Sáng 3/3, Lễ hội 5 làng Mọc (Hà Nội) gồm: Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc, Giáp Nhất và Phùng Khoang diễn ra sau gần 10 năm không tổ chức. 5h30, đoàn rước của làng Phùng Khoang khởi hành và đi qua đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân). 

Theo lệ, cứ 5 năm, người dân khu vực này lại tổ chức rước kiệu chung một lần nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lễ hội này từng bị hủy bỏ. Do vậy, sự kiện hôm nay thu hút rất đông khách tới dự.

Đường Nguyễn Trãi (đoạn từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến Ngã Tư Sở) do phải phân làn để đảm bảo an toàn cho đoàn rước, đặc biệt là các tình huống người điều khiển phương tiện băng qua đường, giao thông khu vực này rối loạn.

Nhiều trẻ em và người lớn tuổi không chạy theo kịp kiệu thánh đành đi tụt về phía sau thành một đoàn lẻ.

Xe bus di chuyển khó khăn khi gặp đoàn rước, phải dừng trả khách ngay giữa đường. Khu vực cầu đi bộ trên cao cũng hạn chế người qua lại trong thời điểm kiệu thánh đi qua vì lý do kiêng kỵ.

Nhiều người đi đường tò mò với đoàn rước dài, màu sắc rực rỡ đã dừng lại quay phim, chụp hình.

Cách một đoạn, đoàn khênh kiệu lại chạy tăng tốc. Người dân cũng hò reo đuổi theo sau khiến lễ rước như thể cuộc chạy đua marathon.

Một phụ nữ vì quá nóng và mệt khi phải chạy quãng đường dài từ sáng sớm, đã cởi áo cầm giày lên tay, đi chân đất. "Mệt nhưng ai cũng hào hứng, phấn khởi vì lễ hội 5 năm mới tổ chức một lần. Hôm nay gia đình tôi nghỉ làm để đi theo đoàn rước", chị nói.

8h30, các kiệu tề tựu phía ngoài phố Quan Nhân. Tại đây thanh niên trai tráng liên tục làm các động tác xoay kiệu nhiều vòng, chạy chân sáo. Còn đám đông thì hò reo náo nhiệt.

Theo tục lệ, khi gặp nhau các kiệu Thánh phải nhún xuống, xoay tròn liên tục nên gọi là "kiệu quay". Điều đó thể hiện các Thánh đang chào nhau và vui mừng khi hội ngộ. Một kiệu thánh gồm 4 người khênh, liên tục thay phiên nhau để giữ sức. 

Càng về cuối, các thành viên trong đội kiệu đuối dần sức do chạy và làm động tác bay quá nhiều. Một thanh niên bị chuột rút trong lúc đang khênh kiệu, cậu được đưa ra khỏi khu vực đám đông và tiếp nước uống.

Một thanh niên khác bị thương ở tay, vết thương đã được băng kín nhưng vẫn chảy máu chảy máu trong lúc khênh kiệu.

Anh Thành (đội bê kiệu Long Đình, làng Chính Kinh) bị chuột rút cả 2 chân sau màn chạy kiệu và xoay vòng. Anh cho biết, đến gần cuối buổi mới bị kiệt sức nhưng vẫn rất vui vì năm nay được tham gia đoàn rước, góp sức cho nét đẹp văn hóa của làng mình.

Kẻ Mọc là tên gọi nôm của một khu dân cư xuất hiện lâu đời bên bờ Nam sông Tô Lịch, phía Tây Nam của kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Cả vùng Kẻ Mọc có tên chữ là Nhân Mục; sau được chia thành hai xã là Nhân Mục Cựu gồm hai làng: Hạ Đình, Thượng Đình và Nhân Mục Môn gồm 5 làng là Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc (quận Thanh Xuân) và Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), tục gọi là 5 làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) và phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm).

Lễ hội của từng làng Mọc được tổ chức hàng năm vào dịp sau Tết Nguyên đán. Theo tục lệ, cứ đến kỳ đại hội (5 năm tổ chức một lần, mỗi kỳ do một làng đứng ra đăng cai), 5 làng Mọc sẽ cùng nhau tổ chức lễ hội trọng thể với nhiều nghi thức, trò diễn hấp dẫn, nhằm rước các Thánh (Thành hoàng làng) du xuân, thưởng lãm cảnh quan 5 làng và cầu cho quốc thái dân an. Địa điểm diễn ra lễ hội là ở đình các thôn Mọc, đó là đình Phùng Khoang, Quan Nhân, Cự Chính, Giáp Nhất. Mỗi đình thờ mỗi vị thánh riêng của làng mình.

Thu Hằng, Nguyễn Hằng, Huy Phúc, Văn Bắc và nhóm BTV