"Thi thể không mặt đó là của em tôi", nạn nhân của vụ Mỹ thả bom hạt nhân xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki hồi tưởng khung cảnh rùng rợn cách đây 70 năm.


{keywords}

Những thi thể cháy đen, các bà mẹ không thể nhận ra những đứa con bị cháy thành than hoặc những đứa còn sống đang la hét đau đớn... các nạn nhân sống sót sau khi Hiroshima và Nagasaki bị đánh bom hồi tưởng những ký ức kinh hoàng khi thảm kịch xảy ra tròn 70 năm.

Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới dùng vũ khí hạt nhân diệt mục tiêu của kẻ thù. Ngày 6/8 và 9/8/1945, Mỹ đã thả bom hạt nhân lần lượt xuống hai thành phố của Nhật là Hiroshima và Nagasaki vào cuối Thế chiến II.

Hơn 80.000 dân thường bỏ mạng ngay lập tức do quả bom thả xuống Hiroshima và 80.000 người khác được cho là chết khi Mỹ thả quả bom mang tên "chàng béo" xuống Nagasaki. Hàng nghìn người sau đó cũng thiệt mạng vì nhiễm phóng xạ từ các vụ nổ bom.

Tháng 8/2014, các đài tưởng niệm ở Hiroshima và Nagasaki liệt kê tên của hơn 450.000 nghìn người thiệt mạng trong thảm kịch. 292.325 người ở Hiroshima và 165.409 ở Nagasaki.

Chiyoko Kuwabara, một nạn nhân sống sót sau vụ đánh bom Hiroshima nói với RT rằng cô chỉ mới 13 tuổi khi thảm kịch xảy ra và giây phút làm thay đổi cuộc đời cô vĩnh viễn vẫn luôn hiển hiện trong trí nhớ.

"Xác người ở khắp nơi và khi đi tìm con, một bà mẹ thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng khóc gọi "mẹ...mẹ". Tuy nhiên, cho dù có ghé sát tận mặt những đứa trẻ, họ cũng không thể nhận ra chúng. Chỉ có những đứa trẻ nhận ra mẹ của mình", Kuwabara nói trong khi nước mắt chứa chan.

Ở Nhật, những người như Kuwabara được gọi là Hibakusha - từ được dùng cho những ai bị nhiễm phóng xạ từ vụ đánh bom nguyên tử.

Phóng viên của RT cũng nói chuyện với một nạn nhân may mắn sống sót khác ở Nagasaki là Sumiteru Taniguchi. Vào thời điểm thành phố này bị đánh bom 9/8/1945, ông này đang đi đưa thư.

"Lúc đó tôi 16 tuổi. Cách tâm vụ đánh bom 2km, tôi đang đi và có một tiếng nổ từ phía sau", người đàn ông này kể. Sức nóng từ vụ nổ đã lột da lưng và tay trái của Taniguchi.

Taniguchi, năm nay 86 tuổi nói, sau vụ nổ, ông phải nằm viện 3 năm 7 tháng và trong suốt gần hai năm sau đó, ông phải nằm sấp. "Lưng tôi bị bỏng tới tận xương...Tới giờ, nó vẫn còn đau".

Một nạn nhân may mắn sống sót trong vụ đánh bom Nagasaki, Sanae Ikeda, 82 tuổi, nhớ lại chuyện ông mất anh trai và em gái trong thảm kịch. "Vụ nổ lấy đi da tay của tôi, và tôi bắt đầu chảy máu. Ánh sáng màu xanh và sau đó tôi không nhìn thấy gì".

Ở giữa dường, Ikeda nhìn thấy ai đó - một người cháy đen thui bước đi, nạn nhân này mô tả. Ông cho hay, không thể biết được đó là nam hay nữ.

Ikeda cũng nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng khi chứng kiến cơ thể của em gái bị biến dạng hoàn toàn bởi vụ nổ. "Tôi thấy thi thể cháy đen. Tôi dùng tay nhấc lên và nó không có mặt. Sau đó, tôi thấy sợi dây hoặc ruy bằng ở eo quần em mình. Phần ngoài đều bị cháy song sợi dây bên trong vẫn còn. Tôi thấy những bông hoa nhỏ và tôi biết đó là em gái mình".

Vụ đánh bom hai thành phố Nhật được Tổng thống thời đó là Harry S Truman phê chuẩn.

  • Hoài Linh