Ký ức miền đá đỏ trong tâm thức người dân Bản người Thái ở miền núi Nghệ An bỗng nổi tiếng với những mảnh đá đỏ. Ở nơi vốc 1 nắm đất cũng thấy đá đỏ khiến nhiều người giàu lên sau 1 đêm nhưng cũng không ít kẻ chết đi vì nó
Buổi chiều ngày 8/3/1991, chàng thanh niên Lang Viết Đàn ôm con xe Honda 67 chạy một mạch từ nhà lên ngọn đồi Tỷ ở bản Kẻ Khoang, xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) xem cánh đào đá quý tìm kiếm vận may.
Trước mắt Đàn, ngọn đồi cao ngang mấy bụi tre ghép lại rộng hơn 6 ha đặc kín người. Họ đứng dúi mắt nhìn xuống hố sâu, nơi có hơn 100 người đang lúi cúi dùng xẻng, cuốc, vốc từng vốc đất cho vào mũ cối trao tay đãi sa tìm những hòn đá màu đỏ.
Tiếng hô hoán, thúc giục của dòng người bất chợt thay bằng tiếng leng keng của xẻng, cuốc va vào nhau. Họ đánh nhau để tranh giành từng mẩu đá, từng nắm sa.
“Ầm… ầm, sập rồi, hầm sập rồi”, tiếng hô thất thanh vang lên giữa ngọn đồi trọc vang cả một khu đồi. Ngọn núi cao cả trượng đã chôn vùi những gì trong lòng nó - chiếc hầm sâu hàng mét có gần trăm người còn tìm những hòn đá màu đỏ đổ sập.
“Thật khủng khiếp, cả trăm người dưới hầm rồi cả trên ngọn đồi bị chôn vùi. 1 người, 2 người… rồi 75 người được lôi ra từ đống đất đá. 5 ngày trôi qua, dọc quốc lộ 48 đâu đâu cũng là mảnh chiếu đắp thi thể những kẻ xấu số chờ người thân đưa về quê mai táng… Họ đã chết khi đi tìm vận may đá đỏ”, Đàn nổi da gà khi nhớ lại khoảnh khắc ấy.
Ông Lang Viết Đàn, Trưởng bản Kẻ Khoang, xã Châu Bình. |
‘Cơn bão đá’ quét qua làng
Tìm về vùng đất Châu Bình (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) những ngày cuối năm, nơi “cơn bão đá” đỏ từng quét qua để lại bao ký ức đau thương.
Những ký ức về một bản làng nghèo khó bỗng chốc trở nên nổi tiếng, khiến hàng nghìn người dân tứ xứ kéo đến tìm vận may. Nơi từng gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho người dân miền Tây xứ Nghệ như vẫn còn hiện hữu.
Gần 30 năm trôi qua, bản Kẻ Khoang nay đã yên bình, những ngọn đồi tan hoang một thuở đã phủ kín màu xanh của cây tràm, bạch đàn. Dọc quốc lộ 48 qua Châu Bình nơi bắt nguồn đi về những bãi đá quý đồi Tỷ, đồi Mộ, đồi Triệu… giờ nhà cửa mọc lên san sát.
Những hàng quán, xe khách dựng đổ đầy con đường mà trước đây là nơi đặt tạm thi thể của hàng chục phu đá không may tử nạn do sập hầm khi tìm đá quý chờ người thân đưa về quê mai táng.
“Đất đá đỏ khác rồi, giờ dân có của ăn của để hơn, những ngọn đồi trọc, hố to, hố nhỏ từng một thời hoàng kim đá đỏ được đổi bằng màu xanh cây rừng”, Trưởng bản Lương Viết Đàn nói khi được hỏi về vùng đất đá đỏ.
Bản Kẻ Khoang (xã Châu Bình), nơi từng là thủ phủ của nạn khai thác đá đỏ nay đổi thay. |
Với vị trưởng bản đã ngoài 60 tuổi và người dân bản Kẻ Khoang vùng đất đá đỏ là nỗi ám ảnh kinh hoàng với họ. 140 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào Thái chưa từng nghĩ họ từng, đang sống trên một kho đá quý. Họ cũng không hiểu rằng đá đỏ ấy có từ đâu, từ bao giờ mà chỉ qua những mẩu chuyện đồn thổi.
Người kể rằng có người trong bản khi đi củi ở vạt đồi Triệu thì dẫm phải vật màu đỏ dưới đế giàu, cứ ngỡ mảnh đèn xi nhan xe máy, cạy ra mới biết đó là viên đá màu đỏ, bán được hơn 1 tỷ đồng.
Người lại nói những năm 1990, một nhóm kỹ sư địa chất từ tận ngoài Bắc về khảo sát vùng đồi Tỷ, đồi Triệu. Những vị khách vãng lai chăm chỉ đào bới từng hố đất rồi gọi thêm nhiều người khác tới lần mò và lấy đi rất nhiều viên đá màu đỏ trong lòng đất.
Căn nhà họ thuê sống của người dân không cho người lạ vào, nhóm thợ chỉ thuê những người có dị tật về nấu ăn, giặt giũ, mang cơm vào khu đồi hay dọc bờ khe. Và câu chuyện về loại đá rất đắt, rất quý bên mâm cơm của những kẻ trắc địa chả mấy chốc loang ra, dân tứ xứ ùn ùn kéo đến đông nghìn nghịt cả bản. Thấy lạ, người dân Kẻ Khoang cũng bỏ ruộng, bỏ nhà cầm cuốc, xẻng đi tìm vận may từ những viên đá màu.
Đá đỏ và khu vực hồ nước ở ngọn Mồ Côi cạnh đồi Tỷ, nơi từng xảy ra vụ sập hầm làm 75 người chết. |
Thông tin về người này, người kia đào được những viên đá đỏ bằng ngón tay, bán cả trăm triệu càng thôi thúc họ đi tìm vận may đổi đời. Những cái tên như đồi Tỷ, đồi Triệu, đồi Mộ,… lần lượt được hình thành trong giới dân phu đá.
“Nói về đá đỏ thì kể cả ngày không hết chuyện, kinh khủng lắm…Nhưng nở rộ nhất là những năm 1991-1995, quốc lộ 48 lúc ấy muốn đi xe máy cũng khó, hoặc tháo ống bô, hoặc vứt xe bên đường rồi đi bộ…”, vị trưởng thôn Kẻ Khoang từ tốn nói.
Những cuộc tìm kiếm đá màu, khiến những cánh đồng bãi Triệu hay Na Mỳ bị xới tung từng mảng, chỉ còn là những cái hố sâu hoắm, hở hàm ếch lọt đến cả chục người. Không có người nào là không làm. Ngày đào cả toán, đêm đến mỗi người 1 đèn pin, cuốc xẻng, xô chậu ra đào cả đêm để tránh công an.
Từng là người đào được viên đá đỏ to hơn ngón tay cái, bán được 1,8 triệu đồng, ông Lương Văn Thiệu (54 tuổi, trú bản Kẻ Khoang) cho biết đó là điều may mắn nhưng cũng kéo theo bao sự sợ hãi với gia đình.
Người đàn ông khuôn mặt chai sạm, hướng đôi mắt ra ngọn núi trước nhà vị trưởng thôn kể lại: Hôm ấy ông cùng vợ chỉ đi ra bãi đãi đá. Chiếc hố sâu hơn 1 m vừa được một người đào trước còn cắm xẻng, tiện tay ông xúc ba xẻng đổ vào sàng cho vợ đãi.
Trưởng bản Lương Viết Đàn. |
Nắm đất chưa kịp đãi đã lộ ra viên đá màu đỏ dính chặt bùn đất. Chưa tin là mình được lộc trời, ông nhanh tay nhặt lên nhưng không dám hô to vì sợ bị cướp mất.
“Hòn đá đẹp lắm, to chỉ hơn ngón tay cái, sếp (người mua đá) thấy liền hỏi mua 1,8 triệu ngay tại đó. Sung sướng tôi bán chứ thực không biết giá là thế nào. Có được lộc trời, vợ chồng sắm một cặp trâu, 1 cái giường, 1 cái tủ, bộ bàn ghế và đồ dùng trong nhà”, ông Thiều nói.
Ông Lương Văn Thiệu từng nhặt được hòn đá quý màu đỏ to nhưng chỉ bán 1,8 triệu đồng. |
Nhưng may mắn không đến tiếp với người đàn ông này mà còn mang thêm nhiều phiền phức. Nhóm người đào đá nghe tin ông được đá to về sắm đồ trong nhà liền ganh ghét, dè bỉu, họ hạn chế cho cặp vợ chồng đi đào cùng. Nhiều người mua đá từ miền Nam đi ra còn lợi dụng người dân đào được đá đỏ quý mà mang theo đá dởm rồi đánh tráo và mua với giá thấp.
