Theo bài viết trên Korea Times đăng ngày 28/4, luật pháp Hàn Quốc quy định các đêm nhạc Kpop không phải là "buổi biểu diễn" mà thuộc hình thức "tụ tập". Vì vậy, khi Hàn Quốc duy trì các biện pháp giãn cách xã hội ở cấp độ 2, các chương trình âm nhạc chỉ có thể có sự tham gia trực tiếp của tối đa 100 khán giả.
Nhân viên ngành âm nhạc thất nghiệp
Theo Korea Times, quy định trên đã tàn phá ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, buộc nhân viên các đơn vị tổ chức sự kiện phải bỏ việc. Số vé được phép bán ra quá ít và họ không thể kiếm đủ doanh thu để duy trì công việc này.
Tuy nhiên, nhạc kịch nhận kiểu đối xử hoàn toàn khác biệt vì được phân loại là "buổi biểu diễn". Trong các buổi nhạc kịch, đơn vị tổ chức có thể lấp đầy 75% số ghế trong nhà hát dù cùng áp dụng các biện pháp ngăn cách xã hội ở cấp độ 2.
Điều này đặt ra câu hỏi: "Tại sao các đêm nhạc của nghệ sĩ Kpop không được coi là buổi biểu diễn?". Giải thích vấn đề này trên Korea Times, Bộ Y tế và Phúc lợi tuyên bố các buổi concert Kpop khác biệt so với hình thức biểu diễn khác.
Khán giả thường hát theo những người biểu diễn, điều này có thể lây lan virus. Tuy nhiên, tuyên bố này đã không thuyết phục được những chuyên gia trong ngành và người hâm mộ Kpop. Công chúng cho rằng quy tắc trên chỉ thể hiện sự phân biệt đối xử của chính phủ đối với văn hóa và âm nhạc đại chúng.
Các đêm nhạc có khán giả hoàn toàn biến mất ở Kpop trong một năm qua. |
"Nếu hát theo là một vấn đề, chính phủ có thể chỉ cần cấm mọi người làm điều đó", Kim Sang Wook, giám đốc công ty chuyên tổ chức sự kiện, người đã thực hiện các hợp đồng biểu diễn cho BTS từ năm 2013 đến năm 2019, nói với Korea Times.
"Một vài buổi hòa nhạc trực tuyến đã được tổ chức từ khi mức độ giãn cách xã hội chưa nghiêm trọng như hiện tại. Nhưng kể từ thời điểm đó, khán giả đã không hát theo và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về khoảng cách khi họ được yêu cầu. Các quy định của chính phủ khiến những người trong ngành Kpop cảm thấy bị gạt ra ngoài lề và bị phân biệt đối xử”, Kim nói.
Ông tiếp tục: “Chúng tôi không yêu cầu chính phủ ưu ái. Chúng tôi đơn thuần chỉ đang tìm kiếm sự bình đẳng. Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã tàn phá ngành công nghiệp của chúng tôi hơn một năm và đẩy rất nhiều người vào bờ vực”.
“Phải có một số giải pháp hữu hình để giúp họ kiếm sống, chẳng hạn tổ chức những buổi hòa nhạc trực tuyến. Tuy nhiên, lợi nhuận từ các sự kiện âm nhạc trực tuyến ít hơn nhiều so với thu nhập từ buổi biểu diễn có khán giả theo dõi trực tiếp vì giá vé rẻ hơn. Ngoài ra, một phần lớn lợi nhuận sẽ thuộc về chủ sở hữu nền tảng", ông Kim nhấn mạnh.
Các đêm nhạc và sự kiện giải trí vốn là trụ cột của Kpop. Tuy nhiên, chúng đã bị hủy bỏ hoặc lùi thời gian tổ chức do lo ngại về sự bùng phát của Covid-19. Bắt đầu từ giữa tháng 2/2020, các nghệ sĩ Kpop nổi tiếng như BTS, TWICE, MONSTA X, NCT, SHINee... hủy bỏ kế hoạch biểu diễn ở trong nước lẫn nước ngoài. Các lễ hội âm nhạc vốn được tổ chức thường niên như KCON cũng bị hủy bỏ.
Để giảm nguy cơ lây lan của virus, đài phát thanh, truyền hình cũng bắt đầu ghi hình các chương trình âm nhạc, chẳng hạn Inkigayo, The Show, Music Bank... mà không có khán giả.
Việc không được tổ chức đêm nhạc ảnh hưởng đến thu nhập của nghệ sĩ, công ty lẫn đơn vị thực hiện sự kiện. |
Trong một năm qua, không có bất cứ đêm nhạc nào được tổ chức. Đáng nói đây là một trong những nguồn mang lại thu nhập cao nhất cho nghệ sĩ Kpop để họ tái đầu tư sản phẩm. Trước tình thế khẩn cấp vì Covid-19, các công ty giải trí đưa ra giải pháp là tổ chức buổi diễn online. Tuy nhiên, hình thức này không duy trì được lâu dài.
