Ngày 26/12/2024, Cục Lâm nghiệp đã ban hành Quyết định số 395/QĐ-LN-KH&HTQT về việc Công nhận tiến bộ kỹ thuật “Kỹ thuật xác định loại gỗ bằng công nghệ quang phổ khối lượng (DART – TOFMS) tại Việt Nam”.

Xuất xứ của tiến bộ kỹ thuật: Kỹ thuật xác định loại gỗ bằng công nghệ quang phổ khối lượng (DART – TOFMS) tại Việt Nam là kết quả nghiên cứu ứng dụng của Phi dự án “Tăng cường năng lực giám định gỗ cho Việt Nam” do Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ tài trợ (theo Quyết định phê duyệt số 4449/QĐ-BNN-HTQT ngày 16/11/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) với mục tiêu góp phần tăng cường kiểm soát gỗ bất hợp pháp ở trong nước và trong thương mại gỗ quốc tế hướng tới chuỗi cung ứng gỗ minh bạch, có trách nhiệm và bền vững.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Việt Nam mỗi năm khai thác gỗ rừng trồng khoảng 22-23 triệu m3. Việt Nam cũng đã có hơn 500.000ha rừng được cấp chứng chỉ bền vững như FSC hoặc PEFC và mục tiêu đến năm 2030 là đạt 1 triệu hecta rừng trồng có chứng chỉ bền vững. Các chính sách thúc đẩy chứng chỉ rừng bền vững đang được tăng cường nhằm đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.

Chính phủ cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại, cho phép giám sát toàn diện từ khai thác, vận chuyển đến tiêu thụ. Điều này không chỉ nâng cao giá trị của sản phẩm gỗ xuất khẩu mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh, ngày càng nhiều thị trường ban hành quy định pháp luật về gỗ hợp pháp; trong đó có các quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp chế biến gỗ cần phải tăng cường quản trị chuỗi cung ứng, gắn với các tiêu chuẩn xanh, bền vững quốc tế để giảm rủi ro thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của gỗ Việt.

 Năm 2025, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 18 tỷ USD.