Những cuộc thanh trừng trong thủ phủ đá đỏ
Ông Lang Thanh Hoài, Trưởng công an xã Châu Bình kể đá quý hồi ấy nhiều đến nỗi người ta đồn đại chỉ cần vục tay xuống, vốc 1 vốc đất lên, đãi là ra đá quý.
Cũng vì thế, vùng đất Châu Bình đang yên bình bỗng dưng trở thành “lãnh địa máu” với những trận chém giết kinh hoàng để tranh giành lãnh địa.
“Thủ phủ đá đỏ” dần xuất hiện nhiều băng nhóm của những tay giang hồ cộm cán, như Phong “trọc”, Đường “rộ”, Sơn “cụt”, Tượng “lợn”...Họ bất chấp nguy hiểm để khoét rừng, đào rú, chui sâu vào lòng đất mong tìm kiếm vận may đổi đời.
Ở cái xứ này không ai có thể đếm hết có bao nhiêu người bỏ mạng ở xứ đá quý này? Chưa có một con số thống kê cụ thể bởi vì đá đỏ, người ta chấp nhận đổi cả tính mạng. Chết vì sập hầm, chết gì những cuộc thanh trừng lẫn nhau.
Người ta xem cái chết đã quá bình thường, cho đến vụ sập hầm năm 1991 làm 75 người bị chôn vùi dưới lớp đất đồi.
Cũng là người chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng ấy, đến bây giờ vị trưởng bản vẫn chưa thể quên được khoảng khắc ngọn đồi cao cả trượng, hầm lỗ chi chít đổ sập, chôn vùi cả mấy chục người.
“Bãi đồi Tỷ được xem là nơi nhiều đá nhất nên cả trăm người cùng chui vào hầm vốc đất vào mũ cối mang đi đãi. Họ chen nhau, thậm chí dùng cuốc, xẻng đánh nhau để cướp từng nắm sa, vì ai vốc được nắm nào coi như thắng. Phía trên người dúi mắt nhìn xuống cũng đặc kín, rồi bất ngờ ầm một cái…Sụp hết”, ông Đàn trầm ngâm.
Cảnh tượng kinh hoàng diễn ra quá nhanh khiến không ai có thể ngờ tới. Tiếng hô hoán, kêu cứu thất thanh vang khắp cả vạt đồi. Họ đào xới nhanh hơn mong cứu được người nào hay người đấy.
Trưởng công an xã Châu Bình, Lang Thanh Hoài trầm ngâm nghĩ về những câu chuyện ở vùng đất đá đỏ. |
Sau nhiều ngày đào bới, những thi hài không nguyên vẹn, cứng đờ được cuốn tạm trong manh chiếu rách, trải dọc quốc lộ 48 chờ người thân đến nhận đưa về. Người không may mắn thì được dân làng mai táng ngay gần khu đồi Mộ.
Sau vụ sập hầm, Công an tỉnh Nghệ An phải điều động 2 đại đội cảnh sát cơ động với gần 150 cán bộ chiến sĩ để hỗ trợ Công an huyện Qùy Châu, công an xã, dân quân tự vệ thành lập các trạm canh gác chấn chỉnh an ninh.
“Những nhóm người vãng lại đào đá đỏ bị đẩy đuổi, trục xuất. Nhưng đẩy chỗ này thì họ tràn sang chỗ khác, đuổi ngày thì họ làm đêm, cả đồi Tỷ, đồi Triệu đêm xuống như một đại công trường, ánh đèn pin dày đặc như sao trên trời…", ông Hoài nói thêm.
Đến tháng 10/1992, tình hình mới được kiểm soát. Tuy vậy, chỉ ít lâu sau cơn sốt đá đỏ vẫn âm ỉ. Những nhóm người bị đẩy đuổi ngoài bìa rừng lại đi sâu vào dựng lán dọc bờ suối, trong rừng. Họ ăn dầm ở dề ngày đêm đào hầm tìm đá. Cả những khu đồi Mộ là nơi chôn cất người quá cổ, họ cũng xới tung, sụp cả quan tài để tìm đá quý.
