Kỳ lạ loài cây chảy ra rượu như sâm banh
Đến các bản làng của người Cơ Tu, du khách được dân làng tiếp đón rất nồng hậu và không thể thiếu chén rượu tavak (tavak giống như cây dừa, người Kinh gọi là “dừa núi” hay cây đoác).
Sơn nữ Bhnướch thị Oom đang lấy tavak trên cây. |
Đặc biệt, du khách được mục sở thị cảnh phụ nữ Cơ Tu thoăn thoắt trèo lên cây tavak nhanh như con sóc rừng để mang rượu xuống mời khách nếm thử.
Rượu tavak màu trắng đục, sủi tăm trong ly, nhìn tựa như rượu sâm banh. Rượu có vị ngòn ngọt, thơm dìu dịu, phảng phất mùi hương đường thốt nốt. Đây là loại rượu không thể thiếu trong các lễ hội, ngày Tết của đồng bào Cơ Tu bao đời trên dãy Trường Sơn.
Quy trình sản xuất rượu tavak khá phức tạp và cần có bí quyết nhà nghề. Một cây tavak trưởng thành có thể cho từ 10 đến 15 lít rượu mỗi ngày. Cây có thể cho rượu trong 2-3 tháng, với số lượng khoảng 300 lít. Tavak ra hoa, có trái liên tục nên rượu tavak có thể sản xuất quanh năm, nhưng rượu có chất lượng tốt nhất là vào mùa hè.
Củ cải khổng lồ như bắp chân, nặng 3-4kg
Nông dân Ðà Lạt (Lâm Đồng) đang trồng thương phẩm củ cải trắng giống mới khổng lồ cung cấp cho thị trường nguyên liệu để chế biến kim chi chất lượng cao, được khách hàng Hàn Quốc ưa thích.
Trồng củ cải Song Jeong. |
Đây là giống củ cải khổng lồ Song Jeong của Hàn Quốc, chuyên trồng để sản xuất kim chi. Với những củ cải lớn tới 3-4 kg, không thể dùng để ăn tươi như thói quen nấu nướng của người Việt. Song trồng củ cải khổng lồ để làm kim chi lại rất thích hợp vì củ hầu như không có xơ, thịt củ mịn, năng suất cao, phù hợp với món kim chi Hàn Quốc.
Năng suất chung của củ cải Song Jeong khoảng 80 tấn/ha nhưng ở Đà Lạt, do thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nên hầu hết các nông hộ hợp tác đều đạt năng suất xấp xỉ 90-100 tấn/ha. Chỉ sau 3 tháng canh tác, 1 sào củ cải bà con có thể thu về 30-50 triệu đồng, lại không cần nhà kính cũng như công chăm bón, thuốc men không phức tạp.
Quán cafe lạ ở Hà Nội tự làm 2.000 bánh trung thu tặng khách
Một quán cafe vườn xinh xắn nằm ở cuối con ngõ 624 Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đưa ra chương trình tặng bánh trung thu cho khách khi tới quán thưởng thức các loại đồ uống vào dịp này.
Khách đến quán gọi 2 món đồ uống bất kỳ sẽ được chị tặng 1 bánh trung thu với nhân tùy chọn |
Chủ quán tiết lộ, quán dự kiến sẽ làm gần 2.000 chiếc bánh để tặng khách từ ngày 1/9 đến hết ngày 13/9 (tức hết Tết Trung thu).
Bánh trung thu có trọng lượng 50gram hiện bán ngoài thị trường có giá dao động từ 15.000-20.000 đồng. Nếu nhân với số lượng 2.000 bánh để tặng thì quán chi ra khoảng 30-40 triệu đồng cho vụ bánh lần này.
Si mini bé tí giá trăm triệu, ngâu bonsai cổ thụ giá hàng tỷ
Tại triển lãm sinh vật cảnh TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa), rất nhiều tác phẩm si mini bonsai rất nghệ thuật, mỗi cây một dáng thế đến từ các nhà vườn khác nhau. Trong đó, có hơn chục tác phẩm si mini (một người bê) khiến du khách và giới chơi cây mê mẩn, có cây giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Còn tại triển lãm sinh vật cảnh mới đây ở TP.Quy Nhơn (Bình Định), nhiều người mãn nhãn khi thưởng lãm cây ngâu bonsai cổ thụ của doanh nhân Võ Thành Dũng (40 tuổi; ngụ TP Quy Nhơn).
Đã có người trả 1,5 tỉ đồng nhưng chủ cây ngâu không bán. |
Theo giới chơi cây cảnh, cây ngâu bonsai cổ thụ của anh Dũng thuộc loại "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam. Ngoài dáng thế đẹp, độc, lạ, cây ngâu này lại thường xuyên cho ra hoa rất thơm. Chủ nhân cho biết, có người trả cây ngâu 1,5 tỷ đồng nhưng anh không bán.
Vớt được cá lệch dài 2m, bán giá 5 triệu ở Nghệ An
Con cá lệch dài khoảng 2 mét, nặng gần 17 kg đã chết, trôi trên dòng nước lũ trên sông Nậm Mộ được một người dân ở Nghệ An vớt lên và bán với giá hơn 5 triệu đồng.
Con cá lệch"khủng" ngư dân vớt được. |
Người vớt được cá lệch 'khủng' này là anh Vi Văn Quang (trú xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn). Anh Quang cho biết, sáng 3/9, anh ra sông Nậm Mộ xem nước lũ bất ngờ gặp con vật “khủng” này đang dạt vào bờ. Nghi ngờ đây là cá lệch - một loại cá đặc sản của khu vực miền Tây Nghệ An - nên anh đã vớt lên. Thấy con cá đã chết do bị đập rách phần đầu nhưng vẫn còn tươi nên anh đưa về.
Lãnh đạo xã Hữu Kiệm cho báo giới biết, có thể trước đó con cá này bị tua bin máy phát điện của một nhà máy điện nào đó gây tổn thương dẫn tới chết. Cá lệnh với trọng lượng như vậy là rất hiếm tại địa bàn.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)