Dự đoán trên vừa được ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Bkav, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC) đưa ra tại buổi gặp gỡ thường niên 2021 của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA.

Thúc đẩy mở rộng thị trường chữ ký số cá nhân

Theo ông Ngô Tuấn Anh, hiện nay chữ ký số đang được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực công cộng, được các doanh nghiệp sử dụng trong khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…Trong khi đó, các ứng dụng cho người sử dụng cá nhân rất ít.

Thống kê cho thấy, với khoảng hơn 1,6 chứng thư số công cộng đang hoạt động, trong khi 100% doanh nghiệp đã sử dụng thì số lượng chứng thư số cá nhân vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thị trường cung cấp dịch vụ chữ ký số cho tổ chức, doanh nghiệp đến nay đã cơ bản bão hòa.

“Với định hướng chủ trương phát triển về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, nhu cầu liên quan đến chữ ký số cho cá nhân là nhu cầu rất bức thiết”, ông Ngô Tuấn Anh nhận định.

{keywords}
Với ưu điểm là tính lưu động cao và thuận tiện cho người ký, ký số từ xa được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng thị trường chữ ký số cho cá nhân (Ảnh mô hình ký số từ xa)

Bộ TT&TT cuối năm 2019 đã ban hành Thông tư 16 quy định danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa. Việc này được đánh giá là một dấu mốc quan trọng để các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) tại Việt Nam triển khai các giải pháp ký số khác nhau giúp mở rộng thị trường và ứng dụng chữ ký số, đặc biệt là cho đối tượng thuê bao cá nhân.

Quy định tại Thông tư 16 mở ra việc triển khai ký số di động (Mobile PKI) và ký số từ xa (Remote Signing), theo đại diện VCDC, sẽ tạo ra thị trường rất lớn. “Theo tính toán của chúng tôi, dự kiến quy mô thị trường chữ ký số sẽ tăng lên khoảng 5 lần, tương ứng với 500% trong vòng 2 năm tới, khi chúng ta triển khai chính thức dịch vụ ký số từ xa”, đại diện VCDC dự báo.

Dịch vụ ký số từ xa sẽ được cung cấp trong quý II

Để triển khai dịch vụ ký số từ xa, thời gian vừa qua, với sự phối hợp của đơn vị quản lý trực tiếp là Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia thuộc Bộ TT&TT, Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam đã phối hợp để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về kỹ thuật đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ ký số từ xa. Dự kiến, trong tháng 5/2021 bộ tiêu chí này sẽ ban hành. Với tiến độ đó, trong quý II/2021 dịch vụ ký số từ xa sẽ có thể được triển khai chính thức.

Đại diện VCDC cũng bày tỏ mong muốn, trong giai đoạn nước rút sắp tới, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ TT&TT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số để sớm có thể cung cấp dịch vụ ký số từ xa ra thị trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc triển khai dịch vụ chữ ký số từ xa sẽ là nền tảng để chúng ta thúc đẩy các dịch vụ chính phủ điện tử, chuyển đổi số và đặc biệt là các ứng dụng chữ ký số cho cá nhân.

Song song với việc phối hợp xây dựng các văn bản quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực chữ ký số, thời gian qua VCDC cũng đã sẵn sàng hệ thống để cung cấp dịch vụ ký số từ xa, sau khi bộ tiêu chí kỹ thuật được ban hành.

Trước đó, vào đầu tháng 11/2020, VCDC đã ký kết hợp tác với Công ty HPID và Công ty HPSI - 2 đơn vị đại diện của các hãng phần cứng bảo mật lớn trên thế giới để cùng phát triển giải pháp ký số di động Make in Vietnam.

Nhắm tới đối tượng người dùng cá nhân, giải pháp hợp tác 3 bên này được kỳ vọng góp phần đẩy nhanh hơn quá trình triển khai chữ ký số cá nhân với giá thành hợp lý, giúp việc áp dụng chữ ký số cho các cá nhân, hộ kinh doanh tại Việt Nam được khả thi và sớm đưa vào thực tế.

Cũng nằm trong nhóm hoạt động để thúc đẩy mở rộng thị trường chữ ký số cá nhân tại Việt Nam, trong năm 2020 và quý I/2021, VCDC đã phát triển và giới thiệu giải pháp ký số từ xa Make in Vietnam; góp ý vào Nghị định quy định sử dụng hóa đơn điện tử bắt buộc áp dụng chữ ký số; tổ chức khóa đào tạo định hướng xây dựng dịch vụ Remote Signing cho lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật các đơn vị thành viên Câu lạc bộ; thành lập đội kỹ thuật TECH.CORE để nghiên cứu và giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan đến Remote Signing… 

Là tổ chức chuyên môn trực thuộc VNISA, Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam được ra đời từ năm 2017 với mục đích xây dựng và phát triển thị trường lành mạnh, bền vững phục vụ cho cung cấp chữ ký số cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng trong lĩnh vực giao dịch điện tử, góp phần đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho các giao dịch điện tử.

Đến nay, Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam đã có 15 thành viên là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chữ ký số và chứng thực điện tử, chiếm khoảng 90% thị phần chữ ký số công cộng cũng như hơn 90% thị phần hóa đơn điện tử tại Việt Nam.

M.T

Chữ ký số: Bước khởi đầu cần thiết cho các cơ quan, doanh nghiệp chuyển đổi số

Chữ ký số: Bước khởi đầu cần thiết cho các cơ quan, doanh nghiệp chuyển đổi số

Trên cơ sở phân tích những lợi ích của chữ ký số, đại diện NEAC kiến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bước đầu chuyển đổi số bằng cách áp dụng chữ ký số trong quy trình nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ điện tử cho khách hàng.