Theo báo cáo của của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) năm 2016, được bà Junko Kawauchi, Phó Chủ tịch Ban Hợp tác Quốc tế của JISA (Hiệp hội Công nghiệp thông tin Nhật Bản) chia sẻ, năm 2019, số lượng kỹ sư CNTT của Nhật Bản sẽ đạt đỉnh với khoảng trên 920.000 và bắt đầu xu hướng giảm xuống. Trong khi đó, nhu cầu lại không ngừng tăng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực ngày càng nghiêm trọng.

Báo cáo của bà Junko Kawauchi tại Ngày CNTT Nhật Bản 2017 - Japan ICT Day hôm nay 26/10 cho biết, Nhật Bản đang thiếu khoảng trên 100.000 kỹ sư CNTT, đến năm 2020 là trên 230.000 và đến năm 2030 ước tính thiếu khoảng 590.000 lao động. Các mảng về An ninh thông tin, điện toán đám mây, di động thiếu hụt nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Nhu cầu cao nhất thuộc về các mảng: IoT, AI, Big Data và Robot.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, lượng kỹ sư CNTT Việt Nam làm việc trong ngành CNTT của Nhật chỉ chiếm 4% lượng kỹ sư nước ngoài, sau Trung Quốc 53% và Hàn Quốc 15%. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng về số lượng kỹ sư của Việt Nam tại Nhật lại có tốc độ tăng trưởng lên tới 258% - cao nhất trong số các đối tác của Nhật.

Hiện nay, 80% số lượng dự án hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT đang là gia công xuất khẩu (outsourcing và offshoring), tuy nhiên, theo khảo sát của Ban Tổ chức với các doanh nghiệp đang hợp tác với các đối tác Nhật Bản, số lượng dự án hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển đang tăng lên. Sự hiểu biết đối tác Nhật Bản của các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện hơn nhiều. Về phía đối tác Nhật Bản cũng có sự thay đổi, từ chỗ chỉ giao dịch bằng tiếng Nhật, đến nay ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật trao đổi giao dịch với các đối tác Việt Nam bằng tiếng Anh hơn.  

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC) cho biết: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những xu hướng công nghệ mới như IoT, AI, Big Data, chuyển đổi số, sự thay đổi trong mô hình kinh doanh hợp tác và nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác lớn, có thể nói là tương lai của hợp tác CNTT giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới”.

Vấn đề nguồn nhân lực, các chuyên gia đều thống nhất rằng: tuy vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn nhưng đã có rất nhiều dấu hiệu tích cực. Các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo hai nước đang có rất nhiều chương trình hợp tác, những hướng phát triển nguồn nhân lực mới cả về số lượng và chất lượng.

Các doanh nghiệp CNTT đang phối hợp rất chặt chẽ với các trường đại học, không chỉ là để yêu cầu, đặt hàng đào tạo mà còn phối hợp trực tiếp với các trường cả về nội dung và phương thức đào tạo. Đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đang hợp tác, cùng nghiên cứu và phát triển với đối tác trong các lĩnh như: IoT, AI, Robotic, big data… như FPT, Altplus, Luvina, NTQ, NAL. Đây chính là cơ sở vững chắc, đặt tiền đề cho kỷ nguyên mới trong quan hệ hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản.

Tháng 9/2017, Việt Nam vừa được AT Kearny đánh giá tăng 5 bậc đứng thứ 6 trong danh sách các điểm đến về gia công phần mềm trên thế giới. Cũng trong năm 2017, hãng nghiên cứu Tholons cũng đánh giá Việt Nam đứng thứ 8 trong các quốc gia hàng đầu cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực CNTT. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ từ thị trường Nhật Bản. Tốc độ tăng trường của thị trường này luôn nằm ở ngưỡng rất cao 20-25%/năm. Việt Nam vẫn duy trì vị thế là đối tác được yêu thích nhất và lớn thứ 2 của thị Nhật Bản.

Ngày CNTT Nhật Bản 2017 - Japan ICT Day lần thứ 11được VINASA (Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam) và CLB VJC (CLB hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản) tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh với chủ đề: Chuyển đổi số: Kỷ nguyên mới cho hợp tác CNTT Việt Nam-Nhật Bản”. Có mặt tại sự kiện hôm 26/10 có ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ông Hosoya Kazunori, Phó Tổng Lãnh sự Quán Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, cùng trên 300 đại biểu trong nước và quốc tế.