Trở về sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây 45 năm, ông Lý nhớ như in cái ngày cùng đồng đội đã sát cánh chiến đấu sinh tử ở đồn Pò Hèn.
LỜI TÒA SOẠN
Nhìn lại lịch sử bi hùng của dân tộc để không ai được phép quên lãng. Ghi nhớ để sống tốt hơn, ghi nhớ để thêm yêu chuộng hòa bình và ghi nhớ để rút ra bài học trong ứng xử bang giao.
45 năm đã trôi qua, nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc để thêm một lần nữa khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Thời gian đủ dài giúp cả Trung Quốc và Việt Nam bình tĩnh, khách quan nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học, đầy đủ và chân thực nhằm tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại và rút ra nhiều bài học quý giá.
VietNamNet khởi đăng loạt bài 45 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nhằm cung cấp thêm thông tin, tư liệu tới quý độc giả, để mọi người cùng ghi nhớ, không thể lãng quên.
Ông Hoàng Như Lý (SN 1952, quê huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) nguyên là chiến sĩ Đồn 209 (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn) và là số ít nhân chứng còn sống sau trận chiến vào rạng sáng ngày 17/2/1979.
Dù 45 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về cuộc chiến khốc liệt vẫn hằn in trong tâm trí ông. Ông Lý kể, tháng 2/1972, ông được điều động từ Công an vũ trang tỉnh Quảng Ninh về Đồn Biên phòng Pò Hèn.
Thời điểm này, Đồn Biên phòng Pò Hèn chỉ có 15 người với sự chỉ huy của Đồn trưởng Vũ Ngọc Mai, Đồn phó phụ trách quân sự là ông Đỗ Sĩ Họa.
Quân số ít ỏi, mọi người trong đồn đều phải đảm nhiệm nhiều công việc. Có những đêm mùa Đông, trời rét cắt da thịt, ông cùng những chiến sĩ khác vẫn băng rừng để tuần tra cột mốc, xem xét tình hình biến động.
Cuối năm 1978, Đồn Biên phòng Pò Hèn được huy động thêm lực lượng, tổng quân số lúc này là hơn 90 người, đa số là những tân binh có tuổi đời còn rất trẻ từ 18 đến 20 ở các địa phương lân cận.
"Ngày đó không có đường đẹp như bây giờ, muốn vào tới đồn là phải đi bộ băng rừng cả ngày trời, việc thiếu lương thực là chuyện thường tình khi cả đồn chỉ có 2 con ngựa thồ. Anh em vẫn phải đi đào măng rừng để chống đói", ông Lý nhớ lại.
Nói đoạn, ông Lý hít một hơi dài để nén cảm xúc, ngăn những giọt nước mắt trực trào khi câu chuyện đến đoạn ngày đồng đội ông nằm xuống.
Ông kể, chiều 16/2/1979, đồn của ông và lâm trường Hải Sơn tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao và thống nhất sáng hôm sau sẽ giao hữu đá bóng. Ai cũng háo hức không ngủ được vì lâu lắm rồi hai đơn vị mới có dịp gặp gỡ.
5h sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu.
Quân Trung Quốc dùng pháo kích bắn tới tấp vào các điểm chốt, trụ sở của đồn Pò Hèn. Trời nhá nhem nhưng pháo cối bắn sáng lóa cả một vùng trong cả nửa tiếng.
Chiến sự bớt căng thẳng, ông Lý xin phục viên về quê, cuối năm 1979, ông kết hôn với bà Đỗ Thị Thơm (SN 1954) và quyết định sinh sống tại TP Móng Cái.
Năm 1980, ông Lý xin vào làm việc ở đội xây dựng của lâm trường Móng Cái. Ban ngày ông đi làm, tối về làm thêm bằng việc sửa ắc quy, quấn dây đồng biến thế để nghe đài hay cuối tuần làm thợ xây để có chi phí trang trải cuộc sống.
Tổ chức đám cưới cho hai đồng đội đã hy sinh
Câu chuyện chiến tranh của ông Lý nghẹn lại khi nhắc đến hai liệt sĩ là Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm. Cả hai đều là đồng đội của ông, cùng kề vai sát cánh chiến đấu ở Pò Hèn.
Vinh dự được làm "ông mai", ngày 5/2/1979, ông Lý dẫn hai đồng đội lên gặp Đồn trưởng Vũ Ngọc Mai để xin về quê tổ chức lễ cưới. Nhưng do tình hình biên giới cam go, dự định chưa thành công. Rồi ông Lượng và bà Chiêm hy sinh cùng trong ngày 17/2/1979.
"Đó là nốt trầm trong lòng khiến tôi khắc khoải, khi trở về, tôi nợ hai đồng đội một lễ cưới mà đáng ra đó là điều bình dị nhất mà họ xứng đáng được nhận. Tôi ấp ủ nhiều năm ý tưởng tổ chức đám cưới cho đồng đội đã khuất", ông Lý tâm sự.
Năm 2017, gia đình hai liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm gặp mặt qua sự kết nối của ông Lý đúng vào Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7.
Lúc này bố mẹ của hai liệt sĩ đều đã mất, chỉ còn anh chị em, người thân và đều đồng ý với lễ cưới chưa từng có này. Vậy là sau 38 năm, đám cưới của hai liệt sĩ mới được tổ chức. Ngày 6/8/2017, gia đình liệt sĩ Bùi Văn Lượng dẫn đoàn xe hoa từ TP Hạ Long đi Móng Cái để đón dâu.
"Tôi được cử làm đại diện phát biểu, các nghi lễ đều diễn ra như một đám cưới bình thường, chỉ có điều đọc đến tên của hai đồng đội, ai cũng khóc, giọng tôi nghẹn lại vì cuối cùng cũng thực hiện được nguyện ước bấy nhiêu năm", ông Lý xúc động nói.
Di ảnh của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm được họ nhà trai rước về để cạnh di ảnh của liệt sĩ Bùi Văn Lượng. Đôi vợ chồng sau bao nhiêu sóng gió đã được ở bên nhau...
Năm tháng qua đi, cứ đến ngày 17/2, ông Lý cùng các đồng đội đều trở về Khu di tích Quốc gia Pò Hèn để thăm chiến trường xưa và thắp hương tưởng nhớ những người đã anh dũng nằm lại. Đây cũng là ngày mọi người gặp gỡ, hỏi thăm sức khỏe và ôn lại kỷ niệm về khoảng thời gian cùng nhau đồng lòng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.