Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 được tổ chức thi với 14 nghề, trong đó 11 nghề thi theo hình thức trực tuyến và 3 nghề thi theo hình thức trực tiếp, bao gồm Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò và Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò. Đây cũng là 3 nghề mới được tổ chức lần đầu tiên tại kỹ thi cấp quốc gia.
Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, phân hiệu đào tạo Hoành Bồ (Quảng Ninh) là 1 trong 2 cụm tổ chức thi kỹ năng nghề trực tiếp với 47 thí sinh tham gia dự thi.
Ông Ngô Xuân Khoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, kỳ thi năm nay là kỳ thi có nhiều điểm mới, trong đó thí sinh dự thi được mở rộng cả về đối tượng và độ tuổi. Đặc biệt, kỳ thi còn có sự tham gia của người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Đối với tỉnh Quảng Ninh, đây cũng là lần đầu tiên người lao động của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam và học sinh các nghề mỏ hầm lò được tham dự kỳ thi.
Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò và Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò là 3 nghề mới được tổ chức lần đầu tiên tại kỹ thi cấp quốc gia.
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc tổ chức kỳ thi, phân hiệu đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh. Cụ thể, nhà trường đã chuẩn bị phòng cách ly riêng và phòng y tế để thực hiện công tác xét nghiệm nhanh đối với những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19; đồng thời cho toàn bộ cán bộ, thí sinh, người lao động được xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ để loại trừ nguồn lây.
“Phân hiệu có một điểm đặc biệt là nằm độc lập, có tường rào bao quanh và chỉ có một cổng ra vào duy nhất. Do đó, việc kiểm soát người ra vào cũng dễ dàng hơn.
Hơn nữa, toàn bộ người học tại phân hiệu hiện nay đang được tổ chức đào tạo 3 tại chỗ; 100% người học ở nội trú; khu vực lý thuyết và thực hành riêng biệt; chưa có tiếp xúc với bên ngoài. Còn đối với người lao động hiện nay, 100% cũng đang ở nội trú và được yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy tắc “một cung đường, hai điểm đến” giữa khu công nghiệp và nhà tập thể. Do vậy, có thể nói, việc kiểm soát dịch bệnh hiện tại cũng rất nghiêm ngặt”, ông Khoa nói.
Thí sinh dự thi kỹ năng nghề quốc gia
Cũng theo ông Khoa, các nghề mỏ hầm lò luôn yêu cầu sự nghiêm ngặt trong an toàn và vệ sinh lao động. Do đó, tất cả các công nhân làm việc trong mỏ hầm lò đều phải được đánh giá sâu sát về kỹ năng nghề, nhất là khi các doanh nghiệp trong tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam đang hướng tới việc tự động hóa và cơ giới hóa trong sản xuất.
“Có thể nói, việc đào tạo và lựa chọn các lao động có tay nghề cao làm nguồn phát triển đội ngũ công nhân có trình độ, tăng năng suất lao động và đáp ứng các nhu cầu sản xuất mới với các thiết bị hiện đại là điều rất cần thiết.
Do đó, khi xét thấy khả năng có thể ứng phó với dịch bệnh và đề phòng các tình huống xảy ra, chúng tôi quyết tâm phải tổ chức kỳ thi này. Đây không phải là cơ hội lúc nào cũng sẵn có để người lao động được thử sức và kiểm tra tay nghề của mình”.
Đại diện Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam cũng cho rằng, kỹ năng nghề của người thợ là thước đo chuẩn mực và phản ánh đầy đủ nhất về chất lượng lao động nói chung và năng lực làm việc của cá nhân từng người thợ nói riêng.
Thông qua kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, ông Khoa kỳ vọng không chỉ tạo không khí thi đua mà còn là cơ hội nâng cao trình độ và năng suất lao động, từ đó góp phần thúc đẩy việc nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 có sự tham gia của 163 thí sinh đến từ 25 đoàn. Trong đó có 23 đoàn dự thi trực tuyến tại 30 điểm cầu của 17 tỉnh, thành phố. Thí sinh nhỏ tuổi nhất sinh năm 2005 (16 tuổi) và thí sinh lớn tuổi nhất sinh năm 1972 (49 tuổi). Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, kỳ thi không chỉ tìm ra xuất sắc mà những thí sinh có tay nghề cao, lao động xuất sắc mà quan trọng hơn là tạo ra được một phong trào, sự lan tỏa tinh thần trong việc xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng và vững vàng vượt qua đại dịch. Bên cạnh đó, việc mở rộng độ tuổi dự thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay cũng nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ, kỹ năng của chính người lao động. Từ đó, thí sinh sẽ có cơ hội trải nghiệm, cập nhật những kỹ năng mới nhất của tay nghề thế giới. |
Thúy Nga