Xuất khẩu nông nghiệp năm 2017 “được mùa”, nhưng cần nhắc lại thực trạng kéo dài cả chục năm qua là xuất khẩu nông sản vẫn “kiên trì” với gánh hàng thô, phẩm cấp thấp, không an toàn, thương hiệu cho người khác “mượn”. Điểm yếu này là cớ để khách mua ép cấp, ép giá, bị trả về, bị phạt thẻ vàng.

Thành công và “căn bệnh mãn tính”

Năm 2017, xuất khẩu thủy sản đạt 25,9 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2016, nếu cộng cả xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thì tổng kim ngạch của ngành nông nghiệp cả năm ngoái là 33,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2016, đóng góp vào xuất nhập khẩu nói riêng, kinh tế nói chung trên nhiều ý nghĩa, nên kết quả đó được trân trọng.

Tuy nhiên, công bằng mà nói thành tích mang lại niềm vui không trọn vẹn. Quy mô kim ngạch nông nghiệp vẫn nhỏ, lại được đánh đổi bằng quá nhiều nhọc nhằn.

So với 10 năm trước - 2007 - thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2017 gấp 4,4 lần, song xuất khẩu hàng nông nghiệp chỉ gấp 2,7 lần. Riêng mặt hàng chè vẫn ì ạch 10 năm trước 2007 là 131 triệu USD đến năm 2017 chỉ lên được 229 triệu USD, vừa thấp về tỷ lệ tăng, vừa nhỏ xíu về trị giá cùng tỷ trọng.

{keywords}
Xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng cao (ảnh Minh Dũng)

Nhóm hàng nông nghiệp gồm 10 mặt hàng, song kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 74% một mặt hàng xuất khẩu đứng đầu là điện thoại (năm 2017 xuất khẩu điện thoại đạt 45 tỷ USD). Để có chừng ấy kim ngạch hàng nông nghiệp phải huy động hàng chục triệu lao động, quần quật quanh năm, dầu dãi nắng mưa. Hàng nông nghiệp xuất khẩu với khối lượng khổng lồ, chỉ tính 5 mặt hàng thống kê được số lượng là hạt điều, cà phê, chè, gạo, sắn, cao su, tổng trọng lượng xuất khẩu đã là 14,9 tiệu tấn, trong khi xuất khẩu hàng chục tỷ USD điện thoại nhẹ tênh.

Đã đành mọi sự so sánh đều khập khễnh nhưng buộc phải nhắc đến điều này để muốn nhắc lại thực trạng kéo dài cả chục năm qua là xuất khẩu nông sản vẫn “kiên trì” với gánh hàng thô, lổn nhổn cấp loại, phẩm cấp thấp, không an toàn. Thương hiệu cho người khác “mượn”. Điểm yếu này là cớ để khách mua ép cấp, ép giá, bị trả về, bị phạt thẻ vàng.

Xuất khẩu hàng nông nghiệp vẫn còn căn bệnh kinh niên “tăng trưởng nóng” mà cà phê, hạt điều từng nhiễm, năm nay đến lượt hạt tiêu. Năm 2017, số lượng hạt tiêu xuất khẩu tăng gần 21% nhưng kim ngạch lại giảm 21,7%. Tai họa chính là do đỏng đảnh thị trường, song do cả việc ồ ạt tăng diện tích nhưng chăm bón, phòng trừ dịch bệnh đã không kham nổi dẫn tới chất lượng chưa tương xứng. Năm 2017, hạt tiêu vẫn trong nhóm xuất khẩu được 1 tỷ USD trở lên, nhưng thua năm 2016 được dự báo sớm.

Xuất khẩu hàng nông nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro vì chủ yếu vẫn ”chui” qua cửa khẩu biên mậu vào phía Bắc, nhất là gạo, mủ cao su, rau quả tươi, lợn sống, thủy sản tươi. Hàng năm đến hẹn mùa thu hoạch rộ lại... dính rủi ro.

Thực phẩm ngoại đổ bộ

Trong năm 2017, Việt Nam cũng nhập khẩu thủy sản, hạt điều, lúa mỳ, ngô, đậu tương, sữa và sản phẩm từ sữa, dầu mỡ động thực vật, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su các loại,... tổng kim ngạch tới 13,6 tỷ USD.

Chưa kể, để thủy sản xuất khẩu được 8,3 tỷ USD thì phải nhập 1,4 tỷ USD thủy sản nguyên liệu. Để mang về được 3,5 tỷ USD hạt điều cũng phải chi 2,5 tỷ USD nhập hạt điều.

{keywords}
Cần xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản trong nước liền mạch từ gốc sản xuất tới người tiêu dùng

Riêng mặt hàng ngô, năm 2016 phải nhập 7,8 triệu tấn ngốn 1,5 tỷ USD.  Không đủ gỗ cho chế biến gỗ vì rừng đã trụi, còn gỗ nhập khẩu vừa cạn dần vừa phải lo giải trình về nguồn gốc xuất sứ gỗ khi xuất khẩu sản phẩm. Cao su năm 2017 xuất khẩu 1,4 triệu tấn mủ được 2,2 tỷ USD, nhưng phải nhập tới  1 tỷ USD cao su các loại.

Xuất khẩu rau quả năm 2017 thành công rực rỡ, kết tinh bao nỗ lực. Song năm qua Việt Nam cũng nhập tới 1,5 tỷ USD hoa quả từ các nước, tăng 68% so với năm 2016.  Trong thế giới phẳng, không thể dựng hàng rào ngăn cấm hoa quả ngoại vào ta, nhất là thời nay lớp người khá giả vừa e ngại về chất lượng rau quả nội, vừa muốn nếm thứ quả lạ miệng lại yên dạ.

Đã thế, trồng trọt theo “tâm lý đám đông”, còn việc tiêu thụ cứ đến hẹn lại mắc vào vòng luẩn quẩn, khi rộ thu hoạch thì thanh long, dưa hấu,... để phí hoài ngoài ruộng, lăn lóc trên đường, người không ngó ngàng, bò không thèm đụng, trong khi bà con nơi khác thì ao ước.

Nguy rau quả nội bị chèn ép sẽ tăng lên theo trào lưu hội nhập, các FTA đến hạn, rau quả Tây ào ạt đổ bộ, rau quả Tàu ngâm tẩm bí ẩn vẫn bày bán công khai, trái cây Thái cứ ê hề.

Đồng thời, chúng ta còn phải nhập nhiều hàng phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp như thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên phụ liệu thuốc lá, phân bón, thuốc trừ sâu,... tổng cộng lên tới 5,7 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng nông nghiệp năm 2018 sẽ phát huy những mặt tốt của năm 2017 song chắc không chỉ thuận buồm, xuôi gió. Vì vậy, năm tới và các năm tiếp theo, cần xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp theo kịp cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), không chỉ áp dụng công nghệ cứng (máy móc) mà cả công nghệ mềm, các phương thức kết nối phi truyền thống.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả xuất khẩu và lưu thông nội địa hàng nông nghiệp, trọng tâm là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm thị trường nước ngoài, xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản trong nước liền mạch từ gốc sản xuất tới người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu, ưu tiên sản phẩm chủ lực; hạn chế tiến tới không nhập khẩu những thứ trong nước có thể làm được.

Nguyễn Duy Nghĩa