- Vấn đề tìm việc làm sau khi tốt nghiệp luôn là thách thức với các bạn sinh
viên. Không ít sinh viên đã tự tìm hướng đi cho mình bằng những công việc trái
ngành...
Chấp nhận làm việc trái ngành
Để giải quyết bài toán việc làm, hiện nay rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp sẵn sàng làm bất kỳ việc gì để có thu nhập trang trải cuộc sống dù đó là công việc trái ngành, trái nghề.
Theo chia sẻ của Kiên, một sinh viên mới tốt nghiệp Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, vấn đề mình quan tâm sau khi tốt nghiệp là tìm được việc làm, được nhà tuyển dụng lựa chọn, còn việc trái ngành, trái nghề thì phải chấp nhận. Bởi các nhà tuyển dụng thường ưu tiên những người có kinh nghiệm công tác hoặc phải có kết quả học tập thật tốt.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Mặc dù theo học ngành kinh doanh nhưng hiện nay Kiên lại làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Tuy vậy, Kiên vẫn nhận thấy trong công việc này có rất nhiều điều thú vị, nó giúp một sinh viên vừa mới tốt nghiệp mạnh dạn và tự tin hơn trong giao tiếp, đàm phán với khách hàng. "Những trải nghiệm thực tế có được từ công việc này sẽ cho bản thân kinh nghiệm và nhiều kiến thức bổ ích phục vụ cho việc thực hiện ước mơ kinh doanh sau này" - Kiên đúc kết.
Cũng như Kiên, có rất nhiều bạn sinh viên hiện đang làm trái nghề mình học nhưng họ lại tìm được những điều mình mong muốn. Vân, một cử nhân ngành lịch sử nhưng lại đang làm công việc biên tập trong một doanh nghiệp xuất bản. Vốn là một học sinh chuyên văn nên mặc dù học lịch sử nhưng khi trở thành biên tập viên Vân không cảm thấy quá áp lực.
Xin việc đúng chuyên ngành lịch sử của mình giờ rất khó khăn nên mình không kén chọn cũng không đòi hỏi cao, chỉ cần công việc phù hợp với mình và được nhà tuyển dụng chấp nhận thì đã là một thành công rồi - Vân tâm sự.
Lúc đầu chưa quen việc lại không có chuyên môn cũng gặp nhiều khó khăn nhưng được công ty tuyển dụng đào tạo và hướng dẫn Vân nhanh chóng hòa nhập với công việc.
Sau một thời gian, Vân đã có ý định sẽ gắn bó với nghề biên tập sách vì nhận thấy rất nhiều kiến thức về lịch sử đã được sử dụng và có ích với công việc hiện nay.
Kỹ sư điện đi làm...thợ sửa điều hòa
Tốt nghiệp Trường ĐH Điện lực, trong thời gian chờ nhận bằng Thành đã xin làm thợ phụ ở một Công ty kinh doanh điều hòa nhiệt độ của người quen. Vốn học về điện nên Thành nắm bắt công việc khá nhanh lại chịu khó học hỏi, không ngại vất vả nên cũng nhanh chóng thạo việc, có thể lắp đặt, phát hiện và sửa được những “bệnh” đơn giản của máy điều hòa.
Khi được hỏi có ngại hay xấu hổ với bạn bè không khi đường đường là kỹ sư điện mà lại đi làm thợ điều hòa, Thành không ngần ngại chia sẻ: Mặc dù đã tốt nghiệp nhưng mình chưa tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành, gia đình lại không có mối quan hệ và dư dả tài chính để “chạy” vào chỗ này chỗ kia, nên mình phải tự thân vận động. Công việc hiện nay cũng mang đến cho mình nhiều kinh nghiệm thực tế mà không thể học được trong sách vở.
Thành không giấu mơ ước nho nhỏ của mình là sẽ tự mở một cơ sở kinh doanh sửa chữa điều hòa, điện tử trong tương lai gần bởi đây cũng là một nghề có thu nhập tốt lại đúng với sở trường.
Chủ động tìm việc từ năm cuối
Nhận thức rõ những khó khăn của công việc sau khi tốt nghiệp ngay từ năm cuối nhiều sinh viên đã tích cực tham gia các hội chợ việc làm dành cho sinh viên. Yến, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, chính việc tham gia các hội chợ việc làm đã giúp bạn có được việc làm hiện nay.
Trong khi còn đi học, Yến xin được một công việc bán thời gian, sau khi tốt nghiệp thì trở thành nhân viên chính thức của công ty.
Với kinh nghiệm của mình, Yến cho rằng thời điểm tháng 5, tháng 6 khi tất cả các sinh viên năm cuối đồng loạt tốt nghiệp thì sẽ rất khó xin được việc làm, bởi vậy việc nhanh chân kiếm cho mình một công việc bán thời gian từ năm cuối là cần thiết. Điều này vừa giúp bạn có cơ hội thực tập, làm quen với công việc thực tế để tích lũy kinh nghiệm, vừa tạo cơ hội để có việc làm chính thức sau khi tốt nghiệp.
Một điều nữa mà Yến thấy khá quan trọng là phải cố gắng hoàn thành tất cả các học phần đúng thời gian để không bị “tốt nghiệp muộn” vì sẽ lỡ mất rất nhiều cơ hội việc làm và phải cạnh tranh quyết liệt hơn.
Còn Ngọc, sinh viên Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội lại có cách tìm việc khá thực tế là chuẩn bị sẵn sàng các loại giấy tờ cần thiết theo hồ sơ xin việc, theo dõi sát sao các kênh thông tin tuyển dụng việc làm để “khoanh vùng” những công việc phù hợp với chuyên ngành của mình. Đợi đến khi trường phát bằng tốt nghiệp thì nhanh chóng đi công chứng để bổ sung vào hồ sơ và thực hiện chiến lược “rải thảm hồ sơ”. Nhiều bạn chỉ vì chậm trễ trong việc chuẩn bị giấy tờ như giấy khám sức khỏe, xác nhận của địa phương đã để lỡ thời gian tuyển dụng, cơ hội việc làm không còn nữa - Ngọc chia sẻ.
Có lẽ chỉ cần cố gắng, năng động và tự tin vào chính mình thì cánh cửa việc làm sẽ rộng mở với tất cả các bạn trẻ; vấn đề thất nghiệp sẽ không còn là nỗi ám ảnh với sinh viên mới tốt nghiệp? Tuy nhiên, về định hướng lâu dài đây không phải là cách hay thậm chí lãng phí lớn cả về kinh phí và nguồn nhân lực?
- Đỗ Quyên