“Bị kỳ thị ở trường, lạc lõng ở nhà, mình tuyệt vọng muốn chấm dứt cuộc sống. Mình đã lén xuống bếp tìm lọ thuốc trừ sâu. Một cái giật mạnh làm lọ thuốc tuột khỏi tay. Theo đó là một cái tát mạnh của bố làm mình bừng tỉnh”, La Lam, cô gái có ước mơ được chuyển giới, kể.
Từ nhà đến trường đều kỳ thị
Tóc dài quá vai, khuôn mặt trang điểm nhẹ nhàng, La Lam (tên thật là Lò Đức Thọ, SN 1995, người dân tộc Thái đến từ Mường Lò, Yên Bái) có mặt trong một buổi giới thiệu về thư viện sách sống vừa được tổ chức mới đây.
Chỉ đến khi Lam giới thiệu về mình, những người có mặt mới biết cô là người chuyển giới và hiện là sinh viên năm 3 khoa Biên kịch Điện ảnh, trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
Hình ảnh hiện tại của La Lam |
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ cậu bé Lam đã rất thích khoác lên mình những bộ váy con gái. Mỗi lần bố đi làm thuê được nhà chủ cho quần áo cũ của con cái họ mang về, Lam thích diện váy ra suối tắm và nghĩ mình là nàng tiên cá nhỏ tung tăng dưới nước. Cậu cứ mặc như vậy cho đến năm lớp một, khi các bộ cánh đều đã cũ và chật.
Lam kể: “Từ năm 3 -4 tuổi, mình đã nhận thức được sự khác biệt trong cơ thể, thích chơi những trò chơi của con gái, mặc đồ của con gái. Mình cũng thường xuyên bị bạn bè trêu chọc và gọi là bê đê, nhưng mình không bận tâm nhiều. Mình chấp nhận, sống vô tư thanh thản theo những tiếng cười chế nhạo.
Khi học lớp 6, mình đã có những rung động đầu đời. Lúc đó mình chỉ thích các bạn nam mà không hề thích các bạn nữ. Sau đó mình chơi nhảy dây với các bạn gái, mình yểu điệu, mình tạo cho mình sự khác biệt".
La Lam trong trang phục con trai |
Lam tâm sự tiếp: "Khi có sự khác biệt, mọi người bắt đầu kỳ thị mình. Họ bêu rếu, trêu ghẹo. Có lần mình bị các bạn tháo hơi xe, ném sỏi vào người…. Lúc đó mình không hề tức giận mà chỉ biết cắm đầu vào học, học để khẳng định bản thân, học để có kiến thức, sức mạnh để chống lại kỳ thị và định kiến của xã hội.
Lên lớp 10, mình lại tập tành viết truyện ngắn và tìm hiểu về chuyên ngành biên kịch, từ đó mình xác định sẽ thi Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Mình muốn chứng tỏ cho tất cả thấy rằng mình là một người chuyển giới có nghị lực, có tri thức, sống tích cực”.
Lam kể điều khiến cô buồn nhất đó là sự lạc lõng. Cô luôn thấy mình bị lạc lõng, cô đơn, không có bạn thân, anh chị bên cạnh. Lam phải tự sống, tự bảo vệ lấy chính bản thân mình.
“Hồi đó mình không dám nói chuyện với bố mẹ. Mình hay đạp xe ra bờ suối nói chuyện với hòn đá, với cây cối. Bản thân bố mẹ mình cũng áp lực khi bị hàng xóm gặng hỏi, dè bỉu. Bố mẹ cảm thấy xấu hổ, tức giận chuyện mình muốn là con gái.
Bị kỳ thị ở trường, lạc lõng ở nhà, mình tuyệt vọng muốn chấm dứt cuộc sống áp lực của mình. Mình đã lén xuống bếp tìm lọ thuốc trừ sâu. Mình mở nắp và mùi hôi kinh khủng của thuốc trừ sâu bốc ra. Một cái giật mạnh làm lọ thuốc tuột khỏi tay. Theo đó là một cái tát mạnh của bố làm mình bừng tỉnh và từ đó về sau mình không có hành động dại dột như vậy nữa”, Lam nói.
Ước mơ được chuyển giới
“Thời điểm mà Lam đau khổ nhất là khi chuẩn bị thi đại học. Lúc đó bố mình bị tai nạn. Mình nghĩ đến hoàn cảnh, tương lai của mình. Hằng đêm tự ôn thi đại học ở nhà, mình hay trèo lên nóc nhà ngồi khóc, cầu mong cuộc sống mình thay đổi. sau đó bố mẹ đã cố gắng xoay sở giúp mình thi đại học.
Đỗ đại học, mình bắt đầu một cuộc sống mới ở Hà Nội, quen nhiều người trong giới LBGT khiến mình tự do và thoải mái hơn. Những mối tình ở thời sinh viên xuất hiện chớp nhoáng, rồi đứt quãng. Các chàng trai đều rời bỏ đi để cưới một người con gái khác. Điều đó càng khiến mình nhận thức rõ hơn về con người mình”, Lam kể.
Nhìn bề ngoài, không ai nhận ra cô từng là một người con trai |
Lam cũng cho biết, mặc dù đã đi học đại học, nhưng mỗi lần về quê cô vẫn luôn phải giấu kín giới tính thật của mình với bố mẹ và anh trai.
“Mình nuôi tóc dài nhưng mỗi lần về mình phải buộc lên và che nó đi. Khi bố và anh trai biết chuyện, họ nói với mình rằng: “Về nhà thì ăn mặc cho đúng một người con trai còn xuống Hà Nội muốn làm gì thì làm”, Lam chia sẻ.
Kinh tế không dư giả nên hàng tháng gia đình chỉ gửi xuống cho Lam hơn một triệu đồng. Khoản tiền này Lam phải phân chia sao cho đủ tiền ăn, chi phí học tập, đi lại. Thỉnh thoảng cô diễn thời trang, bán hàng, giao hàng hoặc bí quá thì bán máu để có tiền trang trải.
Học ngành biên kịch nhưng đến năm thứ ba, cô vẫn chưa có máy tính để làm việc. Mỗi lần có bài tập, Lam phải ra ngoài quán net hoặc mượn bạn bè. Không có phương tiện di chuyển và máy ảnh, Lam bỏ qua nhiều cơ hội việc làm hay cộng tác với một vài tờ báo.
La Lam đạt được giải Ngôi sao tài năng |
Trong cuộc thi Người Chuyển giới Việt Nam vừa qua, La Lam đạt được giải Ngôi sao tài năng. Ước mơ hiện tại của La Lam là sau khi tốt nghiệp sẽ có công việc ổn định, kiếm tiền trả nợ cho bố mẹ và thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Đồng thời Lam mong muốn sẽ thực hiện một chương trình truyền hình cho riêng cộng đồng LGBT.
H.Thúy (Ảnh: NVCC)