Theo công an tỉnh Phú Thọ, hiện ở một số huyện như Yên Lập, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Hạ Hòa... đang xảy ra tình trạng người dân sử dụng hóa chất, xung kích điện để đánh bắt, tận diệt, chế biến giun đất để bán cho thương lái với số lượng lớn.

Cụ thể, qua nắm bắt của Công an tỉnh Phú Thọ, ở một số địa phương của những huyện trên xuất hiện tình trạng người dân địa phương sử dụng máy kích điện đánh bắt, chế biến giun đất để bán cho thương lái tại các tỉnh biên giới phía Bắc với số lượng lớn. Giá của mỗi kilogram giun tươi từ 20.000 đồng - 25.000 đồng/kg và giun khô từ 550.000 đồng - 600.000 đồng/kg.

{keywords}
Lực lượng Công an tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng kích điện đánh bắt giun đất.

Để thực hiện việc đánh bắt giun đất, các thương lái cung cấp máy kích điện cho người dân và hướng dẫn cách sử dụng, đa phần số máy kích điện đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người dân dùng máy kích phóng điện xuống khu vực đất có nhiều giun sinh sống. Khi có xung điện, giun ngoi lên mặt đất, người đánh bắt chỉ việc thu gom và tiến hành mổ, phơi hoặc sấy khô để bán cho các thương lái tại địa phương. Trung bình trong thời gian một ngày mỗi người đánh bắt thu được khoảng từ 15 - 25kg giun tươi.

Qua công tác nắm tình hình, sau khi phát hiện người dân dùng kích điện bắt giun đất, lực lượng Công an đã kịp thời cử đội ngũ cán bộ xuống cơ sở, tích cực tuyên truyền giải thích về những tác hại từ việc đánh bắt tận diệt giun đất ảnh hưởng đến môi trường; đồng thời, việc sử dụng thiết bị cũng không đảm bảo an toàn, rất dễ gây tai nạn, ảnh hưởng đến tính mạng của người trực tiếp sử dụng. Sau khi tuyên truyền vận động, lực lượng Công an thường yêu cầu người dân ký cam kết không sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất.

Theo Công an tỉnh Phú Thọ, một trong những khó khăn trong công tác ngăn chặn, xử lý hành vi đánh bắt và chế biến giun đất hiện nay là đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản pháp luật nào quy định chế tài xử lý hành vi đánh giun đất bằng máy kích điện.

Do đó, lực lượng Công an tỉnh đã có văn bản báo cáo, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và UBND huyện, thành, thị tập trung giải quyết tình trạng trên. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, Công an các huyện, thành, thị tham mưu cho chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền tới tận khu dân cư bằng nhiều hình thức khác nhau, để người dân nhận thức rõ về hậu quả nghiêm trọng của việc khai thác tận diệt giun đất, ảnh hưởng xấu đến môi trường và hệ sinh thái, không vì lợi ích trước mắt mà gây thiệt hại lâu dài.

Bên cạnh đó lực lượng Công an đã tăng cường công tác nắm tình hình, tập trung tổ chức rà soát các điểm, các cá nhân, cơ sở kinh doanh cung cấp máy kích giun, nếu phát hiện có các dấu hiệu vi phạm kinh doanh hàng nhập lậu và hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, lực lượng Công an sẽ tiến hành tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp chế biến giun đất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân địa phương.

Theo các nhà khoa học, giun đất có vai trò rất quan trọng trong việc làm tơi xốp, tăng độ phì nhiêu cho đất, phân hủy chất thải hữu cơ; phân giun chứa nhiều dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng và nhiều tác dụng khác. Vì vậy, việc khai thác giun đất bằng phương pháp sử dụng máy kích điện mặc dù đem lại lợi ích kinh tế trước mắt cho một số người dân, nhưng để lại hậu quả rất nghiêm trọng đến chất lượng đất đai, gây mất cân bằng hệ sinh thái trong đất và gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Hơn nữa, trong quá trình chế biến giun đất, nước thải được xả ra bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân địa phương.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa hề có bất kỳ một cơ sở pháp lý nào đặt ra để xử lý những người dùng kích điện bắt giun hay xử lý những người cấp phát kích điện, máy chế biến giun cho người dân. Vì vậy, hiện tượng bắt giun bằng kích điện ngày càng mở rộng quy mô tại hầu hết các tỉnh thành.

(Theo Dân Việt)