Theo thông tin của VietNamNet, VNPAY - công ty Fintech top đầu Việt Nam về giá trị vốn hóa vừa đạt thoả thuận hợp tác chiến lược với Visa, một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về công nghệ thanh toán điện tử. 

Với thỏa thuận này, VNPAY và Visa sẽ hợp tác triển khai nhiều dịch vụ thanh toán số mới tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, các dịch vụ này bao gồm giải pháp chấp nhận thanh toán không tiếp xúc qua điện thoại di động (Tap to Phone), thẻ ảo trả trước, dịch vụ chuyển và nhận tiền...

Trong đó, đáng chú ý nhất là giải pháp thanh toán không tiếp xúc qua điện thoại di động (Tap to Phone). Khi nhà bán lẻ triển khai giải pháp này, bất kỳ một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android nào, đều có thể trở thành một thiết bị chấp nhận thanh toán không tiếp xúc. 

{keywords}
Trong thời gian tới, công nghệ Tap to Phone sẽ giúp biến những chiếc điện thoại Android trở thành điểm chấp nhận thanh toán thẻ thay vì những chiếc máy POS cồng kềnh, tốn nhiều chi phí. Ảnh: Trọng Đạt

Việc biến thiết bị Android thành điểm chấp nhận thanh toán được thực hiện bằng phần mềm và không cần đến sự hỗ trợ của thiết bị phần cứng. Đơn vị sử dụng giải pháp thậm chí không mất bất kỳ khoản phí nào để triển khai thiết bị thanh toán. 

Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Tổng giám đốc VNPAY cho biết, các thiết bị thanh toán hiện nay đều là những thiết bị chuyên dùng. Công nghệ Tap to Phone sẽ giúp các cửa hàng, doanh nghiệp có thể sử dụng chính những chiếc smartphone để chấp nhận thanh toán thẻ của người dùng Visa trong nước cũng như trên toàn cầu. 

Ngoài biến điện thoại thành thiết bị thanh toán thẻ, startup Fintech này sẽ triển khai việc gắn những chiếc thẻ thanh toán vào trong thiết bị di động. Khi cần thanh toán, người dùng chỉ cần mở ứng dụng ví điện tử, chọn nguồn tiền từ thẻ và thanh toán không tiếp xúc. 

Nghiên cứu của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2021 cho thấy, 80% người dùng Việt Nam quan tâm đến việc sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại. Sự xuất hiện của dịch vụ tích hợp thẻ vào điện thoại được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra thói quen thanh toán không tiền mặt cho người dùng. 

{keywords}
Ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Tổng giám đốc VNPAY. Ảnh: Trọng Đạt

Theo vị chuyên gia này, công nghệ biến điện thoại thành thẻ thanh toán và thiết bị chấp nhận thẻ hiện vẫn còn khá mới mẻ. Do áp dụng trên các thiết bị di động, trong tương lai không xa, đây sẽ là một hiện tượng bùng nổ và tiếp cận được với lượng lớn người dùng.

Việc ứng dụng công nghệ Tap to Phone hứa hẹn sẽ giúp thanh toán không tiền mặt được triển khai tới nhiều đối tượng khác nhau, thậm chí cả những doanh nghiệp, cửa hàng siêu nhỏ. Nhờ vậy, việc thanh toán không tiền mặt sẽ ngày càng được phổ biến hơn nữa. 

Theo một khảo sát mới đây của McKinsey & Company, tài chính, ngân hàng đang là một trong những lĩnh vực chuyển đổi số mạnh mẽ nhất tại Việt Nam. Chỉ trong có 4 năm (từ 2017-2021), tỷ lệ người dùng Việt sử dụng dịch vụ của các công ty Fintech đã tăng từ 16% lên 56%.

{keywords}
Thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến với người dùng Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Đánh giá của McKinsey & Company cho thấy, tiền mặt vẫn là “vua” ở tất cả các phân khúc thanh toán tại Việt Nam. Tuy vậy, mức độ cởi mở của người dùng Việt Nam với thương mại điện tử là rất cao. Người tiêu dùng dùng sẵn sàng chi tiêu trên môi trường số, ngay cả với các sản phẩm tài chính phức tạp liên quan tới thế chấp, các khoản đầu tư cũng như các hợp đồng bảo hiểm. 

Đánh giá của McKinsey & Company cũng cho biết, quy mô hệ sinh thái số Việt Nam ước đạt 50 tỷ USD và có thể tăng lên thành 100 tỷ USD vào năm 2025. 

Người dùng số bắt đầu hành trình trải nghiệm số của họ từ các sàn thương mại điện tử, sau đó tiến tới việc thanh toán và sử dụng các dịch vụ ngân hàng số. Thách thức lớn nhất để phổ biến thanh toán không tiền mặt là phải tạo ra trải nghiệm liền mạch, đơn giản, thuận tiện nhưng vẫn an toàn, bảo mật cho người dùng.

Trọng Đạt

Việt Nam chậm chân trong trào lưu tiền mã hóa ở các quốc gia châu Á?

Việt Nam chậm chân trong trào lưu tiền mã hóa ở các quốc gia châu Á?

Nhiều quốc gia trong khu vực châu Á đã nghiên cứu, thí điểm, thậm chí triển khai các đồng tiền kỹ thuật số sử dụng công nghệ Blockchain. Với Việt Nam, những kế hoạch này dường như mới chỉ được thực hiện trên giấy.