiều hướng, là nơi giao thoa của nhiều loại hình kinh tế, tài nguyên, văn hoá.

Phía bắc là trung du, cao nguyên và rừng xanh trù phú, phía tây là đồng ruộng, vườn cây, đìa tôm - hồ cá, phía Nam chỉ vài chục cây số nữa là tiến ra biển xanh với hệ thống rừng ngập mặn phong phú, còn phía Đông là đường đấu nối với phần phía Bắc của đất nước, như một sự mời gọi, thậm chí thôi thúc, sự giao thương.

Thêm vào đó, còn có một món quà tặng quý giá khôn lường của tự nhiên - đó là hệ thống sông ngòi chằng chịt, lập thành một con đường vận chuyển giao lưu quan trọng. Một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải hình thành tự nhiên, không cần bỏ vốn.

Từ cái địa thế mang tính tập hợp, giao thoa, làm ăn "trên bến dưới thuyền" ấy, nơi đây đã bảo lưu các địa danh Bến Nghé, Bến Thành... Chính từ các "Bến" ấy mà thành phố này lan toả ra theo các hướng.

Hạt nhân là Quận 1 với công năng khu thương mại, hành chánh, vui chơi...Bao bọc ngay sau lưng Quận 1 về hướng Bắc là Quận 3 - một khu vực gồm hầu hết là các biệt thự sang trọng yên bình, những con đường rợp lá me bay, những "con đường tình ta đi" của Phạm Duy..., vốn ban đầu là khu dinh cơ của người Pháp thời còn cai trị Nam Kỳ.

Còn phía Đông là khu Dakao với khá nhiều Hoa Kiều mở tiệm buôn, tiệm ăn, với con đường điển hình là Đinh Tiên Hoàng. Vượt qua cầu Bông đến Bình Thạnh là đã hết Sài Gòn xưa, vùng đất này trước thuộc địa phận hành chánh của Tỉnh Gia Định.

Ở phía Tây cũng vậy. Dọc theo Chợ Cũ, đường Hàm Nghi là hết Sài Gòn. Đường Trần Hưng Đạo ngày xưa vốn là một vùng rừng rậm, có đường sắt nối dài đến Chợ Lớn - một trung tâm buôn bán làm ăn của người Hoa.

Ký vãng vàng son của Sài Gòn bắt đầu từ cái đô thị vừa vặn tuyệt đẹp của giai đoạn Pháp thuộc ấy kéo dài thêm một chút đến sau 1945, khi Sài Gòn bắt đầu nối thêm Chợ Lớn, Tân Bình, Phú Nhuận... Quy mô của thành phố lúc ấy vừa phải, kết hợp trong nó chất đô hội rộn ràng, chút ăn chơi, nhiều sức sống..., sức tiêu thụ lớn dễ làm ăn, nhưng vẫn bảo tồn được cái chất romantic của một thị tứ êm đềm của vùng Viễn Đông ảnh hưởng văn hoá Pháp.

Bước vào giai đoạn bùng nổ hiện nay, ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21, đặc biệt sau đợt phát triển cực nóng về đất đai, bất động sản, từ giữa thập niên thứ nhất của thế kỷ này, Sài Gòn đã hoàn toàn bước vào một giai đoạn trưởng thành khác: bành trướng, nở rộng và nhiều đổi thay. Nói không quá, chỉ cần lấy con đường "Duy Tân cây dài bóng mát" (tức đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay), vốn là lời của một ca khúc nổi tiếng của Phạm Duy, ta có thể có một hình ảnh thu nhỏ của sự biến đổi này.

Đây là trục đường điển hình của Sài Gòn mang trong nó hình ảnh tiêu biểu của đô thị này qua các thời kỳ. Con đường băng qua cảnh quan tiểu biểu của Quận 3, có dáng dấp của một thành phố biệt thự êm đềm, sang trọng, mang phong vị của thành phố Pháp Viễn Đông. Hai bên là những hàng cây cổ thụ cao vút, vỉa hè rộng thoáng...

