300 triệu lọ lộc bình cao 5m chưa bán

Làng nghề Phú Vinh ở xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) nổi tiếng bao đời nay với nhiều sản phẩm mây tre đan độc đáo. Những ống tre, sợi mây, sợi giang, dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, đã trở thành hàng trăm sản phẩm có giá trị cao, được nhiều người ưa chuộng.

Mới đây, anh Nguyễn Phương Quang, một nghệ nhân trong làng, đã đan thành công chiếc lọ lục bình cao tới 5 mét, đường kính đáy lên đến 1,2 mét, nặng 120 kg bằng mây tre đan. Để hoàn thành sản phẩm này, anh phải thực hiện trong vòng 2 năm. Tác phẩm được xác lập kỷ lục là bình hoa sen bằng mây lớn nhất Việt Nam.

{keywords}
Lọ lục bình cao đến 5m, nặng 120kg bằng mây “khủng”, được xác lập kỷ lục cao nhất VN

Anh Quang cho hay, do muốn lưu giữ vẻ đẹp của Hà Nội, anh đã nảy ra ý tưởng đan lọ lục bình với họa tiết là 3 công trình kiến trúc lớn: chùa Một Cột, Khuê Văn Các và Tháp Rùa. Ngoài ra, bình còn được trang trí bằng những nét hoa văn cổ, tạo nét đẹp cổ kính.

Đặc biệt, lọ lục bình được đan theo lối đan tranh ảnh truyền thống của làng nghề. Đây là nghệ thuật đan đỉnh cao và khó nhất, tổng hợp các nghệ thuật đan từ xưa truyền lại, kể cả đan nong mốt, nong đôi,...

“Phải có đam mê, sự kiên trì, bền bỉ với nghề, quan trọng là trí tưởng tượng, óc sáng tạo để tính toán tỷ lệ cho đúng, nhất là với sản phẩm kích thước lớn như lọ lục bình này”, anh Quang nói.

Gắn bó với nghề đan truyền thống từ đời ông cha để lại, anh Quang cho biết, nguyên liệu chính để đan lọ lục bình gồm cây song để định hình khuôn cốt, cây giang, cây mây để đan tạo đường nét trang trí. Phải chọn cây bánh tẻ, vừa đủ tuổi khai thác khoảng 3 năm. Nguyên liệu phải trải qua công đoạn phơi, sấy, quá trình tạo màu cũng hoàn toàn tự nhiên bằng bùn và lá cây.

{keywords}
Họa tiết trên bình là những công trình kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội

Anh cho biết, khuôn để tạo hình tạo dáng cho bình được làm bằng gỗ, sau đó sẽ đan một lớp mây, giang làm cốt. Có cốt rồi bắt đầu chia họa tiết và đan theo mẫu được phác thảo ra giấy. Với nghệ nhân có kinh nghiệm, đòi hỏi phải có con mắt nghệ thuật, kết hợp hài hòa các kĩ thuật đan khác nhau. Mọi chi tiết phải tự căn chỉnh sao cho phù hợp, tạo điểm nhấn và đúng tỷ lệ.

Đây là sản phẩm kỳ công nhất mà anh làm từ trước đến nay. Mọi chi tiết, đường nét đều đảm bảo chính xác theo đúng bản vẽ 3 công trình kiến trúc lớn. Đặc biệt, phần cổ bình có hình con rồng đang bay lên, phải đan làm sao để tạo nét uyển chuyển, trông có hồn đến từng chi tiết.

“Để hoàn thiện, tôi đã sử dụng hết 1.000 ống giang và 800kg mây, là sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu nhất của tôi”, anh Quang tiết lộ. Do muốn lưu giữ sản phẩm tâm huyết trong đời, có nơi trả giá 300 triệu lọ lục bình này nhưng anh không bán.

Thư cổ thời Lý làm 4 tháng mới xong

Bên cạnh lọ lục bình “khủng” của anh Nguyễn Phương Quang phải kể đến cuốn thư cổ thời Lý độc nhất vô nhị đan thủ công bằng mây tre dài 1,8m, cao 80cm của anh Trần Văn Cửu.

{keywords}
Cuốn thư cổ thời Lý đan bằng mây, giang dài 1,8m, cao 80cm được nhiều đại gia tìm mua 

Đây là mong ước của một vị khách khi muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ lúc anh Cửu lên ý tưởng, phác thảo bản vẽ, chuẩn bị nguyên vật liệu đến bắt tay thực hiện mất khoảng 4 tháng. Theo anh, việc đan cuốn thư khó hơn nhiều so với đan vật dụng thông thường bởi phải vận dụng nhiều lối đan cổ truyền khác nhau.

Anh Cửu chia sẻ: “Theo ý gia chủ, trong cuốn thư cổ thời Lý bản gốc, 3 chữ ‘Hải - Minh - Châu’ nghĩa là ‘Ngọc sáng trong biển’ được tôi cải biến, thay bằng ‘Đức - Lưu - Quang’ cho hợp với vùng quê, dòng họ tổ tiên, với ý nghĩa ‘Đức sáng muôn đời’, lưu truyền phúc đức tới con cháu nhiều đời sau”.

Với nguyên liệu bằng mây tre, phải đan thế nào để lái đường nét chi tiết cho đẹp, trông có hồn, không bị khô cứng là khó hơn cả, anh Cửu cho hay. Nó đòi hỏi sự khéo léo, trí tưởng tượng, sáng tạo của người thợ.

Đây là cuốn thư anh tâm đắc nhất, với nhiều chi tiết, hoa văn được cách điệu tạo nên tính thẩm mỹ, độc đáo cho sản phẩm, tỏ lòng thành kính gia tiên, truyền dạy đức tính tốt đẹp cho con cháu. Cuốn thư này được khách đặt từ trước, có giá dao động 55-60 triệu đồng, đi kèm với câu đối để trang trí phòng khách hoặc nơi thờ tự, anh Cửu nói.

P. Thanh