Tại hội nghị tập huấn công tác chuyên gia kỹ thuật và sử dụng phần mềm hệ thống thông tin kỳ thi kỹ năng nghề trong kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Ủy viên Ban tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam đã chỉ ra nhiều điểm mới đáng chú ý của kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay.

Theo ông Trường, kỳ thi năm nay có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 34 nghề so với 26 nghề năm 2018 (tăng 8 nghề), trong đó có 7 nghề mới lần đầu tiên tổ chức.

Thời gian làm bài thi, trước đây không quá 8 tiếng, nay được ban tổ chức tăng lên thành không quá 15 tiếng, nhằm tiệm cận kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới.

“Như vậy độ khó tăng lên, khối lượng tăng lên và số nghề cũng tăng lên. 7 nghề mới là những nghề mà đến các chuyên gia cũng chưa bao giờ tiếp cận với các kỳ thi ở cấp khu vực và quốc tế”, ông Trường nói.

{keywords}
Các thí sinh dự thi nghề Công nghệ ô tô tại kỳ thi Kỹ năng nghề Việt Nam lần thứ 11 năm 2020 trước sự theo dõi của giám khảo. Ảnh: Thanh Hùng

Ngoài ra, một điểm mới đáng chú ý nữa là có sự tham gia của doanh nghiệp trong ban tổ chức kỳ thi.

Quy trình đánh giá bài thi được áp dụng theo quy trình thế giới và ứng dụng hệ thống thông tin trong từng ngày thi.

Kỳ thi cũng bổ sung các quy định, như chuyên gia tham gia tiểu ban giám khảo và coi thi không được là người thân của thí sinh dự thi; chuyên gia trưởng không được tham gia chấm thi.

Cùng đó, quy định các chuyên gia của các đoàn đều có thể được tham gia làm công tác chuyên gia kỹ thuật, quan sát, giám sát hoặc tiểu ban giám khảo, coi thi nhưng với điều kiện phải tham dự tập huấn trước kỳ thi của ban tổ chức nhằm đảm bảo tính chuyên môn, chuyên nghiệp.

Theo ông Trường, đặc biệt, kỳ thi cũng đặt ra chế tài gắt gao khi chuyên gia vi phạm sẽ bị công bố công khai và sẽ không bao giờ được tham gia công tác kỹ thuật, chuyên gia tại các kỳ thi Kỹ năng nghề.

{keywords}
Những tiêu chí của kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia được yêu cầu cao hơn, chuẩn hóa hơn nhằm "tiệm cận kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới. Một trong số đó là việc tăng thời gian làm bài thi. Trước đây không quá 8 tiếng, nay được nới thành không quá 15 tiếng. Ảnh: Thanh Hùng

Trao đổi với VietNamNet, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội chia sẻ: “Ngay từ khi kỳ thi bắt đầu, ban tổ chức đã chỉ đạo một trong những điểm nhấn lớn nhất đó là kỳ thi năm nay phải tiếp cận trình độ và tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp của kỳ thi khu vực ASEAN và kỳ thi thế giới”.

Từng là thành viên đoàn đưa học viên của Việt Nam đi tham dự kỳ thi tay nghề thế giới tại Nga năm 2019, qua quá trình quan sát, nghiên cứu đề thi, khâu chuẩn bị công nghệ, trang thiết bị, máy móc, nguyên nhiên vật liệu và các điều kiện thi khác, ông Ngọc đánh giá năm nay đã có sự tiệm cận rất nhiều. “Thứ nhất, đề thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay được sử dụng đề thi của thế giới. Về cơ bản giữ nguyên nội dung, chỉ giảm bớt một số mô đun cần làm để phù hợp với điều kiện Việt Nam. Về tiêu chuẩn công nghệ, kỳ thi sử dụng các máy móc, trang thiết bị giống như tiêu chuẩn kỳ thi tay nghề thế giới. Ngoài ra, những phần mềm áp dụng, các tiêu chí chấm điểm, cách tổ chức kỳ thi và cách chấm điểm năm nay cũng hoàn toàn theo tiêu chuẩn và quy định được áp dụng ở kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019”, ông Ngọc chia sẻ.

Ông Ngọc cho rằng, thực tế khi các tiêu chuẩn càng khắt khe, càng “chuẩn quốc tế” hơn thì các chuyên gia cũng phải nghiên cứu, học tập thêm để nâng cao trình độ.

