Nhảy vọt nhờ công nghệ số
Hàn Quốc xác định, để bắt kịp các nền kinh tế phát triển không có con đường nào khác là tạo ra các bước nhảy vọt. Họ cho rằng, các nền kinh tế đi sau không chỉ đơn giản đi theo con đường của các nền kinh tế đi trước, mà thường bỏ qua một số giai đoạn hoặc thậm chí tạo ra một con đường khác hoàn toàn với con đường của các nền kinh tế đi trước.
Cơ hội quan trọng để các ngành công nghiệp Hàn Quốc có mô hình nhảy vọt là sự xuất hiện của công nghệ số, nhờ đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã nhanh chóng áp dụng để sản xuất các sản phẩm số.
Hãy thử so sánh, trong khi các doanh nghiệp Nhật Bản và một số doanh nghiệp lớn khác lại bị mắc kẹt trong bẫy của các sản phẩm công nghệ analogue hiện có.
Bắt kịp và vượt lên
Họ xác định phương thức để nhảy vọt là: Trước hết hãy đi trên con đường đã có, sau đó nhanh chóng tạo ra con đường riêng hoặc nhảy vọt để bắt kịp và vượt lên.
Trong hai thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước, Hàn Quốc đã phát triển theo hướng sử dụng nhiều lao động để sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Điều này dẫn đến tiền lương thấp và thâm hụt thương mại liên tục kéo dài.
Hệ quả của mô hình này là tăng trưởng nhanh song bắt kịp chậm về mức thu nhập của Hàn Quốc so với Nhật Bản, khoảng cách giữa hai nền kinh tế này không được rút ngắn lại.
Quá trình bắt kịp thực sự chỉ xảy ra sau những năm 1980 khi Hàn Quốc chuyển sang sản xuất các sản phẩm chất lượng cao nhờ trọng tâm được đặt vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (Research and Development, R&D) trong các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân.
Tăng chi cho hoạt động R&D và cải thiện giáo dục đại học đã tạo nền tảng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp. Năng lực công nghệ được cải thiện đã dẫn đến tăng thặng dư thương mại.
Xây dựng và phát triển năng lực là trọng tâm trong các chính sách phát triển, giúp Hàn Quốc trở thành một hình mẫu phát triển kinh tế không chỉ ở Đông Á.
Mặt khác, Hàn Quốc đã đưa ra các chính sách can thiệp nhưng vẫn rõ ràng giữa vai trò nhà nước và thị trường.
Nhà nước không chỉ dựa trên quyền lực chính trị, mà còn dựa trên quyền lực kinh tế, bắt đầu từ quyền sở hữu nhà nước đối với các ngân hàng hoặc các quỹ tài chính. Nhà nước kiểm soát tài chính cũng như các hoạt động khác ở các doanh nghiệp lớn, điều không tồn tại ở nhiều quốc gia.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp phải thực hiện cơ chế kỷ luật kép, cụ thể là cơ chế kỷ luật thị trường, đặc biệt đối với thị trường thế giới và cơ chế kỷ luật hệ thống dựa trên mối quan hệ lâu dài, gắn kết giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Nhà nước đóng vai trò lớn trong các lĩnh vực chiến lược nhằm đạt được mục tiêu đối với các doanh nghiệp lớn. Nhà nước không định hướng các hoạt động kinh doanh nhỏ trong khu vực tư nhân. Nhà nước sẽ không định hướng hoặc định hướng không rõ ràng tại vùng ranh giới giữa khu vực công và khu vực tư nhân.
Một vấn đề quan trọng nữa là Hàn Quốc phát triển dựa trên năng lực và lấy năng lực công nghệ làm trọng tâm. Chính phủ đã xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp, nhờ đó Hàn Quốc đạt được tăng trưởng bền vững trong vài thập kỷ. Xây dựng được năng lực trong nước là yếu tố cơ bản để phát triển bền vững.
Để bắt kịp thành công đòi hỏi sản phẩm của Hàn Quốc phải có chất lượng tốt hơn và giá cả thấp hơn so với hàng hóa của các doanh nghiệp của các quốc gia phát triển sản xuất.
Những thành kỳ tích phát triển
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhờ lấy trọng tâm là nghiên cứu và phát triển, Hàn Quốc đã đạt được thành tựu rõ rệt. Các doanh nghiệp lớn chiếm tới 2/3 các sáng chế, phát minh ở quốc gia này.
Hàn Quốc đã chuyển đổi từ một quốc gia có thu nhập trên trung bình khoảng 1.673 USD năm 1980 sang một quốc gia có thu nhập cao hơn 32.000 USD năm 2022. Tỷ lệ chi tiêu cho R&D/GDP tăng từ 0,7% năm 1980 lên 4,6% hiện nay.
Những số liệu này chỉ ra, việc xây dựng năng lực gắn với giáo dục đại học và tăng cường R&D của khu vực tư mới là yếu tố quyết định giúp thực hiện quá trình chuyển đổi của Hàn Quốc.
Một thành tựu nữa là Hàn Quốc coi trọng sở hữu trí tuệ. Từ cuối những năm 1980, Hàn Quốc đã tăng đáng kể mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và mở rộng phạm vi các đối tượng được cấp bằng sáng chế. Hàn Quốc hiện đã đạt được trình độ phát triển cao nhất về phạm vi bảo hộ, bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ mới nhất, các phát minh công nghệ sinh học và phát minh phương pháp kinh doanh.
Khi các doanh nghiệp lớn đã đạt được sự phát triển mạnh về công nghệ, trọng tâm của các chính sách của Chính phủ đã chuyển sang khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa sở hữu được nhiều quyền sở hữu trí tuệ hơn, quan tâm đến thương mại hóa/sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ.
Nhảy vọt dựa trên nền tảng công nghệ là yếu tố cốt lõi cho sự thành công của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã dựa vào con đường sẵn có của các quốc gia khác hoặc tạo thành con đường của riêng mình dựa trên những chính sách hợp lý, phát triển con người.
Thành công của Hàn Quốc là bài học cho nhiều quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam.
TS. Hoàng Xuân Vinh, trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN