
Tại Hội nghị khoa học về kỹ thuật điều trị khối u bằng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao dưới hướng dẫn của siêu âm (US-HIFU) ngày 12/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá việc triển khai phương pháp này là bước tiến mới của đội ngũ y bác sĩ trong tiếp cận và làm chủ các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để phục vụ cho y tế nước nhà.
Giáo sư Trần Văn Thuấn nhấn mạnh điều này trong bối cảnh tại Việt Nam, cùng với sự gia tăng tuổi thọ trung bình, mô hình bệnh tật có sự thay đổi, trong đó tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là ung thư và các khối u đang gia tăng và trẻ hóa. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với ngành y tế, đòi hỏi sự nỗ lực đổi mới, cập nhật và ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học công nghệ trong điều trị.

Phương pháp US-HIFU điều trị không xâm lấn, không cần sử dụng các biện pháp gây mê sâu, "mổ không dùng dao, không nhìn thấy máu". Điều đó giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình điều trị, giảm đau đớn và rút ngắn thời gian phục hồi cho người bệnh. Công nghệ đã được triển khai tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện Bệnh viện Phụ sản Thiện An (Hà Nội) là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép, đưa kỹ thuật này vào ứng dụng.
Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc bệnh viện, cho biết phương pháp này có thể ứng dụng để điều trị u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, thai bám sẹo mổ lấy thai, u vú…, các khối u lành tính và ác tính khác tại mô mềm, gan, thận, tụy, xương, vú…, trừ những khối u chứa dịch và khí (như u não, phổi, đường tiêu hoá có dịch).
Kỹ thuật cũng giúp phục hồi chức năng cơ quan, bảo tồn khả năng sinh sản, mang lại cơ hội làm mẹ cho nhiều phụ nữ u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung… Đặc biệt, những bệnh nhân ung thư (như gan, tuỵ, thận…) không thể mổ được nữa thì có thể dùng phương pháp này, hạn chế cảm giác đau đớn.
Trong 4 tháng từ khi được Bộ Y tế cấp phép, 108 bệnh nhân được bệnh viện này phẫu thuật, người trẻ nhất dưới 30 tuổi, lớn tuổi nhất là cụ ông gần 80 tuổi bị ung thư gan.
Giáo sư Nguyễn Viết Tiến khẳng định chi phí tại Việt Nam hiện rẻ nhất trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Tại Singapore, chi phí lên tới 10.000 USD; Malaysia, Philippines khoảng 5.000-6.000 USD, trong khi Việt Nam thấp hơn.
Các chuyên gia đánh giá việc Việt Nam đưa vào ứng dụng kỹ thuật mới giúp người dân thay vì phải ra nước ngoài với chi phí y tế và đi lại đắt đỏ, nay có thể chăm sóc và điều trị trong nước với mức chi phí tiết kiệm hơn nhiều lần mà hiệu quả điều trị tương đương.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết đã giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức nghiên cứu, đánh giá hiệu quả ứng dụng kỹ thuật này trong thực tiễn tại Việt Nam, làm cơ sở đề xuất mở rộng triển khai rộng rãi.
Đồng thời, Vụ Bảo hiểm Y tế cũng được giao nghiên cứu, đánh giá chi phí - hiệu quả trên phương diện kinh tế y tế, từ đó xem xét, đề xuất việc bổ sung các kỹ thuật mới, phương pháp mới vào danh mục dịch vụ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, tạo điều kiện để nhiều người bệnh có thể tiếp cận và thụ hưởng các kỹ thuật, phương pháp điều trị tiên tiến, hiện đại với hiệu quả cao.
