Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Ký ức về một dòng sông của tác giả Đặng Đông Hà.

Phía bên kia sông là những đồi cát nhấp nhô theo hình tam giác, mà mỗi buổi sớm mai ánh nắng mặt trời hội tụ và tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng. Tuổi thơ tôi tràn bao kỷ niệm gắn với dòng sông rất đỗi thơ mộng này.

dji 0655 hdr web.jpg
Ảnh: Nguyễn Hải

Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua quê tôi rất đẹp, hiền hòa và trong xanh đến khó tả. Nó gần biển nên con nước xuống lên (quê tôi gọi là ròng, rặc) rất rõ trong ngày. Khi nước lên phủ sát bờ đê và khi nước ròng để lộ bãi cát mịn màng xen lẫn những đám cỏ rong xanh mướt. Nước sông quê tôi không mặn chát như nước biển, nhưng cũng không là nước ngọt như ở phía thượng nguồn. Người quê tôi gọi nước sông này là nước lợ - và đây là môi trường của đủ các các loại thủy sinh vùng nước mặn và nước ngọt sinh sống. 

Vào những ngày hè, lũ trẻ chúng tôi thường thỏa thích rượt đuổi những đàn còng đất hay những con cá ngựa bơi nhảy cạnh mép sông. Sông là nguồn cung cấp thực phẩm cá tôm, không chỉ trong làng mà cả vùng dân cư bản địa. Hồi đó sao cá tôm nhiều thế không biết. Nói không ngoa chứ lúc bấy giờ nhiều loại như cá nhỏ, ghẹ, cua dèm (loài cua nhỏ), hàu sông nhiều vô kể mà chúng tôi không thèm bắt. Thế mà bây giờ, những loại này lại khan hiếm và trở thành đặc sản đắt tiền. 

Người dân quê tôi sinh sống bằng nghề nông, bởi vậy ở gần sông nhưng không mấy ai thành thạo nghề đánh bắt cá. Nghề ngư chủ yếu là cư dân vùng lân cận như ở Phú Bình hay Phú Hải. Để đánh bắt cá tôm họ thường làm những cánh rớ dàn ven sông, đánh lưới hay đóng đầm (một loại công cụ đánh cá được đan bằng tre chắn ven sông khi nước lên và chờ nước ròng để bắt cá). 

Hồi nhỏ, đám trẻ chúng tôi cứ sáng sáng dạo ven sông xem có mấy đầm để chờ nước ròng mà vào mót cá, tức là thu lượm các loại cá tôm sau những người chủ đầm đã đánh bắt, thế mà cá tôm nhiều vô kể. Nhiều loài cá ngon vẫn nhớ như in như cá hanh, cá móm, cá chai, cá bống, cá đối... còn tươi rói, nhìn đã mắt vô cùng. Đi bắt cá sợ và ngại nhất là mò phải cá kình, cá mau, vây nó mà đâm vào tay thì ôi thôi đau nhức, tê buốt phải biết, thậm chí còn nổi hạch và sốt.

Những khi con nước ròng, bọn trẻ chúng tôi thường dẫm rà trên rong cỏ cũng dễ kiếm các loài cua dèm và tôm đất. Đêm đêm, bọn trẻ chúng tôi thường làm những cây đuốc bằng tre nứa hay những võ lốp xe đạp để đi soi cá. Dưới ánh đuốc bập bùng cơ man nào là tôm cá, chúng tôi kiên trì bì bõm lội sông và tha hồ bắt cá, cứ hễ đi soi là lúc nào tôm cá cũng đầy oi đầy giỏ. 

Sông Nhật Lệ là nơi dạy tôi bì bõm tập bơi đến khi giỏi như những con rái cá. Bọn tôi tập lặn và vớt bao nhiêu là hàu bám trên những hòn đá cuội ở phía đáy sông. Có những hôm, bọn tôi đánh cược với nhau thi bơi để vượt qua sông sang tận bên Cừa Phú thuộc xã Bảo Ninh, để vặt trộm những trái dưa xanh. Đó là những trận bị đòn roi của mẹ bởi cái thói liều lĩnh, nguy hiểm này mà giờ còn nhớ mãi. Trong những ngày hè, khi chiều buông xuống, bọn tôi thường ngủ trên rơm rạ ven sông bởi gió mát vô cùng. Khi mùa đông về, bọn tôi thường đốt lửa ven sông để sưởi ấm, để nướng những con tôm con cá và ăn vội khi chúng còn dính đầy bùn đất.

