Buổi đối thoại về hướng nghiệp dựa vào kỹ năng trong thời kỳ mới diễn ra chiều ngày 5/10 với sự tham gia của đại diện nhiều doanh nghiệp. |
Chia sẻ tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khẳng định, những đòi hỏi trong thực tế thời gian qua đã chứng minh một điều: Mọi thứ đều thay đổi nhưng việc làm đối diện với sự thay đổi nhiều nhất.
“Sự thay đổi này xuất phát từ tính chất của thị trường lao động. Những việc làm cũ nhưng đòi hỏi các kỹ năng mới, liên tục đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải đào tạo lại”.
Với nền tảng yêu cầu như thế, một loạt văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cho công tác ngành giáo dục nghề nghiệp đã được đưa ra, trong đó yêu cầu sự gắn kết giữa 3 nhà: nhà trường, nhà nước và nhà doanh nghiệp. Bà Hương cho rằng sự phối kết hợp này là vô cùng quan trọng.
Trên thực tế, xác định được tầm quan trọng của việc này, trong nhiều năm qua, tất cả các chương trình của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đều được kết hợp đào tạo với doanh nghiệp. “Tuy nhiên, tuỳ từng ngành nghề sẽ có thời lượng và sự kết hợp phù hợp nhất, ví dụ như ngành Công nghệ ô tô, Cơ khí, Điện, các em có thời gian thực tập và làm việc ở doanh nghiệp dài hơn các ngành về công nghệ” – bà Phạm Thị Hường, hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Bà Hường cũng khẳng định, cơ hội việc làm hiện nay cho các học viên học nghề là rất lớn. “Chỉ cần các em học tập thật tốt, đến năm thứ 3, các nhà tuyển dụng sẽ đến tận trường tìm kiếm các em”.
Nhiều doanh nghiệp đang đặt mục tiêu vươn ra toàn cầu, vì thế cần đội ngũ lao động có các kỹ năng toàn cầu hoá. |
Đồng tình với định hướng trên, ông Nguyễn Văn Hưởng – đại diện Công ty cổ phần ô tô Hyundai Đông Nam – cho biết, doanh nghiệp này đã liên kết và sử dụng lao động từ nhà trường trong vài năm gần đây. “Và doanh nghiệp hiểu rằng sự liên kết này rất quan trọng. Nhu cầu tuyển dụng của công ty lớn, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu”.
“Tôi cũng từng là một người trẻ, từng cầm hồ sơ đi xin việc và hiểu được những khó khăn về việc thiếu kinh nghiệm khi mới ra trường. Chính vì thế, mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giải quyết được vấn đề này. Doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên tiếp cận thực hành khi đi đào tạo, đồng thời cử kỹ sư hướng dẫn các bạn, cập nhật các xu hướng mới cho các bạn cũng như đưa ra những nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Về phía nhà trường, doanh nghiệp cũng cung cấp các công cụ, kinh phí hỗ trợ nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng” – ông Hưởng cho hay.
Trả lời câu hỏi của một sinh viên về chế độ và quyền lợi khi theo học hệ liên kết với doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast cho biết, hiện chương trình liên kết giữa trường Công nghệ Hà Nội và doanh nghiệp này có 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, học viên phải học tập 15 tháng tại trường và yêu cầu là học viện phải vượt qua tất cả học phần. Nếu học viên vượt qua bài thi đánh giá kỹ năng, năng lực, sẽ được theo học giai đoạn 2 – học tại VinFast 15 tháng và doanh nghiệp không thu bất cứ khoản phí nào của học viên. Hết thời gian này, học viên sẽ được đánh giá xem có đủ điều kiện làm việc chính thức ở doanh nghiệp hay không.
Trả lời câu hỏi của sinh viên về những tố chất mà doanh nghiệp cần ở người lao động, một đại diện khác của doanh nghiệp này cho biết: “Chúng tôi cần người lao động có lòng yêu nước, kỷ luật và văn minh. Yêu nước ở đây nghĩa là khát vọng, mong muốn đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp, cho những giá trị mà tập đoàn đang hướng tới. Tựu chung lại là chúng ta muốn làm gì để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt. Đó là một mong muốn mà cả tập đoàn chúng tôi đang hướng tới”.
“Sau khi đã có đủ 3 tố chất ấy rồi, các bạn phải là người thích ứng với những nguyên tắc quản trị của tập đoàn: đơn giản nhưng tốc độ, hiêu quả, mang tính hệ thống cao, trong đó tất cả nguồn lực đều được tận dụng, phát huy nhưng không mang lại sự nặng nề, ì trệ cho tổ chức”.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Nội đặt câu hỏi cho doanh nghiệp. |
Cũng bàn về chủ đề những kỹ năng doanh nghiệp cần ở người lao động, đại diện của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho biết, với mục tiêu vươn ra toàn cầu, doanh nghiệp này cần đội ngũ nhân lực đáp ứng được các yêu cầu toàn cầu hoá, cụ thể là kỹ năng nghề và kỹ năng ngoại ngữ. Trước đây, bản thân doanh nghiệp cũng đã từng đưa người lao động ra nước ngoài nhưng không được công nhận. Vì thế, hiện nay tập đoàn đã trang bị một hệ thống e-learning giúp người lao động có thể học mọi lúc mọi nơi, từ chứng chỉ thấp đến cao, đồng thời bổ sung các kiến thức liên quan đến quản lý dự án, xây dựng….
Chia sẻ với hằng trăm sinh viên của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tham gia buổi đối thoại, ông Đỗ Văn Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tâm sự, ông cũng là một người xuất thân từ học nghề. Ông nói, các trường nghề hiện nay được đầu tư rất tốt để các em có thể rèn luyện, lập nghiệp.
“Trong thế kỷ 21, kỹ năng nghề sẽ là tiền tệ quốc tế. Vậy thì việc còn lại chỉ là các em học tập như thế nào, tinh thần và ý chí của các em ra sao. Hãy học tập hăng say từng giờ, từng phút qua các bài giảng của thầy cô. Sau đó là tự học. Muốn làm việc toàn cầu, chúng ta phải học thêm các kỹ năng mềm, học ngoại ngữ, phải có kế hoạch cá nhân. Khi có kiến thức, có kỹ năng cơ bản rồi, các em phải làm nhiều, luyện nhiều thì mới thành kỹ xảo, mới có thể tự độc lập làm những công việc đó. Đừng để thời gian trôi đi lãng phí”.
“Rất nhiều người đã thành đạt thông qua học nghề. Nếu các em tiếp tục học ngành nghề đã chọn một cách sung sức nhất, sáng tạo nhất, nhiệt tình nhất, nhất định các em sẽ thành công”.
Chiều ngày 5/10, Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast đã diễn ra tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.
|
Chọn học nghề, sau 3 năm chàng trai có công việc nhiều người mơ ước
Định hướng học nghề từ khi tuổi còn nhỏ, Thiện luôn nỗ lực để thực hiện được mong muốn. Thời điểm hiện tại, em có một công việc ổn định trong lĩnh vực máy tính mà nhiều người mơ ước.
Linh Chi