Khi quyết định sống chung với người chồng có xu hướng bạo hành, người vợ cần phải trang bị cho mình các kỹ năng ứng phó khi bạo lực xảy ra để tránh thiệt thân.
Vụ việc Thanh tra Kho bạc Hải Dương hành hung vợ gẫy 13 xương sườn, vỡ tim, rách phổi đến chết một lần nữa cho thấy bạo lực gia đình đã và đang đe dọa nghiêm trọng tính mạng của phụ nữ. Càng đáng lo ngại hơn khi số liệu từ Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ Việt Nam cho thấy, có tới 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình trong suốt cuộc đời họ, 87% đã không tìm kiếm sự trợ giúp từ phía cộng đồng. Con số đáng “giật mình” hơn đó là cứ 2 -3 ngày lại có một người tại Việt Nam bị giết có liên quan đến bạo lực gia đình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Nguy hiểm luôn rình rập phụ nữ từ trong chính gia đình của mình. Nếu không đủ bản lĩnh để “dứt áo ra đi” với người chồng bạo lực, người vợ cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để “tự cứu mình” khi bạo lực xảy ra.
Chuẩn bị kế hoạch thoát thân
Sống với người chồng có xu hướng bạo hành, người phụ nữ cần tỉnh táo và dũng cảm để tự bảo vệ mình.
Khi có xung đột xảy ra, có dấu hiệu bạo lực sẽ tới, người phụ nữ nên khéo léo rút lui, rời khỏi các vị trí nhiều nguy cơ như nhà tắm, bếp, buồng không có cửa thoát… Tránh các chỗ không người, khó nghe tiếng kêu cứu của bạn.
Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng, người gây bạo lực quá mất bình tĩnh, nóng giận đến mức nguy hiểm, có thể tạm nghe lời để anh ta bình tĩnh trở lại. Vấn đề cần thiết lúc này là sự an toàn của chính mình và con cái (nếu có). Và ngay lập tức tìm cách thoát thân chứ đừng nên đôi co, chống trả lại
Cần chuẩn bị sẵn kế hoạch (nếu có thể thì tập dượt trước) cách thoát thân an toàn bất cứ lúc nào nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Phải giữ bí mật kế hoạch này không để cho kẻ gây bạo lực biết. Nếu có thể bạn nên học một vài thế võ phòng thân.
Chuẩn bị sẵn địa chỉ an toàn
Sống với một kẻ bạo lực, bạn nên chuẩn bị sẵn các số điện thoại cần thiết như công an, hội phụ nữ, người thân, bạn bè…để khi có bạo lực xảy ra có thể kêu cứu. Nếu có hàng xóm gần và thân thiết, bạn nên nhờ trước họ để họ kịp thời can thiệp hoặc báo công an khi có tiếng động nghi ngờ từ nhà mình.
Chuẩn bị sẵn địa chỉ an toàn có thể đến bất cứ khi nào (gia đình, người thân, bạn bè, nhà tạm lánh,…). Đây phải là nơi sẵn sàng bảo vệ và che chở bạn (nhiều trường hợp khi bị chồng đánh chạy về nhà bố mẹ đẻ nhưng thường bị cha mẹ dẫn về trả lại vì quan niệm gái đã có chồng thì thuộc về nhà chồng, có lỗi thì phải được chồng và nhà chồng dạy bảo – nếu cha mẹ bạn có quan niệm này thì nên gạch khỏi danh sách địa chỉ an toàn). Bạn cũng cần giữ bí mật với kẻ gây bạo lực các địa chỉ an toàn này để tránh hắn chạy theo địa điểm đó tiếp tục gây gổ.
Chuẩn bị sẵn tiền mặt
Bạn nên chuẩn bị sẵn tiền mặt/tài khoản bí mật để chủ động khi chạy khỏi nhà. Bạn cũng có thể chuẩn bị một túi đồ gồm quần áo, vật dụng cần thiết của mẹ và con giấu gần cửa ra vào hoặc gửi người quen để có thể rời khỏi nhà nhanh nhất.
Phản kháng ngay từ đầu
Khi bị bạo hành, nạn nhân phải tự mình phản kháng trước khi trông chờ người khác giúp đỡ mình. Nên phản kháng ngay từ đầu khi mức độ bạo hành còn nhẹ chứ không để đến lúc mức độ bạo hành đã trở nên nghiêm trọng. Quy luật của bạo hành giống như vòng tròn xoáy trôn ốc: Bạo hành - xin lỗi - tử tế - rồi lại bạo hành - xin lỗi - tử tế - bạo hành… Càng về sau, vòng tròn càng to dần, tương ứng với mức độ bạo hành ngày càng nặng.
Phản kháng không phải là bạn đọ sức với người bạo hành ở thời điểm đó. Mà phản kháng có nghĩa là bạn tỏ thái độ dứt khoát, kiên quyết để đảm bảo hành động bạo hành đó không lặp lại. Ví dụ như ngay từ lần bị đánh đầu tiên, có thể chỉ là một cái tát nhưng bạn cũng nên hô to để hàng xóm biết, gọi công an đến làm việc… Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến bạo hành tiếp diễn là do người phụ nữ cam chịu bởi tâm lý lo sợ, xấu hổ, e ngại nên không trình báo chính quyền, công an địa phương.
K. Minh (tổng hợp)