Trong lúc các chiến sĩ công an chưa kịp định thần, đối tượng nghiện hút chồm qua bàn giật xi lanh máu vừa xét nghiệm có HIV bơm thẳng vào tay bác sĩ Hà.
Bản di chúc của bác sĩ trẻ
Nếu ai từng đến Bệnh viện 09, sẽ cảm nhận sự khác biệt. Ở nơi khác luôn tấp nập người tới thăm, thì ở đây, chỉ có bệnh nhân và những người hàng ngày gắn bó với họ là các y bác sĩ.
Hỏi bác sĩ Hoàng Hải Hà, công tác tại khoa Nội của bệnh viện về điều gì khiến anh gắn bó với nơi này, tôi nhận được câu trả lời: “Khó nói lắm, nhưng nếu bạn hay ai đó có thời gian, tiếp xúc nhiều với người bệnh, hiểu về họ, các bạn sẽ có tấm lòng để đối xử với họ như chúng tôi”.
Là một trong những cán bộ gắn bó nhiều năm với bệnh nhân HIV, bác sĩ Hà không nhận mình là người tâm huyết nhất nhưng hơn bất kỳ ai, anh thấu hiểu cảm giác khi mang trong mình căn bệnh đang bị xã hội kỳ thị bậc nhất hiện nay.
Đó là câu chuyện xảy ra vào năm 2001, khi đó, bác sĩ Hà là cán bộ trẻ phụ trách mảng y tế cộng đồng, quản lý người nhiễm HIV/AIDS tại Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Một đêm cuối năm, khi lực lượng công an vây bắt 8 đối tượng sử dụng ma túy, nghi có người nhiễm HIV nên anh được gọi đến lấy máu xét nghiệm cho họ. Chỉ sau 5 phút, một thanh niên cho kết quả dương tính với H. Thông tin đó khiến các chiến sĩ sững lại, trong lúc mọi người sơ hở, bất chợt, người này chồm qua mặt bàn, cầm chiếc xi lanh chứa đầy máu chọc thẳng vào tay bác sĩ Hà. Chỉ trong tích tắc, 2/3 lượng máu nhiễm HIV của đối tượng đã bơm vào cơ thể bác sĩ.
Bằng nghiệp vụ của mình, bác sĩ Hà nhanh chóng xử lý vết thương và được uống thuốc phơi nhiễm sau 10 giờ. Thời điểm đó, có cả chục cán bộ cùng được điều trị phơi nhiễm nhưng với 0,4 ml máu chứa virus HIV được tiêm thẳng vào người, bác sĩ Hà là trường hợp nặng nhất, ngay cả các bệnh viện lớn và chuyên gia hàng đầu lúc đó cũng không dám đưa ra kết luận về tình trạng của anh.
Bác sĩ Hà kể lại: “Lúc đó, ai cũng nghĩ bị HIV tức là lĩnh án tử cận kề. Bản thân tôi cũng coi như mình đã cầm chắc cái chết trong khi con mình chưa đầy một tuổi, tôi bắt đầu lo lắng cho tương lai của vợ con và gia đình hai bên nếu tình huống xấu nhất xảy ra. Và tôi đã viết di chúc. Đó là lúc bi quan nhất của cuộc đời tôi”.
Những ngày uống thuốc chống nhiễm, thân thể anh gầy rộc, thậm chí đi không vững do phản ứng làm suy tủy, thiếu máu của thuốc. Nhưng điều khiến anh đau đớn hơn chính là sự kỳ thị của những đồng nghiệp, bạn bè. “Họ lảng tránh, không dám ngồi cạnh tôi. Thậm chí khi tôi mời thuốc, họ kín đáo quay đi ngắt bỏ phần đầu lọc do tay tôi cầm. Tất cả đồ vật cá nhân như cốc uống nước, khăn mặt, bàn chải của tôi đều có thể khiến họ sợ. Lúc đó, tôi mới cảm nhận rõ sự ruồng rẫy của xã hội với bệnh nhân HIV như thế nào”, anh nhớ lại.
May mắn kết quả xét nghiệm 1 tháng, 3 rồi 6, 9 và cuối cùng là 12 tháng của bác sĩ Hà cho kết quả âm tính với HIV. Cũng từ đó, anh tự nguyện xin chuyển về công tác tại Bệnh viện 09 để trực tiếp khám chữa cho những bệnh nhân mang căn bệnh thế kỷ.