“Dù sẽ khó hơn, nhưng chúng tôi hết sức hoan nghênh việc đó. Bởi ở kỳ thi tay nghề thế giới, mỗi năm đều được đưa vào những nội dung thi, công nghệ mới nhất một cách liên tục. Thậm chí đưa ra cả những nghề trong tương lai. Do đó ở kỳ thi Kỹ năng nghề Việt Nam, những yêu cầu đòi hỏi, tiêu chuẩn mới được đưa vào là hoàn toàn tốt bởi chúng ta cần phải hội nhập quốc tế”, ông Ngọc nói.

Theo ông Ngọc, trong các nghề tổ chức thi, hầu hết đều có những chuyên gia đã từng tham gia các kỳ thi quốc tế. “Vì vậy việc tiếp cận đối với giám khảo, chuyên gia đã có kinh nghiệm thì không quá khó khăn. Tuy nhiên đối với những chuyên gia mới mà chúng ta bắt đầu đưa vào kỳ thi thì cần phải tiếp cận nhiều hơn. Song tôi cho rằng khi được chuẩn bị kỹ lưỡng thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được”.

{keywords}
Một thí sinh chuẩn bị trước giờ thi nghề Công nghệ thời trang. Ảnh: Thanh Hùng

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Phó trưởng Ban tổ chức Kỳ thi kỹ năng nghề Việt Nam cho hay, tới nay, Việt Nam đã tổ chức được 10 kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, tạo dựng được đội ngũ chuyên gia kỹ thuật để tuyển chọn, đào tạo đội tuyển tham dự 10 kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN, 7 kỳ thi kỹ năng nghề thế giới và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận.

“Những thành tích của chúng ta tuy chưa thực sự rực rỡ, huy hoàng như kỳ vọng nhưng chi ít những nền tảng tạo dựng được trong những năm vừa qua cũng đã khẳng định được người Việt Nam rất khéo. Khéo trong khả năng xử lý những tình huống công nghệ, thiết bị chất lượng cao. Nhưng điều mừng hơn cả không phải chỉ là những giải thưởng mà đó là sự nâng cao suy nghĩ, nhận thức về vai trò của kỹ năng lao động”, bà Hương nói.

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trao đổi với giám khảo nghề Công nghệ thời trang tại Hội đồng thi số quốc gia số 5, Trường CĐ nghề công nghiệp Hà Nội.

Bà Hương cho hay, qua các năm tổ chức các kỳ thi kỹ năng nghề, đội ngũ các chuyên gia kỹ thuật Việt Nam đã có sự chững chạc về chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm, thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này đóng vai trò rất quan trọng, là linh hồn của kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia. Theo bà Hương, kỳ thi kỹ năng nghề năm nay sẽ thể hiện sự đổi mới, chuyên nghiệp và từng bước được chuẩn hóa. Điều này giúp Việt Nam đủ tự tin để tham gia vào các sân chơi trong khu vực cũng như quốc tế.

“Trong bối cảnh mới khi thế giới việc làm thay đổi, Chúng ta nhận ra một điều rằng không có gì trong thế giới việc làm này là vĩnh viễn, trước bất cứ một thay đổi nào thì thị trường lao động lập tức bị tác động. Người ta phải linh hoạt điều chỉnh, thay đổi và sự thay đổi này kéo theo hàng loạt những nhu cầu về việc chuẩn hóa, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và nâng cao những kỹ năng mới mà xã hội cần và nâng cao những kỹ năng đang có. Yêu cầu của bối cảnh này làm cho các kỳ thi của chúng ta dứt khoát phải được chuẩn hóa để không phải chỉ để lựa chọn thí sinh giỏi, phát hiện nhân tài mà quan trọng hơn là tạo sự lan tỏa, động viên trong người học, người dạy và tạo được niềm tin cho người sử dụng lao động”, bà Hương nói. 

Tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020, có 31 nghề chính thức và 3 nghề trình diễn, trong đó có 7 nghề mới lần đầu tiên tổ chức.

Thanh Hùng

Nơi lao động nghề là người hùng của đất nước

Nơi lao động nghề là người hùng của đất nước

“Vào thời điểm đó, các thí sinh tham gia kỳ thi tay nghề thế giới là những vị anh hùng đối với sự phát triển của đất nước chúng tôi… Người dân Seoul đổ ra đường chào đón họ”.