UBND tỉnh Kon Tum vừa có Quyết định phê duyệt Đề án Khôi phục và phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Đề án nhằm mục đích phát triển mạnh sản xuất cà phê xứ lạnh theo hướng bền vững, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất hàng hóa, phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; bảo đảm sinh kế cho người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh sẽ ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình khuyến nông, chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương… để đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ người dân tái canh và chế biến, tiêu thụ cà phê.

anh man hinh 2024 01 07 luc 155424.png
 Phát triển cây cà phê xứ lạnh giúp đồng bào dân tộc thiểu số tăng thu nhập. 

Phấn đấu đến năm 2025, phát triển diện tích trồng cà phê xứ lạnh đạt 5.000 ha; nâng cao năng suất trung bình ở mức 17 - 20 tạ/ha. Triển khai hoàn thành việc cải tạo, khôi phục diện tích cà phê xứ lạnh già cỗi, thiếu chăm sóc bằng các phương pháp, biện pháp kỹ thuật và tái canh. Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.

Đồng thời, mỗi địa phương xây dựng ít nhất 1 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê xứ lạnh và ít nhất 1 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê. Xây dựng ít nhất 3 sản phẩm OCOP từ nguồn gốc cà phê xứ lạnh Kon Tum đã qua chế biến.

Tính đến nay, tổng diện tích cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 3.380 ha. Diện tích cho thu hoạch là 2.670 ha, năng suất trung bình hơn 13 tạ tươi/ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn.

Diện tích cà phê xứ lạnh được trồng từ độ cao 800 - 1.200m so với mặt nước biển, thuộc địa bàn 22 xã của các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Phần lớn diện tích cà phê xứ lạnh do đồng bào dân tộ thiểu số trồng và chăm sóc.

Bình Minh và nhóm PV, BTV