Nhiều người nhận định theo một cách nào đó, khung cảnh Ninh Bình khiến họ có cảm giác như đang ở thế giới khác, giống như trong một bộ phim giả tưởng sử thi, với những ngọn núi, đền chùa cùng cảnh đẹp thần thoại. Những người dân sống ở đây cũng gây ấn tượng không kém khi có cách chèo thuyền khác lạ nhưng điêu luyện không tưởng.
Một thế hệ thay đổi
Bà Gấm đã chèo thuyền, chèo đò ở các hang động Tràng An trong suốt hơn 20 năm qua. Đây cũng là thời kỳ ngành du lịch Việt Nam đi từ giai đoạn sơ khai đến được toàn cầu công nhận - từ khoảng 1,5 triệu lượt vào năm 1998 lên gần 13 triệu lượt vào năm 2017. Và Tràng An ngày nay được coi là một trong những điểm du lịch trong ngày nhộn nhịp nhất gần Hà Nội.
Khi lượng khách du lịch đổ về ngày một đông thì thời gian làm việc của những người như bà Gấm cũng buộc phải tăng thêm. Tuy nhiên, các những người chèo thuyền chuyên nghiệp tại Tràng An đã tìm ra một cách giải quyết khéo léo là linh hoạt chèo thuyền bằng cả tay và chân. Như bà Gấm nói: “Chèo thuyền bằng chân thậm chí còn nhanh và đỡ mệt hơn nhiều so với bằng tay”.
Kỹ thuật vượt trội
Bà Gấm không phải người duy nhất ở đây áp dụng kỹ thuật này. Hầu như tất cả những người thường xuyên đi thuyền dọc theo những con sông quanh co của Ninh Bình đều nắm bắt được kỹ thuật chèo thuyền bằng chân. Thay vì dồn căng thẳng từ bả vai, đôi tay xuống các đĩa đệm của cột sống, những tay chèo sử dụng cơ chân khỏe của họ để xử lý công việc. Khi phải chèo thuyền liên tục hàng nghìn giờ mỗi năm, phương pháp này giúp họ ngăn ngừa chứng đau lưng mãn tính.
Tác giả Matthew Pike quan sát và thấy rằng, những người chèo thuyền ở Tràng An trông có vẻ thư thái, nhưng thực ra họ vẫn luôn và vẫn cần quan sát rất cẩn thận đường đi ở phía trước để xử lý các tình huống có vật cản hoặc tránh đụng phải các thuyền đi bên cạnh.
Và khi cần dừng lại, tất cả những gì họ phải làm là nghiêng người về phía trước và lấy tay nắm lấy mái chèo. Họ có thể không trở thành những vận động viên Olympic tầm cỡ, nhưng kỹ thuật thông minh này khiến họ có thể làm việc trong nhiều năm mà không bị đau xương khớp.
Đỗ An (Theo Culture Trip)