Vào những ngày hè khi sáng sớm, bọn tôi thường ra sông để xem con nước lên ròng, thi thoảng thấy những đàn cá tung tăng bơi trong dòng nước mát. Khi ánh chiều buông, trên sông như dải ngân hà lấp lánh những ánh đèn măng - sông của những dàn lưới cá. Đêm về, những tiếng sắc bùa rộn rã của thuyền nan buông lưới xen lẫn những câu hát câu hò của nhóm chài Trúc Ly đi kéo cá ven sông. Nhưng vào mùa mưa, nhất là khi những trận lũ về, dòng sông gầm gừ cuộn mình như con thú dữ như muốn nhấn chìm muôn thứ trên sông. 

Tôi nhớ như in những trận lũ lớn, khi chứng kiến dòng sông cuộn chảy mang theo bao cây cối và nhà cửa ở vùng thượng nguồn trôi về phía biển. Trai tráng trong làng phải liều mình vượt lũ để cứu người bị nạn, hay tìm vớt những khúc gỗ lớn hoặc những thân cây khổng lồ về làm nhà hay đồ dùng sinh hoạt. Khi nước rút đi, hai bên bờ sông bao nhiêu lau lách rều củi còn sót lại, đó là những lúc bọn tôi tha hồ kiếm củi hay tìm bắt những con cua lột, những con cá trái nước sót lại bên sông. 

Sông Nhật Lệ được hợp lưu bởi sông Kiến Giang và sông Long Đại. Tên sông Nhật Lệ có từ khi nào cũng chẳng ai nhớ. Chỉ biết các sách cổ xưa ghi chép thì tên sông đã có cách ngày nay đến hơn 1000 năm. 

1 dxmt tp dong hoi min 1 scaled.jpg
Bán đảo Bảo Ninh, sông Nhật Lệ từ trên cao. Ảnh: Bùi Hùng Cường.

Rồi Nhật Lệ có nghĩa là gì cũng bao nhà nghiên cứu giải thích, cắt nghĩa. Ví như rằng Nhật là ngày Lệ là nước mắt (thực ra cách giải thích này chưa thuyết thuyết phục vì nó vô nghĩa), rồi thì Nhật là ánh sáng mặt trời và Lệ là đẹp với hàm ý là dòng sông luôn tươi sáng. 

Mà đẹp thật, mỗi buổi sáng trên quê, khi ánh bình minh đang lên, mặt sông đón ánh mặt trời lung linh như một dãi thảm vàng rực rỡ trải khắp trên sông. Có phải chăng mà Nhật Lệ luôn là nguồn cảm hứng của bao nghệ sĩ sáng tác về thi ca, âm nhạc cũng như bao áng văn để đời cho thế hệ mai sau. Từ cửa sông Nhật Lệ, Đại thi hào Nguyễn Du đã từng để lại những câu thơ nổi tiếng: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”. Hay như thi sĩ Hải Kỳ đã để lại câu thơ tài hoa: “Biết là nhớ cũng bằng không/Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm/ Tôi rơi vào cuối ngọn nồm/Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi”. 

Rồi bao danh nhân danh tướng được sinh ra bên bờ sông Nhật Lệ để lại bao huyền tích, bao chiến công vệ quốc còn lưu mãi với thời gian.  

Ngày nay về quê thỉnh thoảng ra tắm sông hoặc cùng bạn bè hóng mát, thấy bao đổi thay của dòng sông thuở nào. Người ta xây dãy kè chắn hai bên bờ sông cho khỏi xói lở dài đến tít tắp, làm cho con nước không còn ròng lên như những ngày nào. Hàng rớ dàn năm nào cũng biến mất, nhường chỗ cho những âu thuyền được xây dựng kiên cố. Tiếng gõ bùa đánh cá vắng dần mà thay vào đó là những âm thanh inh ỏi vang lên từ những quán nhậu ven sông. 

Bên kia sông, những công trình mới thay hình những đồi cát hoang sơ. Xa xa hình bóng cầu Nhật Lệ ánh điện lung linh đủ màu. Hai bên sông bao nhà cao tầng san sát mọc lên. Mừng cho quê hương đổi mới và phát triển nhưng thật chạnh lòng, bồi hồi khi nhớ lại sông xưa. Tự nhiên thấy thèm được ngửi mùi nồng của bùn đất, mùi tanh của rong cỏ ven sông như ngày nào của tuổi thơ ấu. Những đau đáu từ nổi lòng về dòng sông xưa giờ chỉ còn là ký ức. Hoài niệm cứ ùa về xen lẫn bao kỷ niệm của tuổi thơ. Sông ơi, bao giờ trở lại ngày xưa!

Đặng Đông Hà

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch. 

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: http://www.tothethao.com/bong-da_bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html