Tôi chưa bao giờ được chơi với anh Phú Quang nhưng lần nào anh sang Đức lưu diễn tôi cũng gặp. Phần vì tôi ngưỡng mộ những ca khúc của anh, nhất là những ca khúc về Hà Nội, phần vì tôi là bạn của Hùng "râu" - người chơi thân với anh Phú Quang cũng là người tổ chức những show diễn cho nhạc sĩ ở Đức và châu Âu.
Tác giả và nhạc sĩ Phú Quang tại Berlin, Đức |
Có một đêm diễn ở Viethaus (Ngôi nhà Việt ở Thủ đô Berlin) ngẫu hứng, nhạc sĩ Phú Quang đã đệm piano cho tôi hát trên sân khấu ca khúc nổi tiếng của mình “Em ơi, Hà Nội phố”.
Một người nửa nốt nhạc bẻ đôi không biết, hát trong tiếng dương cầm của một nhạc sĩ nổi tiếng, chẳng cần nói, chắc ai cũng biết tôi ngại ngùng nhưng cũng xúc động đến ngần nào. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi với anh.
Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Yên Phụ, Hà Nội. Một con phố nhỏ rợp bóng bàng, phía trước là mặt Hồ Tây, sau lưng là nước sông Hồng. Nhạc sĩ Phú Quang sau này về cư ngụ mạn đê Nghi Tàm, Quảng Bá mà anh tếu táo gọi là đất đế vương.
Một dạo chắc do sửa nhà, anh thuê nơi ở tạm ngay đối diện nhà tôi ở Yên Phụ. Rảnh rỗi anh qua quán nước chè sát nhà tôi trò chuyện thân thiện cùng mọi người vì thế biết mẹ tôi. Anh thân mật gọi mẹ tôi là chị. Nghe anh kể đã nhiều lần sang Berlin diễn, mẹ tôi hào hứng hỏi: "Vậy có khi em biết thằng con chị? Nó tên là Hùng".
Anh Phú Quang nhìn ánh mắt dò hỏi nhưng có pha chút tự hào của người mẹ, dịu dàng bảo: "Em quen với nhiều Hùng ở Berlin lắm, nhưng không biết Hùng con chị là Hùng nào?".
Mẹ tôi lật đật trèo lên gác xép cầm tấm ảnh chụp tôi lồng trong khung kính mang xuống. Anh Phú Quang nheo mắt nhìn rồi reo lên: "Hùng này em biết. Cậu ấy là bạn thân của Hùng râu chơi thân với em".
Ánh mắt mẹ tôi khi đó chắc ánh lên niềm vui. Anh Phú Quang còn kể gì về tôi nữa, tôi không rõ, nhưng sau đó mẹ gọi cho tôi giọng vẫn hào hứng: "Anh Phú Quang bảo biết con đấy. Anh ấy khen con hát hay và làm MC cũng duyên".
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đâu cũng thế, ở với nhau thì dễ chành chọe, xích mích. Nhưng với người từ trong nước sang, nhất là với văn nghệ sỹ thì hân hoan, vồ vập. Nhìn thấy người từ nhà sang như nhìn thấy quê hương nên anh Phú Quang sang đây bao giờ cũng được anh em, bạn bè và bà con yêu thương, trọng vọng.
Ngoài những lúc biểu diễn anh còn cùng mọi người ăn uống, tụ tập, chẳng ngồi nhà thì ra quán, chẳng ngày nào không. Ở cuộc vui nào cũng vậy, sau cùng cũng là để nghe anh đàn, hát, tâm tình.
Nhạc sĩ Phú Quang không phải là người có giọng hát đẹp, trầm ấm. Nhưng anh hát những ca khúc của mình với giọng tự sự cùng bao nỗi niềm của người sáng tác. Những nỗi niềm của anh chạm vào nỗi niềm của những người nghe xa quê nên buổi gặp mặt nào cũng bổi hổi, bồi hồi. Tiếng hát của anh khiến người nghe thêm thương hơn phận người long đong và một Hà Nội gần gũi hơn tràn vào trong nỗi nhớ.