Sự vắng lặng đầy ám ảnh tại Bệnh viện 09. |
Tình thương và rủi ro
Nhiều năm gắn bó với bệnh nhân HIV, bác sĩ Hà cho biết cần phải điều trị cho họ trên rất nhiều phương diện cả về tâm lý và tình trạng bệnh. Đó là chưa kể đến việc chăm sóc người nhà, đặc biệt là thái độ và sự kỳ thị của chính người thân đối với chính bệnh nhân.
Tuy nhiên khó nhất vẫn là bản thân người bệnh. “Về chuyên môn, mỗi một người bệnh, mặt bệnh trong quá trình điều trị yêu cầu bác sĩ luôn phải cân nhắc để đưa ra những phác đồ tốt nhất. Khác với các cơ sở khám chữa bệnh khác, chúng tôi chưa thể điều trị dứt điểm bệnh cho bệnh nhân mà chỉ đưa ra những phác đồ để giảm thiểu lượng virus trong người họ, đánh bại những bệnh nhiễm trùng cơ hội, giúp những người có H sống khỏe mạnh với cuộc đời”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng hợp tác điều trị, bởi khi biết mình có H, phần đa đều rơi vào tâm trạng tồi tệ, muốn từ bỏ tất cả. Thêm vào đó là sự ruồng rẫy của xã hội, tất cả đẩy họ vào đường cùng. Có những trường hợp nhảy lầu tự tử ngay trước mặt y bác sĩ.
Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị tâm thần do HIV, khi không kiểm soát được hành vi, họ sẵn sàng lao vào tấn công y bác sĩ. Nhưng ngay cả khi phải đối diện với mũi dao từ bệnh nhân, các bác sĩ tại đây vẫn phải tìm mọi cách để cứu bệnh nhân.
“Đã làm việc trong môi trường này, bất cứ ai cũng có thể lây nhiễm từ bệnh nhân bởi từ nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS mắc rất nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội. Đối với cán bộ y tế, mặc dù lượng kháng thể cao hơn bệnh nhân, khó mắc bệnh hơn song những lúc sức khỏe không tốt, sức đề kháng yếu, khả năng lây bệnh có thể xảy ra. Bị phơi nhiễm các bệnh qua đường hô hấp là nhiều nhất, đặc biệt là lao. Trong đó, nếu là lao kháng thuốc sẽ rất nguy hiểm vì bệnh này hiện không điều trị được và còn nguy hiểm hơn cả bệnh HIV”, bác sĩ Hà cho hay.
Trong khi việc nhận phong bì từ bệnh nhân, chuyện nhân viên y tế vòi tiền đang được xem là một vấn nạn thì tại bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân HIV còn xảy ra điều ngược lại. Có những bệnh nhân là con nghiện, sau khi xuất viện lại tái nghiện, túng quẫn, họ quay lại vòi tiền bác sĩ. Thậm chí có những gia đình bỏ mặc bệnh nhân, đến khi bệnh nhân ra đi, họ lại đến dọa nạt, vu cáo bác sĩ.
Bác sĩ Hà cho biết, đó là những điều thường xuyên xảy ra tại Bệnh viện 09 và các y bác sĩ như anh đều xem là tai nạn nghề nghiệp và chấp nhận. Anh cho rằng, chính sự nhìn nhận của xã hội đối với người nhiễm H đang đẩy họ vào con đường chết chứ không phải do căn bệnh.
“Khi dương tính với H, bệnh nhân vẫn có thể sống 5-10 năm nếu không được điều trị, còn khi được điều trị ARV, họ có thể sống đến cuối đời và ra đi vì các căn bệnh tuổi già chứ không phải do H. Nhưng khó khăn nhất đối với bệnh nhân H là sự quay về hòa nhập với cộng đồng. Họ không phải là tầng lớp cặn bã của xã hội. Họ cũng có những tình cảm, yêu thương như một con người và nên nhìn nhận họ như một con người. Thế nhưng số người nhìn họ như một con người hiện nay không nhiều....”, anh chia sẻ.
(Theo Zing)