Nhờ nỗ lực bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống,lễ hội, đời sống tinh thần của người dân các dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng phong phú và văn hóa đã trở thành động lực đối với sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng.
Với sự định hướng, cổ vũ, đầu tư của các cấp chính quyền và ngành văn hóa, đến nay người dân các dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum đã bảo tồn được 2.500 bộ cồng chiêng; mở hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng; những bài chiêng cổ được ký âm, lưu giữ; khôi phục hàng trăm nhà rông; Đến nay, Kon Tum cũng đã phục dựng được trên 20 lễ hội truyền thống như: Lễ hội mừng lúa mới của các tộc người Xơ Đăng, Bah Nar, Giẻ-Triêng; Lễ hội ăn trâu mừng nhà rông mới của các tộc người Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ-Triêng; Lễ hội bắc máng nước của tộc người Xơ Đăng; Lễ hội mừng nước giọt của tộc người Bah Nar (Rơ ngao; Lễ bỏ mả của dân tộc Rơ Măm…
Sau khi phục dựng, các lễ hội tiêu biểu này được đồng bào các tộc người bản địa ở Kon Tum duy trì tự tổ chức theo chu kỳ hàng năm ở các cộng đồng dân cư với quy mô phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện. Theo kết quả điều tra của ngành văn hóa tỉnh, hiện Kon Tum có trên 200 di sản văn hóa phi vật thể đang còn duy trì trong các thôn, làng trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, tỉnh Kontum đã tổ chức cho các đoàn nghệ nhân tham gia trình diễn ở trong và ngoài nước, như tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch định kỳ hàng năm tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum tại Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông).
Những nỗ lực của Kontum thời gian qua về bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong công tác “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc” ; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.