Đặng Khuyết sinh năm 1988, theo đuổi nghề lồng tiếng đến nay gần 13 năm. Anh tốt nghiệp ngành Công nghệ Kỹ thuật hóa học tại Đại học Công nghiệp TP.HCM, sau đó làm kỹ sư công nghệ hóa cho một công ty ở Bình Dương.
Làm được 1 năm, anh không chịu nổi sự nhàm chán khi làm việc với hóa chất trong 4 bức tường phòng thí nghiệm ở nhà máy nên đổi sang vị trí bán vật tư, thiết bị cho một công ty thương mại của Đức.
Với vị trí mới, Đặng Khuyết được ra ngoài, gặp gỡ nhiều người hơn. Thu nhập của anh tăng đáng kể, từ gần 10 triệu đồng lên gần 1.000 USD (khi đó hơn 18 triệu đồng).
Dù vậy, 8X vẫn thấy tù túng, không hợp với tính cách của mình. Anh bắt đầu có cảm xúc với lồng tiếng khi theo học lớp kỹ năng lồng tiếng phim cơ bản tại Nhà văn hóa Điện ảnh TP.HCM.
Học được 3-4 tháng, Đặng Khuyết rủ một số bạn bè đảm nhận, vực dậy CLB Lồng tiếng phim bị "bỏ hoang" nơi đây. Từ đó, anh bắt đầu có những vai quần chúng, vai phụ đầu tiên trong đời.
Xác định mình không thuộc về lĩnh vực công nghệ kỹ thuật - hóa học, Đặng Khuyết viện cớ học thạc sĩ để nghỉ việc ở công ty hòng qua mặt gia đình.
Anh chọn chương trình cao học Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Ngoài ra, anh còn tốt nghiệp chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện của trường Arena Multimedia TP.HCM (năm 2018-2021).
Năm 2013, Đặng Khuyết chính thức trở thành diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp khi vào làm việc tại HTV3. Anh cho bản thân 2 năm phấn đấu, nếu vẫn không thể sống với nghề này sẽ quay về công việc cũ.
Năm 2015, Đặng Khuyết nhận vai chính đầu tiên là Satoshi - nhân vật chính trong chuỗi phim hoạt hình nổi tiếng Pokémon. Đây là lúc diễn viên quyết tâm "sống chết" theo nghề.
Cú sốc hỏng giọng
Từ công việc kiếm gần 1.000 USD, Đặng Khuyết nhận lương tháng tại HTV3 chỉ hơn... 5 triệu đồng. Anh nỗ lực "cày" tất cả công việc có thể nhận bên ngoài để cải thiện thu nhập.
"Tôi nhận lồng tiếng phim, đọc quảng cáo, radio, thu TVC... Tổng thu nhập không thấp nhiều so với thời làm kỹ sư, bán thiết bị. Dĩ nhiên, việc 'cày' từ sáng tới tối đều đặn mỗi ngày rất mệt nhưng giá trị của công việc lấp đầy tinh thần tôi", anh nói.
Đặng Khuyết ngày càng thăng tiến trong công việc. Anh tin mình được trời phú giọng nói phù hợp lồng tiếng vai trẻ em, "casting đâu đậu đó" trong khi casting phim truyền hình trầy trật hơn.
Ngoài vai Satoshi (phim Pokémon), 8X đảm nhiệm thêm các vai chính hoạt hình như Nobita (phim Doraemon), Shin (phim Shin - Cậu bé bút chì), Conan (phim Thám tử lừng danh Conan)... "Lồng tiếng 3 vai này thôi, xem như tôi la hét đủ 1 ngày", anh hóm hỉnh.
Đặng Khuyết lồng tiếng cho nhân vật Nobita trong phim "Doraemon"
Đặng Khuyết lồng tiếng cho nhân vật Shin trong phim "Shin - Cậu bé bút chì"
Bên cạnh phim hoạt hình, Đặng Khuyết cũng từng lồng tiếng cho Kim Bum, Bi Rain, Choi Si Won... - kiểu vai mỹ nam hài hước trong các phim truyền hình Hàn Quốc.
Diễn viên tự nhận xét mình: "Tôi là tay ngang theo nghề nên phải học mọi thứ từ tư duy, cảm nhận, diễn xuất... Giọng tôi chỉ hợp những vai nói tông cao hoặc trung, tông trầm không tốt".
Có lần lồng tiếng vai cụ ông, Đặng Khuyết bị đồng nghiệp nói "giọng như nhát ma". Đến khi khám phá, khai thác được mảng nhân vật hoạt hình, anh mới tự tin vào năng lực của mình.
Ba năm làm việc cật lực với cường độ cao, khoảng cuối năm 2017, Đặng Khuyết phát hiện giọng mình bị hư hại. Cụ thể, anh bị cạn hơi, giọng nghẹt và mất kiểm soát. Anh không thể điều khiển giọng nói của mình như trước.
"Khi lồng tiếng, tôi liên tục rớt thoại, những thoại căn bản nhất đều không đạt, âm thanh như thể bị gãy bên trong. Lúc đó, tôi suy nghĩ rất tiêu cực. Nhiều lần, tôi ngồi trong phòng thu bất lực, nước mắt chực trào ra", anh kể.
