Có mặt tại Gala Hạt mầm khát vọng mới đây, vợ chồng đại úy Hoàng Văn Phong (sinh năm 1994, công tác tại Sư đoàn 3, Quân khu 1) và Phùng Thị Hằng (sinh năm 1996) làm giáo viên mầm non ở Lạng Sơn rưng rưng xúc động chia sẻ niềm hạnh phúc lần đầu tiên được làm cha, làm mẹ.
Kết hôn được 3 năm nhưng không có con, cặp vợ chồng trẻ đã chịu rất nhiều áp lực từ người thân, gia đình. Khi đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ cho biết anh Phong bị tinh trùng yếu vì tiền sử quai bị lúc nhỏ, còn vợ bị polyp buồng tử cung, muốn có con cần can thiệp hỗ trợ sinh sản.
Tuy nhiên, chi phí để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm lại vượt quá khả năng tài chính, nên hai vợ chồng quyết định tạm dừng một thời gian để tích lũy thêm, chờ cơ hội.
May mắn, năm 2023, vợ chồng đại úy Phong là 1 trong 10 cặp vợ chồng được nhận gói hỗ trợ IVF miễn phí 100% của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Ban đầu bác sĩ chọn và đặt 1 phôi, thật kỳ diệu, khi vào làm tổ, 1 phôi tách ra làm 2. Lúc nhận tin có song thai, vợ chồng anh Phong vừa mừng, vừa lo. Quá trình mang thai thuận lợi, cuối tháng 10 vừa qua, họ đón cặp song sinh khoẻ mạnh chào đời. Trường hợp chuyển một phôi nhưng cho kết quả song thai cùng trứng nhờ phân tách phôi tự nhiên là hiếm gặp, tỷ lệ 4/1.000.
Một trường hợp khác là gia đình đại uý quân nhân chuyên nghiệp Ngô Văn Cường và đại úy Nguyễn Thị Hạnh đang công tác tại Kho K812, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) kết hôn đã lâu nhưng chưa có con. Chị Hạnh có tiền sử sinh non, vỡ tử cung ở lần mang thai trước, đã nhiều lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thất bại cùng những biến cố gia đình liên tục ập đến khiến vợ chồng suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hai năm trước được sự hỗ trợ của đơn vị, vợ chồng anh Cường là một trong 10 gia đình quân nhân được nhận gói hỗ trợ 100% chi phí thực hiện IVF, tạo được 4 phôi. Sau ba lần chuyển phôi liên tiếp thất bại, đến lần thứ 4, một phôi duy nhất và cũng là cuối cùng đã mang đến phép màu cho anh chị. Hiện tại, em bé của vợ chồng này đã được 7 tháng tuổi.