Năm 2023, vụ bé trai 7 tuổi ở Long Biên (Hà Nội) thoát khỏi vụ bắt cóc được xem như một ví dụ thực tiễn về lợi ích của việc dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ.

Cụ thể, sau khi bị bắt cóc, bé trai không ăn bánh mì do đối tượng Nguyễn Đức Trung mua do nghi ngờ thức ăn đã bị tẩm độc. 

Tuy không ăn bánh mì nhưng bé trai lại xin uống nước. Khi được hỏi lý do tại sao, nạn nhân hồn nhiên chia sẻ: “Con thấy chú ấy uống được thì mình cũng uống được”.

Lúc bị nhốt trên xe, miệng dán băng dính, bé trai rất sợ hãi nhưng không khóc, chỉ ngồi im để kẻ bắt cóc không kích động, bực tức.

Bố mẹ của bé trai cho biết, từ khi con biết nói, bố mẹ đã dạy con nhớ số điện thoại, gặp người lạ phải đề phòng. 

W-anh-6-bat-coc-tre-em-1.jpg
Phụ huynh cần quan tâm và hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm cho trẻ khi bị bắt cóc. 

Từ vụ án trên, TS Đặng Văn Cường, UVBCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khuyến cáo, trường học, các cơ sở giáo dục đào tạo, phụ huynh cần tăng cường những chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ năng sinh tồn cho trẻ em trong các tình huống nguy hiểm.

Mỗi tình huống cụ thể sẽ có cách ứng xử phù hợp với từng cháu bé, ở từng độ tuổi và nhận thức khác nhau. 

Với tình huống bị bắt cóc, trẻ em không đủ sức chống trả và kẻ phạm tội thường mang hung khí nên mọi hành vi phản kháng của trẻ đều vô ích.

“Trong suốt quá trình thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng phải khống chế nạn nhân để không bị phát hiện và đe dọa cưỡng đoạt tài sản. Nếu trẻ cố gắng giữ bình tĩnh, nghe theo yêu cầu của đối tượng bắt cóc thì sẽ được đảm bảo an toàn hơn. 

Trường hợp nạn nhân quấy khóc, phản kháng dẫn đến khó khăn trong việc khống chế thì rất có thể đối tượng sẽ sát hại trẻ rồi tẩu thoát.

Quá trình thương lượng với gia đình của nạn nhân, đối tượng có thể bị cảm xúc chi phối, manh động, mất bình tĩnh... 

Bởi vậy, kỹ năng cần thiết của trẻ là phải bình tĩnh, không nên tỏ ra sợ hãi hoặc ngoan ngoãn nghe theo lời của đối tượng, chờ sơ hở để chạy trốn hoặc duy trì thời gian an toàn chờ người giải cứu”, TS Đặng Văn Cường phân tích.

Bên cạnh đó, TS Đặng Văn Cường lưu ý, phụ huynh có thể tự trang bị cho con kỹ năng thoát hiểm khi kẻ bắt cóc tiếp cận, ra tay.

Khi bị bắt cóc, trẻ cần giãy đạp thật mạnh, hô to gây chú ý. Nếu thoát khỏi kẻ bắt cóc thì phải chạy ngay đến chỗ đông người.

Nếu không thể thoát khỏi đối tượng, trẻ có thể vứt lại vật dụng cá nhân như: khăn, túi, giày… để gia đình và công an lần theo.

Trẻ cần bình tĩnh nhìn kỹ khuôn mặt, dáng người, quần áo, biển số xe của kẻ bắt cóc. 

“Phụ huynh cần nhắc nhở trẻ không nhận quà bánh, không mở cửa cho người lạ. Đặc biệt, trẻ tuyệt đối không công khai thông tin cá nhân, địa chỉ nhà, hình ảnh cá nhân… trên không gian mạng. Đó là mối nguy hại tiềm ẩn mà tội phạm dễ dàng theo dõi và tiếp cận trẻ”, TS Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Văn Quý và nhóm PV, BTV