Ngày 17/9/2013, Học viện Công nghệ Bưu chính
Viễn thông đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 thành lập trường Bưu điện, đơn vị
tiền thân của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ngày nay.
Buổi lễ có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc
Son; nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá; nguyên Tổng Cục
trưởng Tổng cục Bưu điện Nguyễn Huy Luận; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn
VNPT Phạm Long Trận cùng các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, nghiên cứu viên,
học sinh, sinh viên của trường Bưu điện qua các thời kỳ.
"Nôi" đào tạo cán bộ bưu chính viễn thông
Ông Hoàng Minh - Giám đốc Học viện chia sẻ 60 năm đã trôi qua kể từ khi mái
trường Bưu điện Vô tuyến đầu tiên được thành lập ngày 7/9/1953 tại xã Cao Vân,
huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, trải qua nhiều lần đổi tên
và nay là Học viện
Công nghệ BCVT, mặc dù quy mô và cấp độ đào tạo có thay đổi cho phù hợp với yêu
cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, song mái trường này vẫn là cái nôi đào tạo
cán bộ lớn nhất trong cả nước về bưu chính viễn thông.
|
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, suốt 60 năm
qua, trường Bưu điện trước đây và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ngày
nay đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật nghiệp vụ quản lý tương
đối đồng bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của mạng lưới thông tin Bưu điện.
|
|
Các cán bộ, kỹ sư của trường đều được trang bị đầy đủ kiến thức cả về lý thuyết
lẫn thực hành nên chỉ sau thời gian ngắn ra công tác đã có thể phát huy được khả
năng độc lập sáng tạo, giải quyết được các vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ và hoàn
thành các nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển vượt bậc của ngành Bưu
điện Việt Nam trong các thời kỳ vừa qua.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, Học viện cần bám sát chiến lược
phát triển đào tạo đến năm 2020, Quy hoạch nguồn nhân lực CNTT-TT Việt Nam đến
năm 2020 để tiếp tục đổi mới, phát triển theo hướng hội nhập, đạt trình độ khu
vực và quốc tế.
Mục tiêu trường trọng điểm quốc gia về CNTT
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã gặp gỡ động
viên các học viên, sinh viên Lào đang học tập tại Học viện theo chương trình học
bổng của Bộ TT&TT hỗ trợ đào tạo cán bộ cho Bộ Bưu chính Viễn thông Lào trong
giai đoạn 5 năm từ (2012 - 2016).
|
|
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các học viên, sinh viên Lào sẽ cố gắng hơn nữa trong rèn luyện, học tập và nghiên cứu khoa học để đạt kết quả học tập tốt nhất, để sau khi trở về nước sẽ dùng kiến thức học tập tại Học viện góp phần phát triển lĩnh vực thông tin, truyền thông của đất nước Lào. Bộ trưởng đã tặng quà học viên, sinh viên Lào và 2 tân thủ khoa của Học viện.
Tiếp đó Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã thăm quan triển lãm sản phẩm điện tử của sinh viên Học viện. Tại triển Lãm, Bộ trưởng đã nghe giới thiệu về các sản phẩm tiêu biểu Quad Helicopter (dạng máy bay lên thẳng có khả năng bay cao 200m, chở 3kg và điều kiển từ mặt đất), các loại robot như: robot cân bằng (Balancing Robot), robot dò đường mê cung, dò đường ma trận, Camera Robot, Omni Robot (di chuyển thông minh theo các hướng), cáy tay robot, cửa bảo mật, các bộ Kit hỗ trợ học tập nghiên cứu chế tạo sản phẩm điện tử thông minh trong mạng lưới viễn thông (Kit Arduino + Kit Arm + Ngoại vi)...
|
|
Triển lãm sản phẩm điện từ của sinh viên Học viện lần thứ nhất này được phát triển dựa trên những công đề tài, công trình nghiên cứu của thày, trò khoa điện tử, công nghệ thông tin trong thời gian qua. Đây là một hoạt động có ý nghĩa khuyến kích sự sáng tạo khoa học của sinh viên và quan trọng hơn là tạo ra môi trường, điều kiện thúc đẩy và đưa các sản phẩm sáng tạo khoa học của sinh viên Học viện đi vào đời sống, nghiên cứu phát triển, phục vụ đời sống.
Trong thời gian tới , mô hình tổ chức của Học viện sẽ có sự thay đổi cùng với quá trình tái cơ cấu Tập đoàn VNPT. Đây là cơ hội để Học viện tiếp tục đổi mới và phát triển, tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chuyển giao công nghệ theo yêu cầu của xã hội và hoạt động khoa học công nghệ để thực sự trở thành một hạt nhân, đòn bẩy cho hoạt động giáo dục đào tạo. Trên cơ sở đó, phấn đấu xây dựng Học viện trở thành một trường trọng điểm quốc gia về CNTT.
Thúy Ngà