Huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 22.000 hộ với hơn 100.000 nhân khẩu thuộc 30 dân tộc anh em, trong đó số lượng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30%.

Theo đánh giá, do tiềm lực hạn chế nên đến nay, huyện Krông Ana vẫn thuộc diện chậm phát triển, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Trước đó, thời điểm năm 2019, toàn huyện còn 1.561 hộ nghèo, trong đó có 840 hộ là người dân tộc thiểu số (chiếm hơn 50%)... Vì vậy, Huyện ủy Krông Ana đã ban hành Nghị quyết 07 nhằm tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nội dung quan trọng nhất theo tinh thần Nghị quyết 07 là việc đầu tư, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế. Thời gian qua, huyện Krông Ana đã hỗ trợ các mô hình tổ hợp tác may mặc, tổ hợp tác xây dựng; mô hình trồng lúa nước vụ đông xuân theo hướng an toàn... Nghị quyết 07 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của người dân, đó là cán bộ, chính quyền trao “cần câu”, bà con phải nỗ lực “câu cá”...

imagedaidoanketvn images upload hangnt 08292023 anh 1a.jpg
Đời sống bà con dân tộc thiểu số ở Krông Ana (Đắk Lắk) được đặc biệt quan tâm. 

Thực tế triển khai đã có một số mô hình phát huy hiệu quả, như mô hình Tổ hợp tác xây dựng và mô hình Tái canh cây cà phê xen canh cây sầu riêng cho 29 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại 4 buôn thuộc các xã: Dray Sáp, Ea Bông, Băng Adrênh, Dur Kmăl để tái canh với diện tích 13,2ha.

Thành công lớn nhất đến thời điểm này là Nghị quyết 07 triển khai đến đâu đều đạt hiệu quả đến đó. Nhờ vậy, qua hơn 4 năm thực hiện, đã có 156 hộ dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Ê Đê thoát nghèo.

Với nguồn ngân sách đầu tư hằng năm 1,5 - 2 tỷ đồng, huyện Krông Ana sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số nghèo phát triển kinh tế phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và khả năng thực tế của người dân.

Để các buôn đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững, huyện đã chủ động tuyên truyền, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để bà con áp dụng; cấp hàng nghìn cây, con giống giúp các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ phát triển sản xuất. 

Thời gian tới, huyện Krông Ana phấn đấu mỗi năm giảm 4% hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến năm 2025, có 100% hộ nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ sản xuất; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, xóa nhà tạm bợ, dột nát cho hộ dân tộc thiểu số nghèo; 100% hộ dân ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện và 98% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 

Đào Lý và nhóm PV, BTV