Trong 6 tháng đầu năm 2024, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh đã hoàn thành 9/20 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 36/2022/QĐ-UBND ngày 9/12/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Trong 11/20 tiêu chí chưa đạt, có tiêu chí về thu nhập và tổ chức sản xuất. Do vậy, thời gian này, xã Kỳ Tân huy động toàn bộ nguồn lực, phát triển các mô hình kinh tế tiêu biểu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện nay, trên địa bàn xã Kỳ Tân có 428 cơ sở kinh doanh cá thể, trong đó: 303 cơ sở thương mại - dịch vụ; 125 cơ sở công nghiệp - xây dựng; 1 hộ có sản phẩm OCOP 3 sao. Luỹ kế đến nay, toàn xã có trên 47 mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao; 6/8 thôn đạt khu dân cư kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt 51,147 triệu đồng/năm, phấn đấu đạt 56 triệu đồng vào cuối năm 2024.
Trên địa bàn xã, mô hình trồng rau húng quế đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho người dân, bởi loại cây trồng này được đánh giá phù hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai và khí hậu của địa phương. Trên tổng diện tích 5 ha trồng rau húng quế, người dân dự kiến đạt lợi nhuận khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha, gấp 5 - 6 lần các loại rau màu khác như lạc, ngô…
Mô hình trồng rau húng quế hiện đang tạo việc làm cho khoảng 15 – 20 lao động xã Kỳ Tân với mức lương khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Dựa trên tình hình thực tế về năng suất mùa vụ đầu tiên, người dân trồng húng quế ở đây dự kiến sẽ mở rộng quy mô lên 20 ha.
Bên cạnh mô hình trồng rau húng quế, Kỳ Tân cũng là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc trồng dưa hấu và dứa. Toàn xã hiện có 4 mô hình trồng dưa hấu với tổng diện tích 15 ha, 2 mô hình trồng dứa có tổng diện tích 14 ha.
Anh Trương Xuân Hà, Tổ trưởng Tổ trồng dứa huyện Kỳ Anh cho biết, trong tháng 3/2024, đơn vị xây dựng mô hình trồng dứa có diện tích khoảng 10 ha trên địa bàn xã Kỳ Tân. Dự kiến sau khoảng 14 – 16 tháng, mô hình sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên, sau 10 tháng tiếp theo sẽ cho thu hoạch lứa thứ hai. Tổng sản lượng dự kiến khoảng 60 - 80 tấn, giá bán ra khoảng 50 triệu đồng/tấn.
Dù chưa vào thời điểm thu hoạch, tuy nhiên, mô hình trồng dứa cũng góp phần tạo thu nhập ổn định cho khoảng 10 lao động thường xuyên và hơn 50 lao động thời vụ trên địa bàn. Mức thu nhập khoảng 250.000 – 300.000 đồng/người/ngày.
Song song với mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, nhiều hợp tác xã trên địa bàn Kỳ Tân cũng đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo. Hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn của gia đình anh Nguyễn Ngọc Tấn là một trong những điển hình trong quá trình phát triển kinh tế trên địa bàn.
Với vốn đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà ươm nuôi tằm rộng 20 ha từ năm 2020, đến nay, mô hình cho năng suất 2 tấn kén/ha/năm, mang lại lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn giải quyết việc làm cho 25 lao động với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Theo đánh giá, Kỳ Tân có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc phát triển nghề dâu tằm. Quá trình quy hoạch, ươm nuôi, hợp tác xã ươm tằm nhận được nhiều sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương. Hiện nay, nhiều nhà máy ươm tơ tự động trên toàn quốc đã đặt hàng với số lượng lớn, thời gian dài. Đây được xem là động lực để hợp tác xã ươm tằm tiếp tục đầu tư trang thiết bị, mở rộng sản xuất trong thời gian tới.
Cùng với việc xây dựng các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND xã Kỳ Tân đã chủ động, linh hoạt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nỗ lực nâng cao tiêu chí thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, gần 159 ha lúa vụ xuân trên địa bàn cho sản lượng 894,8 tấn (đạt 104% so với kế hoạch); diện tích lạc 5,2 ha cho năng suất 20 tạ/ha, sản lượng 10,4 tấn; diện tích sắn 12 ha; ngô 5 ha; rau màu các loại 20 ha… Bên cạnh sản xuất, hoạt động chăn nuôi cũng được triển khai đồng bộ với tổng đàn trâu bò có 1.119 con, đàn lợn 776 con, đàn gia cầm 25.409 con.
Chia sẻ về những nỗ lực trong thời gian qua, ông Lê Xuân Lành, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân cho biết, Kỳ Tân về đích nông thôn mới năm 2013, các tiêu chí thời điểm đó chưa đạt yêu cầu cao. Khi nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025, xã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tiêu chí giao thông, nước sạch tập trung, thu nhập, tổ chức sản xuất…
Cũng theo ông Lành, các mô hình kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát huy tối đa điều kiện tự nhiên, đất đai của địa phương, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đơn vị đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề xuất đánh giá cấp mã vùng trồng và nỗ lực quảng bá du lịch trải nghiệm mô hình trồng dưa hấu, trồng ớt, nuôi dâu tằm trên các nền tảng mạng xã hội.
Với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị, trong 6 tháng cuối năm 2024, xã Kỳ Tân sẽ tập trung cao độ để củng cố, hoàn thiện 10 tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 20 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Song song với hoạt động sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi… xã đặt mục tiêu tiếp tục nâng cấp các tuyến đường, đẩy mạnh thi công nước sạch tập trung. Từ đó, phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024.