Kon Tum hiện còn mang đầy đủ những vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng cao nguyên hùng vĩ và vẻ đẹp vốn có đang hiện hữu tại các buôn làng của đồng bào các dân tộc thiểu số, là điều kiện thuận lợi để du lịch Kon Tum cất cánh.

Kon Tum là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 9.690,50km2; có đường biên giới dài 280,7km, giáp với hai nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Cam-pu-chia; toàn tỉnh có 9 huyện, 1 thành phố, có 6 huyện nghèo theo Chương trình 30a; 102 xã, phường, thị trấn (trong đó có 20 xã đặc biệt khó khăn); với 863 khu dân cư; tổng dân số khoảng 480 nghìn người, gồm 27 dân tộc anh em cùng sinh sống; dân tộc thiểu số chiếm khoảng 53%; đồng bào các tôn giáo có trên 40% dân số.

{keywords}
Hiện còn mang đầy đủ những vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng cao nguyên và vẻ đẹp tại các buôn làng của đồng bào các dân tộc thiểu số, là điều kiện thuận lợi để du lịch Kon Tum cất cánh. 

Tỉnh Kon Tum xác định rõ tiềm năng, lợi thế chủ yếu để khai thác tài nguyên du lịch là phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, cảnh quan thiên nhiên rừng, du lịch văn hóa tộc người với phương thức đa dạng hóa chủ thể tham gia, góp phần tăng thu nhập và việc làm từ du lịch, bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sinh thái, tránh những tác động xấu ảnh hưởng từ hoạt động khai thác và phát triển du lịch. Xây dựng và hình thành các khu du lịch, khu vui chơi giải trí không chỉ tập trung ở các khu vực thành thị, thị trấn mà ở cả các vùng nông thôn, tộc người.

Do hạ tầng giao thông được cải thiện, tỉnh Kon Tum tiến hành hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch bằng nhiều sự kiện, chương trình quảng bá du lịch với các tỉnh miền Trung Tây Nguyên và các nước nằm trong khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây đã góp phần tích cực thúc đẩy lượng khách du lịch ngày càng tăng trưởng. Kon Tum luôn chiếm vị trí số 2 trong vùng Tây Nguyên cả về số lượng và tốc độ tăng trưởng khách quốc tế (chỉ sau Lâm Đồng). Đến nay, toàn tỉnh đã có 109 đơn vị đăng ký kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 29 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao và 62 nhà nghỉ du lịch.

Muốn phát triển du lịch và duy trì tăng trưởng doanh thu từ du lịch một cách bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, du lịch Kon Tum cần thực hiện một số giải pháp thật căn cơ, thiết thực:

Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển du lịch trên mọi phương diện: bảo tồn, phát triển các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch; tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Xây dựng đội ngũ trí thức là người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn, có tâm huyết trong sưu tầm, sáng tác, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống của Kon Tum và Tây Nguyên có nguy cơ thất truyền.

Tăng cường phối hợp hoạt động liên ngành nhằm khai thác hiệu quả nền văn hóa đa dạng các dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, đồng thời thỏa mãn nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa giữa du khách và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cải thiện đời sống, tạo cơ hội việc làm cho cư dân bản địa.

Nâng cấp kết cấu hạ tầng, phục dựng, khôi phục các lễ hội, các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống là cần thiết để tạo thuận tiện và tăng tiện nghi đón khách, nhưng song song với đó phải giữ gìn được các di sản kiến trúc, phong cảnh thanh bình đúng nghĩa làng, thôn, buôn, bon và nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục. Có như vậy, mới bảo đảm tạo sức hấp dẫn du lịch, cuốn hút du khách và mang tính bền vững.

Xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng (homestay) Kon Tum, gắn phát triển du lịch với đời sống cộng đồng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để người dân thực sự phát huy vai trò làm chủ của mình trong hoạt động du lịch, vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vừa nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa vùng đất đại ngàn tới du khách trong và ngoài nước. Khuyến khích đồng bào bảo tồn các buôn, làng cổ truyền, chú trọng phát triển nghề thủ công truyền thống. Bảo tồn và phục dựng các lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu của đồng bào và đưa vào khai thác hoạt động du lịch.

Văn Thường
Ảnh: Bảo Phùng