Anh Phú Quang sang Berlin diễn đâu 4-5 lần nhưng không phải lần nào biểu diễn cũng thành công. Nhạc anh không phải nhạc giải trí nên kén người nghe, kén cả người hát.
Lần gần nhất anh sang là dịp hè năm 2017 trong chương trình “Mãi tình yêu mùa hè”. Lần đó nhìn anh đã không còn khỏe như đôi ba năm trước. Giọng anh buồn buồn nói: "Có lẽ đây là lần cuối cùng mình sang đây".
Nghe anh nói mọi người đều ngậm ngùi cũng chỉ nghĩ rằng do tuổi tác anh sẽ không đi xa diễn nữa. Ai ngờ lần đó đúng là lần cuối cùng những người yêu anh được nhìn thấy anh, nghe anh đàn, anh hát tại Thủ đô Berlin.
Tôi nhớ có một lần anh sang Đức vào dịp tháng 12 này - dịp mà khung cửa sổ mỗi gia đình điều lấp lánh ánh đèn và chợ Weihnachten tưng bừng không khí đón Noel.
Đêm đó sau buổi diễn, anh Phú Quang cùng cả đoàn và mấy anh em đến ngồi chơi ở nhà một người bạn. Trong căn phòng ấm áp mùi nhựa thông tỏa ra từ cây thông cắm giữa nhà, những ngọn nến đỏ được thắp lên làm không gian thêm ấm nồng. Nhìn ra ngoài cửa sổ tuyết vẫn rơi dày, trắng xóa mặt đất, trắng xóa những hàng cây, piano tấu lên những âm thanh thánh thót và tiếng hát cũng cất lên tha thiết trong nhạc phẩm “Ngọn nến” của anh.
Chưa bao giờ tôi nghe bài này được hát hay đến thế. Hôm đó cũng là lần đầu tiên tôi được nghe anh kể về xuất xứ của bài hát này. Cái ngày anh lâm bệnh nặng và nghĩ mình phải ra đi, nhìn ngọn nến lặng lẽ cháy, lặng lẽ trút đi từng giọt nến như từng khoảnh khắc của sự sống, anh đã sáng tác ca khúc này.
Phải dối diện với cái chết đã báo trước khi mình còn tỉnh táo và tha thiết sống là điều khó nhất của con người trong cuộc đời. Nhưng ở cái khoảnh khắc hiếm hoi và nghiệt ngã đó con người nghệ sỹ trong anh vẫn cháy hết mình để một ca khúc khắc khoải về tình yêu cuộc sống ra đời.
“Khi từng giọt nến lặng lẽ rớt vào đêm xa
Em có thấy thời gian đang qua đi vội vã
Khi từng giọt nến lặng lẽ rớt vào đêm sâu
Ta chợt nghe mùa thu trắng trên đầu”.
Cứ tưởng một người đã vượt qua làn ranh của sự sống và cái chết một cách ngoạn mục như anh sẽ trường thọ hơn người bình thường. Nào ngờ ngọn nến Phú Quang đã trút nốt giọt cuối cùng vào sáng 8/12 rồi lịm tắt khi anh mới 72 tuổi.
Ngọn nến của sự sống trong anh đã tắt nhưng ngọn nến lung linh của nhạc Phú Quang sẽ mãi cháy trong tim những người ngưỡng mộ anh, nhất là những người yêu Hà Nội.
(Vài dòng kỷ niệm là nén tâm nhang từ xa tưởng nhớ anh).
Hùng Lý (từ Berlin, Đức)
Phú Quang trong hoài niệm của thế hệ 7X
Nhạc sỹ Phú Quang là tác giả có những sáng tác đậm chất Hà Nội, đẹp, trữ tình và lắng đọng cảm xúc. Sự ra đi của ông để lại nỗi hoài niệm, tiếc nuối cho nhiều người, đặc biệt là thế hệ 7X, 8X.