Cho đến thời điểm này, mức thưởng kỷ lục đang thuộc về Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Tuy nhà trường chưa có phương án cụ thể cuối cùng, nhưng một cán bộ cho hay, mức thưởng Tết sẽ cao hơn một chút so với năm ngoái.
Năm ngoái, trường thưởng mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên 1 tháng lương và 20 triệu đồng/người. Người có mức thưởng cao nhất là 80 triệu đồng. Mức trung bình chung là 38 triệu.
Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng thông tin, đã thống nhất một mức thưởng chung. Thưởng Tết được chia đều, giống nhau với tất cả người lao động, từ hiệu trưởng đến lao công, không phân biệt vị trí, công việc bởi hàng tháng, lương của mỗi người đã khác nhau.
Theo đó, mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên, người lao động được thưởng 20 triệu đồng. Ngày đầu tiên quay lại làm việc sau Tết, mỗi người sẽ nhận thêm 2 triệu đồng lì xì. Riêng trưởng phó các đơn vị sẽ được lì xì gấp 5 lần, tức 10 triệu đồng.
Theo ông Hoàn, nhà trường có hơn 700 giảng viên, người lao động, vì vậy quỹ thưởng Tết năm nay ở mức 15 tỷ. Quỹ lì xì đầu năm là 1,6 tỷ. Ngoài ra, trường cũng chi 150 triệu để hỗ trợ cán bộ, giảng viên đã nghỉ hưu.
Còn ông Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM chia sẻ, việc thưởng Tết cần phải bàn bạc tập thể. Hai năm liền trường không tăng học phí, do vậy sẽ phải "liệu cơm gắp mắm" cân đối thu - chi, nhưng thưởng Tết ít nhất cũng duy trì bằng năm ngoái chứ không thấp hơn.
Năm ngoái, mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường ĐH Luật TP.HCM được nhận tiền thưởng gồm 3 khoản. Tất cả người lao động đều được nhận 1 tháng lương theo hệ số và thu nhập tăng thêm (lương tháng 13). Hai khoản còn lại là tiền thưởng dựa vào hiệu suất công việc và kết quả xét thi đua cuối năm.
Với người làm việc tại trường đủ 12 tháng, đủ điều kiện bình xét thi đua, số tiền thưởng cao nhất là 45 triệu đồng, thấp nhất cũng hơn 10 triệu đồng.