Trên con đường này, có trường Đại học Luật thuở trước, có trung tâm sinh hoạt thanh niên hiện đại, có điểm nhấn là quảng trường Hồ Con Rùa nức tiếng một thời. Con đường cũng đi vào thơ ca và âm nhạc, mà điển hình nhất là hiện thân của ca khúc "Trả lại em yêu".

"Trả lại em yêu/ Khung trời đại học/ Con đường Duy tân cây dài bóng mát/ Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát/ Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhoà".

Thiết nghĩ cũng không thừa, khi cùng độc giả nhớ lại rằng Duy Tân là một trục đường kéo dài từ đường Đồng Khởi lịch sử (đường Catinat thời Pháp, đường Tự Do thời Việt Nam Cộng Hoà), một trong những con phố nguyên thuỷ của Sài Gòn, con phố đầu tiên của đô thành này. Nếu Đồng Khởi là một con phố sang trọng nhất Sài Gòn và trải qua các thời đại, hầu hết dấu vết của đô thành này đều còn hằn dấu trên nó, thì tiếp nối nó là Duy tân, con đường cư ngụ của giới thượng lưu Sài Gòn hàng thế kỷ qua.

Trục đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) đã hoàn toàn méo mó, so với bản sắc nguyên thuỷ của nó.

Nhiều cao ốc cao vút chặn trên một con phố yên bình cũ; bao nhiêu hàng quán café, nhà hàng, beauty salon, đã đột phá từ sân của các biệt thự cổ kính cũ thành các quán mặt tiền; nạn kẹt xe nghiêm trọng xuất hiện, quảng trường Hồ Con Rùa càng lúc càng phức tạp và bị thu nhỏ lại, mất hẳn nét yên bình sang trọng cũ...

Tất cả gần như là hình ảnh khá đại diện cho cho thấy một Sài Gòn khác đã hình thành. Sài Gòn ngày nay vượt qua tả ngạn sông Sài Gòn tiến sâu vào vùng đầm lầy Thủ Thiêm, Nhà Bè phát triển đến tận vùng rừng Sác cũ. Phía Tây tạo lập thêm các quận Bình Tân, Tân Phú, Phía Đông thêm Quận 9, phía Bắc thêm Quận 12, kết nối Hóc Môn, Củ Chi... Quá lớn và quá đa bản sắc.

Nếu biết rằng tập quán trước năm 1975, người ở Lăng Ông Bà Chiểu, hay Phú Nhuận, rủ nhau đi "Sài Gòn" chơi, hàm ý rằng chỉ có khu vực trung tâm Quận 1, nơi các "Bến" toạ lạc, mới được mang danh vị Sài Gòn thôi, thì sẽ thấy rằng, ngày nay trong một giai đoạn trưởng thành mới của nữa đầu thế kỷ 21 này, chúng ta sẽ phải cất nhiều công sức để định nghĩa lại về hai chữ Sài Gòn và bản sắc hiện đại mà nó đang hình thành.

Bản sắc của một Sài Gòn cũ duyên dáng, chắc chắn đã đổi thay nhiều. Cho nên, kể lại câu chuyện về một đô thành duyên dáng xưa chỉ để cho thấy rằng, Sài Gòn xưa chỉ còn là kỷ niệm, và, nếu muốn định hình một phẩm chất mới đúng cho Sài Gòn ngày nay, chúng ta không thể bám víu vào một Sài Gòn nhỏ bé ấy được nữa.

Dù tiếc nuối, chúng ta phải cố gắng hiểu một  Sài Gòn rất "bự con" ngày nay, một anh chàng lực sĩ đầu húi cua, mặt đồ Jeans, cưỡi Harley Davidson. Anh chàng này rất năng động trong làm ăn, nhưng vẫn dễ thương trong ứng xử.

Đã hết rồi chăng cái thời của một chàng hào hoa phong nhã, trong bộ vest cổ điển, ngồi xe Citroen, mà người đương thời có thể hình dung qua nhân vật trong bộ phim "Người Tình"?

Lưu Vĩ Lân