Sau khi phát hiện chuyện hư giọng, Đặng Khuyết bỏ toàn bộ công việc bên ngoài, chỉ làm việc 8 tiếng/ngày ở HTV3. Anh dành thời gian nuôi dưỡng lại giọng nói.
Mất khoản thu nhập lớn, diễn viên yêu cầu công ty tăng lương. Nhờ năng suất làm việc thuộc top đầu công ty, anh được tăng lương tổng cộng 3 lần chỉ trong vòng 1 năm rưỡi.
Năm 2018, Đặng Khuyết và bạn bè mở công ty riêng chuyên lồng tiếng phim hậu kỳ. Sau này, công ty phát triển thêm hoạt động đào tạo, cải thiện giọng nói. Từ đó, 8X có thêm vai trò mới là huấn luyện viên giọng nói.
Giữ văn hóa, tâm hồn trong sáng cho thiếu nhi
Năm 2019, Đặng Khuyết chính thức nghỉ việc tại HTV3 sau thời gian dài gắn bó. Dù vậy, anh vẫn cộng tác với nơi cũ, tiếp tục lồng tiếng các vai mình từng đảm nhận vì tình yêu lớn dành cho nghề và các nhân vật hoạt hình.
Sự kiện hư giọng khiến anh nhận ra mình không thể sống mãi với giọng nói trời cho. Kế đến, diễn viên hoàn toàn có thể bị thay thế bởi những người trẻ hơn như anh từng thay thế vị trí các đàn anh, đàn chị trước đây.
Bên cạnh đó, theo Đặng Khuyết, chi phí trả cho công việc lồng tiếng trong thị trường hiện tại quá thấp. Một diễn viên lồng tiếng trẻ cần cù, chăm chỉ có thể sống được với nghề nhưng khó dư dả, càng không giàu có.
Theo Đặng Khuyết, một diễn viên lồng tiếng như anh có thể lồng tiếng tối đa 10 tập phim truyền hình - hoạt hình/ngày, được trả khoảng 2 - 3 triệu đồng - con số tương đương một giờ đi huấn luyện giọng nói ở thời điểm hiện tại.
"Điều tôi nhấn mạnh không hẳn về tiền mà là chi phí được trả không tương xứng với công sức mình bỏ ra, khiến tôi thấy giá trị của bản thân bị kéo thấp", Đặng Khuyết cho hay.
Vì thế, anh dần không tha thiết công việc lồng tiếng nữa dù vẫn yêu nghề. Mặt khác, vai trò mới giúp 8X có thu nhập ổn định, thêm trải nghiệm mới.
Theo diễn viên, khi làm HLV giọng nói, anh gặp nhiều người, doanh nghiệp làm ở những lĩnh vực khác nhau, từ đó mối quan hệ xã hội ngày càng mở rộng.
Đặng Khuyết nói: "Tôi thấy bản thân phát triển hơn, vị thế cũng khác so với thời chỉ làm diễn viên lồng tiếng. Nhiều người lớn tuổi gọi "thầy" khiến tôi hơi ngại nhưng cũng rất hạnh phúc".
Dù vậy, 8X chưa từng nghĩ sẽ dừng làm diễn viên lồng tiếng. Ở tuổi 35, trong một thị trường bão hòa, Đặng Khuyết không ôm giấc mơ chinh phục một đỉnh cao nào trong nghề nữa nhưng vẫn muốn sống với đam mê.
Anh ý thức rõ công việc mình đang làm có ý nghĩa thế nào đối với những khán giả không giỏi ngoại ngữ, khán giả cao tuổi... đặc biệt là trẻ em.
Quan trọng hơn, Đặng Khuyết muốn giữ gìn văn hóa và tâm hồn trong sáng của các thế hệ em nhỏ ở Việt Nam qua các nhân vật hoạt hình mình đảm nhận.
Trên mạng xã hội, không ít người trẻ dùng video lồng tiếng hài hước để quảng bá bản thân, đôi khi sa đà vào thô tục, phản cảm.
Theo Đặng Khuyết, các sản phẩm lồng tiếng không chỉ khiến người xem học theo câu từ, mảng miếng mà cả thái độ, giọng điệu... của người lồng tiếng. Điều này rất ảnh hưởng đối tượng người xem là trẻ em.
Nhiều câu thoại gốc có từ "Chết tiệt", "Khốn kiếp"..., anh đều loại bỏ. Một số câu thoại nhân vật trẻ em nói cụt với người lớn được anh sửa lại thành câu hoàn chỉnh.
Đặng Khuyết nói: "Tôi chỉ giữ đúng mức cảm xúc với bản gốc, chấp nhận bị chê là "bản tiếng Việt nhạt nhẽo, không vui" để các em nhỏ không nghe rồi học theo".
"Một em nhỏ có thể xem hàng chục lần một tập phim hoạt hình. Tôi cẩn trọng đến từng từ mình nói ra vì có thể ảnh hưởng một thế hệ trẻ em", diễn viên cho hay.
Đón đọc bài 4: ‘Quái kiệt lồng tiếng’ Bá Nghị: Lận đận vì mưu sinh, tuổi 61 mới yên ổn