Với họ từng mét đất ở Châu Bình đều có đá quý, họ phải xới tung để nhận lộc trời.
Chưa nguôi giấc mơ đá đỏ
Để tránh tình trạng khai thác thổ phỉ, chính quyền đã bàn giao khu vực đồi Tỷ cho một xí nghiệp nhà nước khai thác và quản lý.
Tuy nhiên, tình trạng tranh giành lãnh địa vẫn chưa kết thúc khi những đồn đại về mỏ đá quý này vẫn chưa hạ nhiệt. Năm 2000, một vỉa đá màu lộ thiên ở khu vực hòn Mồ Côi, nằm trong khu quản lý của xí nghiệp nhưng người dân vẫn lẻn vào tìm vận may đá đỏ.
Những cuộc ẩu đả, đâm chém, tranh giành lãnh địa đá quý lại nổ ra giữa các băng nhóm xã hội.
“Đường vào bãi đá cứ tầm 1 m có một người cầm mác, cầm dao đứng canh, không cho người ngoài vào, ai bén mảng tới nhẹ thì bị đẩy đuổi ra, còn không là vung dao chém. Vì quá đông trong khi lực lượng an ninh quá ít nên không thể đẩy đuổi hết”, ông Hoài kể.
Sau thời gian khai thác, hoạt động của xí nghiệp đá quý phải dừng lại do hết giấy phép. 6 năm qua, đơn vị này vẫn đang cố gắng để xin gia hạn giấy phép khai thác nhưng vướng nhiều quy định nên vẫn chưa được giải quyết. Song ở đây hiện vẫn có đội ngũ bảo vệ, canh gác khu mỏ.
Thủ phủ đá đỏ giờ đã dần đổi khác, phủ xanh bởi những cánh rừng tràm xanh ngắt. Một phần vùng đồi Triệu cũng được một công ty chăn nuôi, phát triển bò sữa. |
Trở về sau những cuộc tìm kiếm loại đá màu không mang kết quả, người dân không còn đất canh tác, ruộng nương hoang hóa, nham nhở chi chít hố đào đá. Bản Khoang nằm trên đồi Tỷ, đồi Triệu nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, thậm chí còn nghèo khổ hơn trước khi có đá đỏ. Chính quyền đã vận động người dân phục hóa đất đai. Những vạt đồi nham nhở hầm hố sâu dần được san lấp, cải tạo và giao cho người dân trồng keo, bạc đàn phủ xanh.
Một phần khu đồi Triệu cũng được giao cho xí nghiệp chăn nuôi bò sữa cải tạo, phát triển. Còn dấu tích đồi Tỷ vẫn còn ngổn ngang.
Xã Châu Bình (huyện Qùy Châu, Nghệ An, chấm đỏ). Ảnh: Google Maps. |
Ông Lương Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Châu Bình bảo rằng đá đỏ có sức hút ghê gớm. Già trẻ, trai gái trong xã, ngoài huyện, nông dân đến giáo viên, cán bộ xã cũng ùn ùn kéo đến các khu đồi tìm đá. Nhưng nhiều nhất vẫn là người Hà Nam Ninh đổ về từng đoàn dài trên quốc lộ 48, trải rộng ra các khu đồi. Họ lật tung từng mảng rừng, đào thành những chiếc hố sâu hoắm để mong tìm vận may đổi đời.
“Thấy người đào được đá nhiều, người dân bỏ ruộng vườn, nhà cửa đi tìm đá dưới lòng đất. Người tứ xứ đến cũng mang theo tệ nạn cờ bạc, ma túy làm đổi thay cuộc sống bình yên của người dân. Tôi cùng từng đi khoét hầm tìm đá nhưng cũng chẳng kiếm được gì”, ông Đại bộc bạch.
Chủ tịch UBND xã Châu Bình thừa nhận khi cơn lốc đá đỏ quét qua đã làm cuộc sống người dân Châu Bình quay cuồng trong bệnh tật, tệ nạn, chết chóc nhưng giấc mơ đá đỏ vẫn chưa từ bỏ được.
“Giá mà không có thứ đá ma quái này thì mọi thứ có lẽ sẽ tốt hơn”, vị Chủ tịch xã ngán ngẩm.
(Theo Dân Việt)