Chưa kể, không phải nhóm nhạc nào cũng đủ khả năng phát triển theo hình thức này. Thông thường chỉ những nghệ sĩ hay nhóm nhạc hạng A như BTS, BlackPink, TWICE… mới đủ tiềm lực và lượng fan đông đảo để biểu diễn online mà vẫn thu về lợi nhuận cao.
Kpop yêu cầu bồi thường
Để tiếng nói của họ được lắng nghe, 38 công ty chuyên sản xuất sự kiện âm nhạc ở Hàn Quốc gần đây đã chung tay và thành lập hiệp hội, yêu cầu chính phủ loại bỏ sự phân biệt đối xử. Họ thậm chí yêu cầu bồi thường.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 22/4, hiệp hội kêu gọi nỗ lực chung từ các bộ liên quan, các đảng phái chính trị và cơ quan chính phủ để thay đổi quy định.
"Chúng tôi yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế và Phúc lợi và chính quyền địa phương cùng thảo luận về vấn đề và đưa ra các biện pháp cho chúng tôi", hiệp hội cho biết.
Lee Gyu Tag, giáo sư nhân chủng học văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc, chỉ ra dường như tồn tại vấn đề giao tiếp giữa các bên liên quan.
BlackPink trong đêm nhạc trực tuyến. |
"Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cố gắng đưa các đêm nhạc trở lại, nhưng thực tế chính quyền địa phương mới là người đưa ra quyết định cuối cùng. Trong nỗ lực giảm thiểu nguy cơ lây lan virus, các nhà chức trách đang tuân thủ quy định và đưa ra những hạn chế đối với sự kiện âm nhạc", Lee Gyu Tag nhận định với Korea Times.
"Để xử lý tình hình hiện tại, hai bộ cần trao đổi chặt chẽ với nhau và quyết định cách thức vực dậy ngành công nghiệp này. Kpop đang vươn cao trong nền âm nhạc toàn cầu, việc hạn chế hợp đồng biểu diễn không phải giải pháp tốt nhất về mặt quốc tế", ông bày tỏ.
“Trong khi nhiều quốc gia khác như Đức và Anh đang tổ chức nhiều buổi hòa nhạc thử nghiệm trước đám đông lớn để tìm cách tốt hơn cho các nhạc sĩ, ca sĩ an toàn giữa đại dịch thì Hàn Quốc vẫn chưa thực hiện những bước đi như vậy. Thay vào đó, Hàn Quốc đang thực hiện cách tiếp cận thận trọng hơn, chẳng hạn hạn chế hầu hết sự kiện diễn ra. Do đó, các ngôi sao chỉ ngồi một chỗ và chờ đại dịch kết thúc”, chuyên gia đánh giá.
Trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi, các chuyên gia chỉ ra vấn đề nghĩa vụ quân sự của nhóm nhạc nam cũng đang thể hiện sự phân biệt của chính phủ Hàn Quốc giữa âm nhạc Kpop với các thể loại văn hóa khác.
Theo luật hiện hành, tất cả nam giới từ 18 đến 28 tuổi phải tham gia lực lượng vũ trang và phục vụ quân đội trong khoảng hai năm. Nhưng các nhạc sĩ và vận động viên từng đoạt giải thưởng quốc tế được miễn phục vụ trong quân đội với danh nghĩa “nâng cao uy tín quốc gia”.
Các chuyên gia lên tiếng yêu cầu chính phủ đưa ra giải pháp để cứu Kpop. |
Quy định này đã dẫn đến một cuộc tranh luận trong suốt năm 2020 về tính công bằng của hệ thống. Với nhiều người, bao gồm Hạ nghị sĩ Noh Woong Rae của Đảng Dân chủ cầm quyền, quy định trên cũng nên được áp dụng với các ngôi sao toàn cầu như BTS. Theo ông Noh, việc BTS chinh phục bảng xếp hạng Billboard Hot 100 và hàng loạt bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế chắc chắn góp phần "nâng cao uy tín quốc gia”.
Về vấn đề này, ông Lee Gyu Tag nói: “Hai trường hợp trên cho thấy chính phủ vẫn coi văn hóa đại chúng và âm nhạc chỉ là hạng hai, bất chấp sự phổ biến toàn cầu của Kpop. Kpop và âm nhạc cổ điển đều là nghệ thuật và các nhạc sĩ không nên bị đối xử khác biệt chỉ vì thể loại của họ".
(Theo Zing)
Siêu phẩm của IU và Suga (BTS) gây bão làng Kpop
- Bài hát Eight với sự kết hợp của IU và Suga (BTS) vừa ra bắt đã chính thức gây "bão".